/ 374
863

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 134

Sau khi nghe danh thì nhất định phát tâm. Vì sao vậy? Tam huệ khởi dụng, quyết định phát tâm. Phát tâm gì vậy? Tâm Bồ Đề. Bồ Đề là tiếng Phạn, ý nghĩa là giác ngộ. Tâm của họ giác ngộ rồi, vừa nghe được danh hiệu “A Di Đà Phật” họ liền giác ngộ. Ý nghĩa của danh hiệu “A Di Đà Phật” là gì? “A” dịch là Vô, “Di Đà” dịch là Lượng, “Phật” dịch là Giác. Toàn bộ danh hiệu này dịch thành ý nghĩa Trung văn là “Vô Lượng Giác”. Cho nên, nghe được danh hiệu này không thể giác ngộ hay sao? Ngày ngày niệm A Di Đà Phật mà vẫn còn phải quấy nhân ngã là không giác. Tại vì sao không giác? Không hiểu được ý nghĩa của danh hiệu. Ngày ngày họ niệm danh hiệu “A Di Đà Phật” nhưng ý nghĩa “A Di Đà Phật” là gì thì không biết, cho nên họ không giác. Đây chính là nguyên nhân vì sao danh hiệu công đức thù thắng như vậy, mười niệm hay một niệm đều có thể vãng sanh Thế giới Cực Lạc để làm Phật.

Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời tại vì sao không lãnh đạo mọi người niệm Phật mà ngày ngày giảng Kinh nói pháp rất khổ cực? Các bạn nghĩ xem, nếu như bạn là Thích Ca Mâu Ni Phật thì bạn làm bằng cách nào? Tôi tin tưởng bạn nhất định hướng dẫn mọi người niệm Phật, không cần giảng Kinh, thật là thoải mái. Pháp môn niệm Phật là đạo dễ hành, nhưng giáo lý phải thông suốt mới được, không thông thì không được. Thế nhưng tại sao có người không thông mà họ niệm Phật cũng có thể vãng sanh? Đó là ngay trong đời quá khứ họ đã học giáo, họ học thông rồi, không phải không thông. Họ vốn dĩ là thông, thỉnh thoảng có một chỗ bế tắc, chỉ hiện tại không thông, thế nhưng hiện tại dạy họ niệm Phật thì cái bế tắc đó rất dễ dàng bị phá vỡ, họ lại thông rồi, như vậy mới có thể vãng sanh. Chỗ này trong Phật pháp gọi là thiện căn, phước đức, nhân duyên trong đời quá khứ chín muồi. Tuy là ngay đời này họ không thông giáo lý, nhưng nhiều đời nhiều kiếp họ đã học qua giáo lý này, cho nên họ có thể nhất tâm xưng niệm, có thể vạn duyên buông bỏ, họ cũng có thể vãng sanh. Chúng ta trong đời quá khứ không có thiện căn phước đức, ngay trong đời này lại không cố gắng học tập, cho nên không thể buông xả, vĩnh viễn ở trong bế tắc, vậy làm sao có thể thành tựu? Những sự lý này đều phải hiểu cho rõ ràng tường tận. Cho nên, Thích Ca Mâu Ni Phật đại từ đại bi, ngày ngày giảng Kinh nói pháp, đã nói hết 49 năm.

Hiện tại vẫn còn một việc, tôi nghe các đồng tu nói với tôi, Trung Quốc đại lục có không ít đồng tham đạo hữu cũng đều niệm Phật rồi, họ nói niệm Phật mà nghĩ đến pháp sư. Thật là đáng lo! Quan niệm này là sai lầm. Đại Thế Chí nói “nhớ Phật niệm Phật”, bạn không thể nói “nhớ pháp sư niệm Phật”. Cái tâm này của bạn có hai dụng, bạn không phải có một tâm, bạn là hai tâm, như vậy không thể thành công. Cho nên các đồng tu đại lục sau khi quay về phải khuyến cáo mọi người chuyên niệm A Di Đà Phật, không nên nghĩ đến pháp sư. Nghĩ đến pháp sư là chướng ngại bạn vãng sanh. Tôi đã đem việc này nói rõ ràng, tương lai bạn không thể vãng sanh thì không nên trách tôi. Tôi không chướng ngại bạn.

Dường như là vào năm 1985, năm 1986, tôi giảng Kinh ở Hồng Kông, mẹ tôi lần đầu tiên đến Hồng Kông và chúng tôi gặp mặt ở đó. Từ sau khi giải phóng, chúng tôi đã cách biệt 36 năm. Lần đầu gặp lại, bà nghe tôi giảng Kinh. Sau khi tôi bước xuống giảng đài, nói chuyện với bà, bà liền nói bà rất nhớ tôi. Tôi nói với bà: “Từ nay về sau, mẹ không nên nhớ con, phải nhớ A Di Đà Phật”. Bà nghe và có thể hiểu được. Nhớ A Di Đà Phật là tốt, tương lai chúng ta đều đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chẳng phải ngày ngày cùng ở chung với nhau hay sao? Nghĩ đến tôi thì vẫn phải luân hồi sáu cõi, vĩnh viễn không thể ở chung với nhau. Nhớ A Di Đà Phật tốt hơn. Điều này rất quan trọng, rất then chốt. Vạn nhất không nên sai lầm. Đây là chân thật giác ngộ.

Tâm Bồ Đề ý nghĩa rất sâu rất rộng. Vì để giới thiệu phương tiện khởi kiến, người xưa thường nói hai loại tâm Bồ Đề. Một loại là duyên sự tâm Bồ Đề, một loại là duyên lý tâm Bồ Đề. Từ trên sự mà nói, chính là tứ hoằng thệ nguyện mà thông thường đã nói. Tứ hoằng thệ nguyện là tâm Bồ Đề. Ở trong quyển Kinh này, bốn mươi tám nguyện chính là tâm Bồ Đề. A Di Đà Phật đã phát ra tâm đại Bồ Đề, tâm vô thượng Bồ Đề, bốn mươi tám nguyện, mỗi nguyện độ chúng sanh.

/ 374