/ 374
752

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 130

Ở quyển này, trên Kinh văn chỉ nói mười phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm”. Tuy Kinh văn không nói rõ tỉ mỉ, không nói một cách tường tận mười niệm này là niệm bằng cách nào, thế nhưng các Tổ sư Đại đức cũng có dẫn chứng trong Kinh điển, nói cho chúng ta nghe rất tường tận, rất rõ ràng. Như trong “Quán Kinh”, mười niệm trong “Hạ Phẩm Hạ Sanh Chương”, cổ đức dùng nó để giải thích mười niệm của nguyện thứ mười tám. Việc này rất có đạo lý, có căn cứ. “Quán Kinh” thuộc Tịnh Độ ba Kinh. Chỗ này nói được đơn giản, nói được tương đối tường tận hơn, cụ thể hơn, rất đáng được chúng ta làm tham khảo.

Đại Sư Thiện Đạo là Tổ sư đời thứ hai của Tịnh Độ Tông chúng ta. Trong truyện ký nói Ngài là A Di Đà Phật hóa thân đến. Ngài là A Di Đà Phật tái sanh, vậy lời của Ngài Thiện Đạo chính là A Di Đà Phật đích thân nói ra. Ngài nói:

“Kim chi thập niệm”, chính là nói mười niệm này của nguyện thứ muời tám trong “Kinh Vô Lượng Thọ”.

“Đản thị khẩu xưng”, chính là miệng niệm.

“Thượng tận nhất hình, hạ chí nhất niệm”, dốc hết một đời này đều không gián đoạn, chính là tu pháp mười niệm này. “Hạ chí nhất niệm”, đây là nói ít nhất.

“Thông ư tam bối, nhiếp ư cửu phẩm, mạc bất giai vãng”, ba bậc chín phẩm đều thông, thảy đều được sanh Tịnh Độ.

Cái ý này nói được rất rõ ràng, mười niệm này chính là miệng niệm, không phải mười niệm trong “Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn Kinh”, chỉ là miệng niệm. Thế nhưng Đại Sư Thiện Đạo nói lời này, chúng ta nhất định phải căn cứ vào “ba bậc vãng sanh”, “vãng sanh chánh nhân” mà bổn Kinh đã nói. Hai phẩm Kinh văn này phải tương ưng, tuyệt đối không thể nói có miệng không có tâm, vậy thì không được, không thể vãng sanh. Phải chân thật có tâm. Có tâm gì vậy? Trong lúc giảng giải, chúng ta thường hay nhắc đến “giác ngộ chi tâm”, tâm giác ngộ chính là tâm lợi ích chúng sanh, tâm trụ trì chánh pháp, chúng ta phải có cái tâm này. Bạn có cái tâm này, mỗi ngày bạn tu pháp mười niệm thì quyết định được sanh. Như cư sĩ Lý Mộc Nguyên, một ngày bận từ sớm đến tối, làm gì có thời gian niệm Phật? Một ngày ông niệm mười danh hiệu Phật thì được rồi. Vì sao vậy? Một ngày 24 giờ đồng hồ, cái nghĩ cái làm đều là vì Phật pháp, vì chúng sanh. Mười câu hiệu Phật này của ông, đem công đức đã tu tích được cả ngày hôm nay của ông hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ. Nếu như mười niệm mà không có thời gian thì niệm một câu cũng được. Bạn có thể thể hội được ý nghĩa này, bạn liền hiểu rõ tâm là tâm Phật, hạnh là Bồ Tát hạnh. Người như vậy, một ngày mười niệm hay một niệm, họ thật có thể vãng sanh, một chút cũng không giả. Nếu như trong lòng tham luyến danh vọng lợi dưỡng, không thể buông bỏ năm dục sáu trần, một ngày niệm mười vạn danh hiệu Phật cũng không thể vãng sanh, người xưa đã nói “đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công”. Tại sao người ta một ngày chỉ niệm mười câu, một câu mà có thể vãng sanh, còn người kia từ sáng đến tối, một ngày niệm mười vạn danh hiệu cũng không thể vãng sanh? Điều kiện vãng sanh không phải ở niệm Phật nhiều hay ít. Đại Sư Ngẫu Ích ở trong “Yếu Giải” nói cho chúng ta nghe rất hay: “Có thể vãng sanh hay không quyết định ở có tín nguyện hay không, phẩm vị cao hay thấp quyết định ở công phu niệm Phật sâu hay cạn”. Hai câu này nói được rất hay, Đại Sư Ấn Quang rất là tán thán. Chân tín, thiết nguyện là điều kiện vãng sanh. Chân tín, thiết nguyện chính là phát tâm Bồ Đề.

Thế nào gọi là chân tín? Chúng ta có chân tín hay không? Quả nhiên thật tin có Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thật nguyện vãng sanh, dáng vẻ người đó liền thay đổi. Thay đổi thế nào? Tất cả vạn duyên của thế gian này họ đều buông xả. Nếu như vẫn còn tham luyến danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần là không tin, không có nguyện, nguyện của họ vẫn là ở luân hồi, không muốn thoát khỏi luân hồi, họ làm gì có chân tín thiết nguyện? Cho nên, quả nhiên có chân tín thiết nguyện thì thế xuất thế gian pháp thảy đều buông xả. Nếu còn có một việc không thể buông xả, tín nguyện của bạn liền có vấn đề. Cho nên, vạn nhất không nên hiểu lầm. Bạn nói “tôi tin rồi”, nhưng tin rồi mà vẫn tranh danh đoạt lợi, tin rồi mà vẫn sợ chịu thiệt thòi, vẫn sợ bị lỗ, vậy bạn tin cái gì? Bạn thấy, ở trên Kinh Phật đã giảng bao nhiêu lần phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, tất cả hữu vi pháp như mộng huyễn bào ảnh”, “vạn pháp giai không, nhân quả bất không. Bạn cũng biết đọc, bạn cũng biết giảng, nhưng bạn làm không được. Làm không được thì không phải thật tin, làm không được thì không phải chân thật có nguyện. Thật tin, thật nguyện thì quyết định thảy đều buông xả, ở thế gian này tất cả tùy duyên, quyết định không có ý kiến của chính mình. Các vị mọi người đều tốt, ta không có ý kiến, ta không thêm ý kiến, cho dù là việc hoằng pháp lợi sanh cũng đều tùy duyên, quyết không phan duyên. Quyết không thế nào? “Đây là việc tốt, ta nhất định phải làm, chúng sanh quá khổ, chúng ta không làm thì không có lòng từ bi”. Bạn có lòng từ bi, chúng sanh không có phước báo thì có biện pháp gì? Dường như lòng từ bi của chúng ta đều cao hơn nhiều so với Phật Bồ Tát. Chư Phật Như Lai xem thấy vô số chúng sanh chịu khổ chịu nạn, các Ngài đều không đến, chúng ta lo lắng muốn cứu độ chúng sanh, vậy bạn siêu vượt hơn Phật quá nhiều rồi! Thế nhưng tỉ mỉ mà suy lượng, tâm từ bi của bạn là giả, tâm từ bi của chư Phật Bồ Tát là thật. Vì sao vậy? Trong tâm từ bi của bạn phải có đền trả, là có điều kiện, không phải vô điều kiện, không phải là vô tư, vẫn là không thể so được với chư Phật Bồ Tát. Cho nên, phải học tùy duyên của chư Phật Bồ Tát, không được phan duyên. Thực tế ra mà nói, tùy duyên thì sự việc làm được thuận lợi, dễ dàng thành tựu. Phan duyên thì trái lại gặp phải rất nhiều chướng ngại. Thí dụ nói, bạn nhất định muốn xây đạo tràng, nhất định phải ở nơi đây hoằng pháp, người ta liền hỏi ngược lại, bạn có dụng ý gì, bạn có ý đồ gì? Thế là người ta liền có tâm phòng bị, liền sẽ rước lấy rất nhiều chướng ngại. Tùy duyên là đến khi họ cảm thấy cần thiết, họ đến tìm bạn thì sự việc này rất dễ dàng thành công.

/ 374