PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 138
Phàm hễ một người một lòng xưng niệm, ngay một đời vướng bận nhất cũng không ngoài hai chữ “yêu” và “hận”. Yêu thì bạn cả đời vướng bận, bạn không cách gì xả bỏ họ được, còn hận thì là oan gia. Nếu cái hận đó sâu, cả đời ghi nhớ trong lòng, thù chưa báo, chết cũng không thể nhắm mắt thì đều không cam lòng. Tất cả đều không ngoài hai sự việc này. Nếu như có thể đem “yêu” và “hận” đổi thành “A Di Đà Phật” thì chúng ta thành công. Nhất định phải hiểu được, cái bạn yêu nhất sẽ lôi kéo bạn vào đường ngạ quỷ, điều mà bạn hận nhất sẽ lôi kéo bạn đến cõi địa ngục, kết quả đều là hướng vào ba đường ác mà đi. Tại vì sao không đem ý niệm này chuyển đổi lại, để niệm A Di Đà Phật? Quả nhiên chuyển đổi rồi, một lòng xưng niệm A Di Đà Phật thì không những vĩnh thoát luân hồi, mà còn vĩnh thoát mười pháp giới, không cần trải qua 41 giai cấp ở Thế giới Hoa Tạng, đốn siêu viên chứng vô thượng Bồ Đề, ngay trong một đời liền viên mãn. Đây là việc tốt thế xuất thế gian, không có thứ nào có thể sánh hơn được. Chúng ta phải nhận biết rõ ràng, không nên để cơ hội quá tốt ngay đời này lỡ qua. Người niệm Phật có thể vãng sanh, nếu như không thấu triệt đối với giáo lý thì không dễ dàng.
Người niệm Phật vãng sanh chỉ có hai loại người, người thiện căn sâu dày và người phước đức sâu dày. Người thiện căn sâu, hiểu rõ đạo lý này, kiên định tín tâm, không hề thay đổi. Chúng ta có thiện căn, có phước đức, nhưng thiện căn phước đức đều không viên mãn, đều không đủ, cho nên Phật dùng Kinh giáo, giảng Kinh nói pháp, dùng phương pháp này để nâng cao thiện căn của chúng ta, để bổ túc thiện căn của chúng ta. Chúng ta chân thật ở Giáo hạ làm cho rõ ràng, làm cho tường tận rồi, tín tâm của chúng ta kiên định, nguyện tâm khẩn thiết thì ngay đời này thành tựu. Người phước đức sâu dày, chính là thông thường chúng ta gọi là người lão thật, họ rất nghe lời; bảo họ niệm Phật, họ liền lão thật thành thật niệm Phật; bảo họ không nên khởi vọng tưởng thì họ không khởi vọng tưởng. Người như vậy ngay trong một vạn người khó tìm được một người. Họ chắc chắn sẽ thành tựu, vãng sanh có tướng lạ rất tốt. Không chỉ vãng sanh cõi Phật có tướng lạ, mà đời sau nếu có thể sanh đến trời người cũng đều có tướng lạ rất tốt. Đạo lý này chúng ta phải hiểu, chúng ta phải tường tận. Cho nên khi gặp người vãng sanh tướng hảo, tướng đẹp lạ, chúng ta không có trí tuệ, không có thần thông, không biết được rốt cuộc họ có vãng sanh Thế giới Cực Lạc hay không, thế nhưng có thể hoàn toàn khẳng định, họ tuyệt đối không đọa ba đường ác. Cho nên Đại Sư Thiện Đạo dạy chúng ta những lời này, chúng ta phải ghi nhớ, phải tường tận, phải ghi nhớ là trong lòng chỉ vướng bận duy nhất chính là A Di Đà Phật. Cách niệm Phật này được, có thể vãng sanh, nhưng là niệm Phật tiêu cực, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc phẩm vị không cao. Làm thế nào để nâng cao phẩm vị? Phải niệm Phật tích cực. Niệm Phật tích cực là như thế nào? Giúp đỡ tất cả chúng sanh niệm Phật, đây là tích cực.
Chúng ta niệm A Di Đà Phật cầu sanh Tịnh Độ, đây đều là ở trên quan niệm làm một sự thay đổi to lớn. Ta niệm Phật không phải vì chính ta, mà vì hư không pháp giới tất cả chúng sanh. Vậy thì chúng ta phải niệm Phật bằng cách nào? Trong đoạn nguyện văn này nói với chúng ta: “Phát Bồ Đề tâm, tu chư công đức, phụng hành lục Ba La Mật, kiên cố bất thoái, phục dĩ thiện căn hồi hướng”. Làm ra một tấm gương tốt cho tất cả chúng sanh xem, đây chính là chân thật vì hư không pháp giới tất cả chúng sanh mà niệm Phật, “tâm - nguyện - giải - hành” của chúng ta cùng A Di Đà Phật hoàn toàn tương ưng. Người như vậy niệm Phật, xin nói với các vị, rất dễ dàng được lý nhất tâm bất loạn, vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc là thượng thượng phẩm vãng sanh, thượng bối thượng phẩm; sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì hoa khai kiến Phật, vừa vãng sanh liền thành tựu, không cần trải qua mười hai kiếp, ngay đến nửa kiếp cũng không cần. Chúng ta như vậy mới tường tận.
Trên Kinh Phật nói với chúng ta, ở Thế giới Ta Bà tu hành một ngày thì bằng với Thế giới Tây Phương Cực Lạc tu hành một trăm năm. Thế giới Ta Bà không tệ, thế nhưng tu hành ở Thế giới Ta Bà có lên, có xuống, lên thật cao, xuống thật thấp. Còn tu hành ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc là bình ổn, ổn định, không có lên xuống, cho nên thời gian phải dài. Chúng ta ở ngay nơi đây, chỉ cần hiểu được đạo lý này, như lý như pháp tu học thì thành tựu cao, siêu vượt người bên đó dụng công. Nếu như bạn không hiểu được đạo lý này, không hiểu được những phương pháp này, thì tuy là niệm Phật nhưng không bằng ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc bình ổn, ổn định. Hay nói cách khác, Thế giới Ta Bà giống như các bạn đầu tư vậy, mạo hiểm rất cao, có thể kiếm lợi rất lớn, thế nhưng cũng có thể lỗ sạch. Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì rất bình ổn, không có lên xuống. Chúng ta phải nắm bắt cơ hội này, chúng ta phải nâng cao, không nên để rơi xuống thấp, rơi xuống thấp sẽ rơi đến ba đường ác, nâng cao thì ngay đời này liền thành Phật.