/ 374
654

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 136

Sau khi chúng ta hiểu được điều này, không luận ở trong đời sống, không luận ở trong học tập, không luận ở trong công việc, càng gian nan càng có lòng nhẫn nại, nhất định không thể bao chao. Bao chao nhất định hư việc, không thể thành tựu. Cẩn trọng quán sát tỉ mỉ mà xử lý sự việc thì chắc chắn làm đến được viên mãn, làm được thành công. Không luận đối với người, với việc, với vật, đều phải bồi dưỡng lòng nhẫn nại. Đối với thuận cảnh, người thiện phải có lòng nhẫn nại, phải có thể nhẫn. Nhẫn cái gì? Không thể đọa ngay trong tình duyên. Nếu như đọa ở trong tình chấp thì phiền phức lớn, đến sau cùng thì sao? Lìa khỏi thì thống khổ, ái biệt ly khổ liền đến. Cho nên, khi gặp thuận cảnh người thiện, người xưa dạy chúng ta là “quân tử chi giao đạm như thủy”, đây là đối với thuận cảnh người thiện, khi lìa khỏi không có thống khổ. Cái này cần phải nhẫn nại, nhà Phật gọi là phải hóa cảm tình thành lý trí. Trên Kinh nói: Tình cùng trí là một thứ, là một sự việc. Khi mê thì gọi là tình, khi ngộ thì gọi là trí. Trí, khi phân ly, trong lòng sẽ không có ảnh hưởng gì, nhưng tình thì có ảnh hưởng. Cho nên, đối với thuận cảnh ái duyên phải xem rất nhẹ, nhất định không có chút chấp trước, không sanh tình chấp; đối với nghịch cảnh ác duyên, người ác gặp nhau, trong lòng cũng phải thanh đạm, tan nhạt, không sanh oán hận. Thuận cảnh, nghịch cảnh vĩnh viễn giữ gìn thanh tịnh bình đẳng. Nếu không có công phu nhẫn nại, bạn không làm được.

Tâm thanh tịnh bình đẳng là đại đạo, là Phật đạo, là Bồ Tát đạo. Vào thời xưa, người xuất gia tu hành không có công phu này thì không có tư cách ra ngoài tham học, hay nói cách khác, lão sư nhất định bảo bạn ở bên cạnh, không được rời khỏi lão sư. Vào lúc nào lão sư sẽ bảo bạn ra đi tham học, không nên theo lão sư nữa? Khi bạn đạt được công phu này, bạn mới có tư cách ra đi tham học. Tham học cái gì? Tiếp xúc quần chúng xã hội rộng lớn, bạn có năng lực, bạn có bản lĩnh, trong thuận cảnh không sanh tham ái, trong nghịch cảnh không sanh sân hận, ở ngay trong tất cả người sự vật tu giới, tu định, tu huệ. Giới-định-huệ ở nơi nào hoàn thành? Ở xã hội, không lìa khỏi xã hội, không lìa khỏi đời sống, không lìa khỏi công việc, ở ngay trong đây hoàn thành. Người ta vừa tán thán thì sanh tâm hoan hỉ, chỉ mấy câu hủy báng thì tức giận hết mấy ngày, vậy bạn là một phàm phu, không phải người tu hành. Cho nên, chính chúng ta phải ghi nhớ, phải tường tận. Nếu như chúng ta cũng có loại tình huống này, thì chúng ta học Phật được nhiều năm như vậy là uổng phí rồi, một chút công phu cũng không có, làm sao bạn có thể thành tựu?

● Thứ tư là “Tinh Tấn Ba La Mật”

Tấn là tấn bộ. Người thế gian thường nói: “Không tiến ắt lùi”. Phật pháp cũng dạy bạn tiến bộ, không những tiến bộ mà còn tinh tấn. Tinh là chuyên tinh, là tinh thuần, thuần mà không tạp, tiến bộ. Cho nên, tinh tấn dùng được rất có đạo lý. Làm thế nào mới gọi là tinh tấn? Quyết không xen tạp ý niệm tự tư tự lợi ở trong đó, đó gọi là tinh tấn. Nếu xen tạp chút ý niệm của chính mình ở trong đó thì sai, dùng lời của Phật pháp mà nói, dính tướng thì sai rồi, thì không phải tinh tấn, lìa tướng mới là tinh tấn. Cho nên, trên “Kinh Kim Cang” dạy chúng ta: “Lìa tất cả tướng, tu tất cả thiện”. Đó mới thật là tinh tấn. Nếu như dính tướng tu thiện, đó chỉ có tấn không thể gọi là tinh. Tinh, giảng giải chữ này chính là lìa trí tuệ tướng. Lìa tất cả tướng là cái gì? Là ngã tướng. Phía trước đã nói qua với các bạn rất nhiều, ngã tướng chính là chấp trước. Nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, ba loại này là phân biệt. Trong thuật ngữ Phật học nói: “Ngã tướng là phiền não chướng. Nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng là sở tri chướng”. Bạn có thể viễn ly tất cả phân biệt, chấp trước thì hai loại chướng ngại liền không còn. Hai loại chướng ngại đoạn hết rồi, trong tự tánh vốn đủ trí tuệ Bát Nhã đức tướng, Như Lai trí tuệ đức tướng thảy đều hiện tiền.

Ngày nay khó khăn nhất của chúng ta là chấp trước, chấp trước kiên cố. Chấp trước cái gì? Chấp trước có cái ta, khởi tâm động niệm không quên đi ta, tôn nghiêm của ta khi bị tổn hại, thể diện của ta khi bị tổn hại, vậy có đáng lo hay không? Chúng ta làm gì có thể diện? Thể diện ở chỗ nào? Đều là một huyễn tưởng! Xin nói với các vị, chư Phật Bồ Tát không cần thể diện, chư Phật Bồ Tát không cần tôn nghiêm, nhưng không có người nào mà không tôn kính các Ngài. Người thế gian thích thể diện, cần tôn nghiêm; muốn tôn nghiêm nhưng không có được tôn nghiêm, muốn thể diện kết quả là không có thể diện; vì sự tôn nghiêm, vì cái thể diện mà chấp trước kiên cố, không thể nhẫn nhục. Chư Phật Bồ Tát không cần tôn nghiêm, không cần thể diện, cái gì cũng đều có thể nhẫn, các Ngài thành tựu Giới-Định-Huệ tam học, thành tựu tam huệ của Bồ Tát. Cho nên, quan niệm sai lầm của chúng ta, cách nhìn, cách nghĩ sai lầm quá nhiều. Chúng ta phải sâu sắc thể hội đạo lý này, nhất là Kinh giáo của Phật, ý tại ngôn ngoại, sâu rộng vô tận, chúng ta không tỉ mỉ mà thể hội thì làm sao có thể thấy ra được? Không những phải tỉ mỉ thể hội mà còn phải nỗ lực mà làm, bạn mới chân thật hiểu được ý của Phật. Nếu bạn không thể nỗ lực làm, bạn có nghiên cứu thế nào, suy đoán thế nào, kết quả bạn đều đem ý của Phật hiểu sai, hiểu không hết ý. Sự việc như vậy từ xưa đến nay quá nhiều. Cho nên, Phật pháp không nên nói suông, phải chăm chỉ nỗ lực mà làm thì mới có thành tựu chân thật.

/ 374