PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 137
Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, phát Bồ Đề tâm, tu chư công đức, phụng hành lục Ba La Mật, kiên cố bất thoái, phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn”.
Đây là nguyện thứ mười chín. Nguyện này đã giảng qua với các bạn mấy lần, hàm nghĩa trong đó rất sâu rộng. Lần trước tôi đã giảng câu “phụng hành lục Ba La Mật”. Kinh văn mỗi câu mỗi chữ đều rất quan trọng, quyết định không thể xem thường. Nếu như hàm hồ qua loa đọc qua, tuy là rất dụng công, rất tinh tấn, nhưng đến sau cùng vãng sanh vẫn là có vấn đề. Nguyên nhân chỉ có thể trách chính mình đối với giáo huấn của Phật không có tham thấu tường tận, cho nên mới sanh ra rất nhiều hiểu lầm, chướng ngại thành quả tu tập của chúng ta. Việc này chúng ta cần phải chú ý đến.
“Phát Bồ Đề tâm” nhất định phải “tu chư công đức”. Tu chư công đức, Phật nêu ra cho chúng ta một thí dụ, chính là “sáu Ba La Mật”. Sáu Ba La Mật nhất định phải thực tiễn ngay trong đời sống của chính mình, thực tiễn ngay trong công việc, thực tiễn ngay trong giao tiếp qua lại trong sinh hoạt thường ngày. Hay nói cách khác, chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm, không luận chúng ta trải qua đời sống như thế nào, là thân phận thế nào, thảy đều phải nên áp dụng ở trong lục độ, vậy mới chân thật gọi là phụng hành. Nếu như hành vi đời sống của chúng ta không tương ưng với lục độ thì bạn tu đó là hạnh phàm phu, còn nếu tương ưng với lục độ chính là Bồ Tát hạnh.
Chúng ta cần phải ghi nhớ, Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “các bậc thượng thiện tụ hội về ở một nơi”. Tâm thiện - hạnh thiện - ý niệm thiện của chúng ta chính là phát Bồ Đề tâm, phụng hành Ba La Mật. Đây là tiêu chuẩn của thiện, nhất định phải hiểu được, nhất định phải có thể thực tiễn. Không những phải có thể thực tiễn, mà còn phải “kiên cố bất thoái”. Có thể thấy được, tâm Bồ Đề, hạnh Bồ Tát không phải làm được vài ngày thì có thể buông xả, chí ít chúng ta phải phát tâm “tận hình thọ”. Hay nói cách khác, sống một ngày thì chúng ta phải nỗ lực làm một ngày, như vậy mới có thể tương ưng. Sau đó thì mười niệm, một niệm quyết định được sanh Tịnh Độ.
Phải ghi nhớ! Nếu như tâm của chúng ta bất thiện, ý niệm bất thiện, hạnh bất thiện, thì cho dù một ngày chúng ta niệm mười vạn danh Phật hiệu cũng không thể vãng sanh.
Đại đức xưa giảng được rất hay: “Miệng niệm Di Đà, tâm tán loạn”, tâm bất thiện, ý niệm bất thiện, hành vi bất thiện, như vậy thì niệm Phật “đau mồm, rát họng chỉ uổng công”, chỉ là kết một duyên nho nhỏ với A Di Đà Phật mà thôi, làm cái nhân xa vãng sanh, chứ ngay đời này không thể thành tựu.
Nói đến việc kết duyên với A Di Đà Phật, chúng ta mỗi vị đồng tu ngồi ở đây, trong đời quá khứ, cái duyên như vậy không biết là kết được bao nhiêu lần rồi, cho nên chúng ta có duyên với Phật rất sâu. Đời đời kiếp kiếp đều phát nguyện niệm Phật, nhưng đều không thể vãng sanh. Nguyên nhân chính là chúng ta không nỗ lực y giáo phụng hành; chúng ta bán tín bán nghi đối với Kinh nghĩa, lý giải không được thấu triệt; tâm tuy là đã phát, nhưng phát không đủ, phát không viên mãn, phát không phù hợp điều kiện vãng sanh, cho nên mỗi một lần đều lỡ dịp như vậy. Nhờ vào thiện căn phước đức nhân duyên trong đời quá khứ, cho nên ngay đời này chúng ta được thân người, lại gặp được Phật pháp, cần phải làm cho rõ ràng, làm cho tường tận. Vì vậy, nguyện văn này chúng ta không sợ phiền, không sợ mệt, cùng thảo luận với các bạn cho tường tận, nghiên cứu nhiều lần, làm cho rõ ràng, làm cho tường tận, chúng ta tự nhiên hoan hỉ, y giáo phụng hành, đem tập khí xấu, tâm bệnh xấu nhiều đời nhiều kiếp cải đổi lại.
Tập khí xấu, tâm bệnh xấu chính là tâm hạnh bất thiện. “Tâm Bồ Đề” là tâm thiện. “Tu chư công đức, phụng hành lục Ba La Mật” là thiện hạnh. “Kiên cố bất thoái” là thiện ý, ý niệm thiện. Ba điều kiện này đầy đủ mới là Kinh văn trong “Tam bối vãng sanh” phía sau đã nói: “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. “Phát Bồ Đề tâm”, bốn chữ này chúng ta hiểu rồi, tường tận rồi, chúng ta thật phát ra. Chuẩn bị điều kiện như vậy, nhất hướng chuyên niệm mới quyết định được sanh Tịnh Độ. Đây là chúng ta không thể không hiểu rõ, không thể không tường tận.