/ 374
713

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 135

Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, phát Bồ Đề tâm, tu chư công đức, phụng hành lục Ba La Mật, kiên cố bất thoái, phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn”.

Đây là nguyện thứ mười chín, “văn danh phát tâm nguyện”.

Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, phát Bồ Đề tâm”. Mấy câu này lần trước đã giảng qua với các bạn rồi. Hôm nay chúng ta tiếp tục xem đoạn Kinh văn: Tu chư công đức, phụng hành lục Ba La Mật, kiên cố bất thoái.

Bốn mươi tám nguyện là trung tâm tu học của Tịnh Tông, mà trên thực tế cũng là tổng cương lĩnh giáo hóa chúng sanh của chư Phật Như Lai và tất cả Bồ Tát.

Tu chư công đức, câu này là tổng thuyết. Chư, ý nghĩa là nhiều, nhiều đến vô lượng vô biên, trong Phật pháp thường nói tám vạn bốn ngàn pháp môn. Tám vạn bốn ngàn pháp môn vẫn là một số tự. Trong mỗi một pháp môn, nếu triển khai ra thì vô lượng vô biên.

Cái gì gọi là công, cái gì gọi là đức? Hai chữ này chúng ta cần phải nhận thức cho rõ ràng. “Công” thông thường là nói công phu, “đức” là nói quả báo. Chữ “đức” này cùng chữ “được” của đạt được và “được” của được mất là một ý nghĩa. Cho nên tu công đức là nhân, chứng quả là đức, chúng ta đạt được quả báo đây là đức. Vậy cái gì là công? Bình thường trong lúc giảng giải, chúng ta nêu ra thí dụ, trì giới có công, thiền định là đức, nhân giới được định; tu định có công, khai huệ (khai trí tuệ) là đức. Do đây có thể biết, công là từ trên tu nhân mà nói, đức là từ trên chứng quả mà nói. Công đức và phước đức không giống nhau. Công đức là phải tu hành, tu sửa hành vi sai lầm, tư tưởng sai lầm của chính mình, sau đó mới có thể được thiện quả. Tu thiện nhân, được thiện quả. Câu nói này rất chung chung, chỉ nói được một nguyên tắc. Câu phía sau thì thực tiễn cho chúng ta, phụng hành lục Ba La Mật. Sáu Ba La Mật là sáu cương lĩnh tu học của Bồ Tát. Mỗi một đồng tu chúng ta đều phát tâm Bồ Đề, mà phát tâm Bồ Đề chính là phải phát tâm làm Bồ Tát, phát tâm làm Bồ Tát thì nhất định phải phụng hành sáu nguyên tắc của Bồ Tát. Sáu điều Bồ Tát hạnh nhất định phải làm được thì bạn mới là Bồ Tát chân thật.

LỤC ĐỘ BA LA MẬT

● Điều thứ nhất, “Bố Thí”

Hàm nghĩa trong bố thí rất rộng. Phật dùng phương pháp quy nạp để dạy bảo chúng ta. Thứ nhất là tài bố thí, thứ hai là pháp bố thí, thứ ba là vô úy bố thí. Làm thế nào đem ba loại bố thí này thực tiễn vào ngay trong đời sống thường ngày của chúng ta, đây mới chân thật là tu Bồ Tát đạo, chân thật trải qua đời sống của Bồ Tát. Cho nên mọi người không nên quên đi, then chốt là ở câu “phát tâm Bồ Đề”. Tâm Bồ Đề là tâm chân thật giác ngộ. Giác ngộ cái gì? Giác ngộ hư không pháp giới tất cả chúng sanh là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, chân thật tường tận tất cả pháp từ tâm tưởng sanh, hay nói cách khác, hư không pháp giới tất cả chúng sanh cùng quan hệ với chính mình. Chân thật làm cho rõ ràng, làm cho tường tận, đây là bạn chân thật giác ngộ rồi, gọi là đại triệt đại ngộ. Sau khi ngộ rồi, tâm trạng bạn đối nhân xử thế tiếp vật liền hoàn toàn thay đổi. Trước khi chưa ngộ là mê, mỗi niệm tự tư tự lợi. Sau khi giác ngộ, mỗi niệm vì tất cả chúng sanh, không còn vì chính mình. Cho nên, ba loại bố thí này, dùng lời hiện đại mà nói, chính là phục vụ. Hạng mục phục vụ có phục vụ tiền của; có phục vụ trí tuệ, kỹ thuật, năng lực; có phục vụ giữ gìn an toàn cho tất cả chúng sanh. Đây chính là trên Phật Kinh nói có ba loại bố thí.

Loại thứ nhất là tài bố thí.

Trong tài bố thí có nội tài, có ngoại tài. Ngoại tài là vật ngoài thân, nội tài là dùng lao lực của chúng ta, dùng thể lực của chúng ta. Cách nói này, các bạn vẫn là không dễ gì thể hội được, nên cần phải nói rõ ra. Năm xưa tôi ở Hoa Kỳ, từng lấy người nội trợ gia đình làm thí dụ. Phát tâm Bồ Đề, tu hạnh Bồ Tát, làm sao đem hạnh Bồ Tát thực tiễn ở ngay trên cương vị làm việc của một người nội trợ.

Đầu tháng, chúng ta ở Malaysia đã từng có một buổi thuyết giảng “Làm thế nào đem tâm Bồ Đề, hạnh Lục Độ thực tiễn ở ngay trong công việc của một khách sạn?”. Cũng có đồng tu hỏi tôi: “Thưa pháp sư! Tâm Bồ Đề, hạnh Lục Độ làm thế nào thực hiện ở trong đạo tràng chúng ta?”. Tuy không nói qua, nhưng kỳ thực, đạo tràng chúng ta đã thực tiễn từ lâu rồi, chỉ trách là bạn chính mình tâm ý qua loa, không thể nhìn thấy ra. Đạo tràng là một trường học, so với trường học thông thường của thế gian không có gì khác biệt. Thế nhưng trường học thế gian nhận dạy bảo là học trò chưa thành niên, tiểu học, trung học đều chưa thành niên, người Trung Quốc chúng ta gọi là đồng tử; cơ cấu dạy học của chúng ta là dạy người thành niên, nhưng kỳ thật, ngay cả từ đồng niên, thanh thiếu niên cho đến lão niên. Đây là giáo dục xã hội, chúng ta đều cùng nhau học tập. Trụ trì đạo tràng, một số Đại đức này chăm chỉ nỗ lực dùng tài lực, vật lực, lao lực của chính mình, còn phải dùng tâm tư mà kế hoạch, mà trù bị, toàn bộ trí lực phụng hiến, cống hiến ở nơi đạo tràng vì tất cả chúng sanh. Chúng sanh hữu duyên có thể tham dự đạo tràng cùng học tập. Đây chính là tu tài bố thí, ngoại tài, nội tài đều bao gồm trong đó. Họ không hề vì chính mình, mà tất cả vì đại chúng, tất cả vì một công việc giáo dục xã hội, có thể làm đến được càng tốt đẹp, làm được càng thành công. Nếu như trong công việc này còn muốn có được danh lợi của chính mình, vậy thì tâm Bồ Đề không còn, đó là sự nghiệp từ thiện của thế gian. Sự nghiệp này có quả báo hữu lậu trong tam giới, đó gọi là phước đức, không gọi là công đức. Công đức cùng phước đức có khác biệt. Trong công đức chắc chắn không có ý niệm tư lợi, chắc chắn sẽ không có một ý niệm lợi ích của chính mình. Tất cả vì chúng sanh, tất cả vì giáo học, không có chút được mất, lợi hại của chính mình xen tạp ở trong đó, đây gọi là công đức. Cái tâm này gọi là tâm Bồ Đề. Khác biệt chính ngay chỗ này.

/ 374