/ 374
606

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 133

Nguyện thứ 19: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, phát Bồ Đề Tâm, tu chư công đức, phụng hành lục Ba La Mật, kiên cố bất thoái, phục dĩ thiện căn hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn".

Nguyện thứ 19 này là "văn danh phát tâm nguyện", rất là quan trọng. Làm sao chúng ta biết được nguyện này là quan trọng? Ở trong hai phẩm "Ba Bậc Vãng Sanh" và "Vãng Sanh Chánh Nhân", Thế Tôn vì chúng ta khai thị là "phát Bồ Đề Tâm, nhất hướng chuyên niệm". Nguyện thứ 18 phía trước đã nói "mười niệm ắt sanh", đây là một lòng chuyên niệm. Nguyện thứ 19 này chính là dạy chúng ta phải phát tâm Bồ Đề. Chỉ có một lòng chuyên niệm mà không phát tâm Bồ Đề thì vẫn không thể vãng sanh. Cho nên hai cái nguyện này là tướng biểu thị, cần phải nhận biết rõ ràng. Ngay đời này của chúng ta nhất định được sanh Tịnh Độ thì không hề trống qua.

Cái thân ở thế gian này, người xưa nói là cái thân sau cùng, vô lượng kiếp đến nay, đời này là sau cùng. Chúng ta đánh dấu mốc sau cùng, về sau không trở lại sáu cõi luân hồi nữa, chắc chắn vãng sanh Tịnh Độ. Lần sau nếu như có trở lại là thừa nguyện tái sanh, nhất định không phải phàm phu, không phải do nghiệp lực đến thọ sanh, mà do nguyện lực đến thọ sanh. Việc này hoàn toàn không giống nhau. Nếu như người công phu tốt, ngay hiện tiền có thể chuyển nghiệp lực thành nguyện lực, không cần phải đánh một vòng đến Thế giới Cực Lạc rồi quay lại. Có người nào làm được điều này hay không? Có! Từ xưa đến nay có rất nhiều. Vậy nguyện lực của chúng ta chuyển đổi lại rồi, tương lai có thể vãng sanh hay không? Xin nói với các bạn, việc vãng sanh là tùy theo ý của chính bạn, bạn tự tại vãng sanh. Đây là pháp môn Tịnh Tông thù thắng không gì bằng.

Trong nguyện văn chúng ta phải đặc biệt lưu ý câu: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh". "Ngã" là A Di Đà Phật tự xưng. A Di Đà Phật ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thành Phật đến nay đã mười kiếp. Thế Tôn đã giới thiệu cho chúng ta ở trong rất nhiều Kinh luận, Ngài đã thành Phật rồi. "Mười phương chúng sanh", đây không có gì khác biệt, đương nhiên bao gồm chúng ta trong đó. Mười phương thế giới vô lượng vô biên chúng sanh, không phân quốc tịch, không phân tộc loại (tộc loại này là mười pháp giới), không phân tôn giáo tín ngưỡng, thảy đều bao gồm ở trong đó. Hiện tại người ta gọi là đa nguyên văn hóa, thế nhưng ngay trong khái niệm của chúng ta, đa nguyên văn hóa vẫn là phạm vi có hạn. Vì sao vậy? Bởi vì đa nguyên văn hóa của chúng ta không bao gồm súc sanh trong đó, chúng ta nói đa nguyên văn hóa là nói cõi người, không phân giới hạn quốc gia, không phân giới hạn dân tộc, không phân giới hạn chủng tộc, không phân giới hạn tôn giáo, nhưng súc sanh không có trong đó, cõi ngã quỷ không có trong đó, cõi trời không có trong đó, cõi địa ngục cũng không có trong đó. Cho nên, đa nguyên văn hóa của chúng ta so với Phật là thiểu nguyên văn hóa, không phải đa nguyên văn hóa. Nhà Phật, mười phương chúng sanh này mới là đa nguyên văn hóa cứu cánh viên mãn. Chúng ta phải có thể thể hội, phải có thể nhận biết, tâm lượng của bạn phải mở rộng. Nơi nơi đều là tâm lượng nhỏ thì tâm Bồ Đề không thể phát khởi. Tâm Bồ Đề là "tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới", tâm Bồ Đề là tâm giác ngộ cứu cánh viên mãn. Bạn phát ra cái tâm này cùng tâm của A Di Đà Phật là tương đồng, cùng tâm của mười phương chư Phật Bồ Tát là tương đồng. Trong pháp Đại Thừa, không luận tu học pháp môn nào, bạn đều có thể thành tựu. Đại Thừa kiến lập ở trên nền tảng của tâm Bồ Đề. Người Tiểu Thừa không có phát tâm Bồ Đề, họ không ra khỏi mười pháp giới, niệm Phật cũng không thể vãng sanh. Đạo lý này mọi người phải hiểu.

Niệm Phật phải niệm bằng cách nào? Câu sau cùng, Phật dạy chúng ta: "Nhất tâm niệm ngã, trú dạ bất đoạn". Niệm Phật là nhất tâm niệm. Hiện tại chúng ta niệm Phật là tâm ý qua loa. Khi giảng đến sau cùng tôi sẽ nói tường tận với các bạn. Bạn phải biết được cách niệm như thế nào, làm thế nào phát tâm, bạn liền chắc chắn được sanh.

"Mười phương chúng sanh" là bao gồm chúng ta ở trong đó. Vấn đề chính là chúng ta có giác ngộ hay không, chúng ta có chịu làm hay không? Phía sau nói: "Văn ngã danh hiệu, phát Bồ Đề tâm". Danh hiệu chính là sáu chữ hồng danh "Nam Mô A Di Đà Phật", thế nhưng trên Kinh gọi là "danh hiệu", danh hiệu chỉ có bốn chữ "A Di Đà Phật". "Nam Mô" không phải là danh hiệu. “Nam Mô” là ý nghĩa quy y, ý nghĩa cung kính. Hiện tại chúng ta đến Trung Quốc, người Trung Quốc tôn xưng đối với người, tôn kính một vị tiên sinh nào đó, “Nam Mô” chính là tôn kính, chính là cái ý này. Nếu dùng lời hiện đại mà nói, tôn kính A Di Đà Phật. Chúng ta phải hiểu được cái ý này, danh hiệu chỉ có bốn chữ.

/ 374