/ 374
799

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 131

Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giả, bất thủ chánh giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”.

Đối với người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ như chúng ta mới có thể sanh khởi tín tâm kiên định, không đến nỗi tạo thành hiểu lầm. Hiện tại từ Nhật Bản truyền đến rất nhiều nơi cái gọi là “Bổn Nguyện Niệm Phật”. Các Tổ sư đề xướng chắc chắn không có vấn đề, nhưng truyền đến đời sau, rất nhiều người khúc giải ý nghĩa của Tổ sư, cho nên biến thành một loại chướng ngại cho người niệm Phật. Đây là việc chúng ta không thể không tường tận. Cho nên, để ổn định thỏa đáng sự tu hành, nhất định phải nương vào bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này.

Cái gọi là “bổn nguyện” tuyệt đối không phải chỉ có một nguyện này. Chúng ta phải rõ ràng, bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, mỗi một nguyện đều viên mãn hàm nhiếp bốn mươi bảy nguyện kia, mỗi nguyện đều như vậy. Đây mới là ý nghĩa chân thật của bổn nguyện. Nói trắng ra, nguyện thứ mười tám này đích thực là trung tâm. Ý nghĩa của nguyện thứ mười tám là gì? Bốn mươi bảy nguyện còn lại chính là chú giải cho nguyện thứ mười tám này, cho nên nếu không tường tận bốn mươi bảy nguyện thì nguyện thứ mười tám này vẫn không thể thấu triệt.

Bộ Kinh này rốt cuộc nói rõ cái gì? Các đồng tu chúng ta ở nơi đây nghe Kinh đã không ít rồi. Chúng ta hiểu rõ bộ “Kinh Vô Lượng Thọ” này chính là thuyết minh tỉ mỉ bốn mươi tám nguyện, nó có quan hệ liên đới. Ngày nay, công phu niệm Phật của chúng ta không đắc lực là sự thật, cần phải cảnh giác đến. Chúng ta khởi tâm động niệm vẫn là vì cái túi da thối này, như vậy có thể vãng sanh hay không? Không thể! Cho nên tín tâm của chúng ta không thể nào kiến lập, nguyện tâm không thể phát ra, vẫn là hữu ý, vô ý đang hủy báng Tam Bảo, tạo tác vô lượng vô biên tội nghiệp. Họ nói, niệm Phật chỉ cần theo bổn nguyện này thì được, mười niệm liền có thể vãng sanh, bất cứ tội nghiệp nào đều có thể tạo, không hề gì, đới nghiệp vãng sanh. Điều này là hại chết người!

Người xưa nói với chúng ta, “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là trung bổn của “Hoa Nghiêm”. Do đây có thể biết, “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” chính là đại bổn của “Kinh Vô Lượng Thọ”. Điều này nói rõ ràng với chúng ta, “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh” chính là chú giải của “Kinh Vô Lượng Thọ”, vậy thì trọn bộ “Đại Tạng Kinh” chính là chú giải của “Kinh Hoa Nghiêm”, cho nên trong “Hoa Nghiêm” nói “nhất tức thị đa, đa tức thị nhất”. Chúng ta phải sâu sắc thể hội cái ý này.

Trong nguyện thứ mười tám, quan trọng nhất là câu chí tâm tín nhạo. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta có làm đến được hay không? Nếu chúng ta làm đến được, đó chính là bổn nguyện niệm Phật, vậy thì không sai. Chí tâm là tâm chân thành đến cùng tột, hay nói cách khác, trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật, ngoài câu A Di Đà Phật ra, trong lòng tuyệt đối không có một tạp niệm, vậy mới gọi là “chí tâm tín nhạo”. Quyết định không thể tin A Di Đà Phật mà vẫn tin danh vọng lợi dưỡng, vẫn tin hưởng thụ năm dục sáu trần, như vậy xen tạp với nhau, vậy không gọi là chí tâm, hoàn toàn không tương ưng với bổn nguyện. Chính mình mê hoặc điên đảo, tự hại, hại người, cái nhân quả này quá lớn.

Câu sau cùng: “Duy trừ ngũ nghịch, hủy báng chánh pháp”, chúng ta phải đề cao cảnh giác. “Ngũ nghịch” là tội nghiệp rất nặng. Trong Phật Kinh nói với chúng ta năm loại ngũ nghịch này.

– Thứ nhất là giết phụ thân.

– Thứ hai giết mẫu thân.

– Thứ ba là hại A La Hán.

– Thứ tư là gây rối tăng chúng.

– Thứ năm là khởi ác ý, phá nơi chốn Như Lai.

Đây là Phật nói trong “A Xà Thế Vương Vấn Ngũ Nghịch Kinh”, năm trọng tội này A Xà Thế Vương đều tạo. “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói năm nghịch, ý nghĩa đại thể gần giống, đó là giết phụ thân, giết mẫu thân, hại A La Hán, phá hòa hợp tăng, làm thân Phật ra máu. Cách nói này thông thường đồng tu học Phật đều biết. “Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh” cũng có cách nói như vậy.

Tại sao nói năm loại này là đại nghịch bất đạo? Giết cha hại mẹ, cha mẹ đối chúng ta có ân dưỡng dục, cái thân của chúng ta có được là từ cha mẹ, có thể lớn lên thành người, đó là nhờ sự chăm sóc của cha mẹ. Phật ở trong Kinh luận không ngừng dạy bảo chúng ta, ân của cha mẹ cùng với ân Phật là như nhau, cho nên giáo huấn của Phật Đà, thứ nhất chính là dạy chúng ta hiếu dưỡng cha mẹ, tri ân báo ân. Đồng tu Tịnh Tông đối với “Quán Kinh” đã nói, đó là nền tảng tu học, đều rất quen thuộc. Phu nhân Vi Đề Hy thỉnh giáo với Thích Ca Mâu Ni Phật, phương pháp cầu sanh Thế giới Cực Lạc. Thế Tôn trước khi khai thị, thì nói “Tịnh Nghiệp Tam Phước”. Điều này rõ ràng là dạy bảo chúng ta ba điều, đó là “ba đời chư Phật, chánh nhân tịnh nghiệp”. Câu nói này rất là quan trọng. Ba đời là đời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai, bao gồm tất cả người tu hành thành Phật. Phương pháp chắc chắn không phải một loại, mà là vô lượng pháp môn. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, mỗi môn đều có thể thành vô thượng đạo, mỗi pháp môn cũng đều có thể thành Phật, cho nên mới nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Chúng ta chọn lựa pháp môn là vì căn tánh của mỗi người không giống nhau. Chọn lựa pháp môn thích hợp với căn tánh của chính mình thì việc tu học tương đối tiện lợi. Việc này chúng ta phải hiểu.

/ 374