/ 374
555

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 126

"Trừ tàn hại ý". "Tàn" là tàn nhẫn, "hại" là giết hại. Tàn hại tất cả chúng sanh, chúng ta có hay không vậy? Thật có. Vô tình hay cố ý xem thấy một con muỗi, bạn đưa tay đập chết, đấy là tàn hại. Trong nhà bếp bạn thấy kiến, liền dùng một tay đè chết, đó là tàn hại. Mỗi ngày đang làm, thường hay làm, có người nào không làm? Những bạn nhỏ vô tri, hiện tại ở đô thị thì tương đối ít một chút, nhưng ở nơi nông thôn thì nhiều, chúng tôi lúc trước khi còn nhỏ, trẻ nhỏ ở nông thôn thích bắt chuồn chuồn chơi, thích bắt bướm chơi, thích bắt chim chơi, chơi đến khi chúng chết, đấy là tàn hại. Loại ý niệm tàn hại này là tập khí phiền não từ vô thỉ kiếp đã nuôi thành thói quen rồi, bất tri bất giác sẽ tổn hại tất cả chúng sanh, hơn nữa còn tổn hại rất tàn khốc. Đến khi nào không những không có hành vi tổn hại chúng sanh, mà đến ý niệm cũng không còn? Đương nhiên không phải là Bồ Tát thông thường, mà Pháp Thân Đại Sĩ mới làm đến được. Ngày nay chúng ta muốn học thì hành vi tổn hại chúng sanh quyết định không thể tái phạm, mỗi giờ mỗi phút phải nhắc nhở chính mình. Nếu như gặp những động vật nhỏ này muốn đến tổn hại bạn, có phải bạn lập tức muốn báo thù, liền đem nó giết chết đi? Thông thường chắc chắn là như vậy. Hiện tại chúng ta đã học Phật rồi, Phật dạy chúng ta không được làm. Muỗi đến cắn ta, đến đốt ta, ngày trước ta đã làm muỗi cũng đã từng đốt qua chúng. Chúng đói rồi, muốn ăn chút gì đó thì chúng ta cúng dường chúng một bữa ăn thôi. Ý niệm đó của bạn liền chuyển đổi lại, “ta kết duyên với chúng, ta cúng dường chúng”, thì bạn sẽ không sát hại chúng. Thực tế mà nói, phàm việc gì cũng đều không rời khỏi nhân quả. Con muỗi này đốt ta, tại vì sao nó không đốt người kia? Vì người kia không có thiếu chúng. Ta thiếu chúng, chúng đến đốt ta, vừa lúc ta trả nợ chúng; nếu ta đánh chết chúng thì ta còn thiếu thêm nợ mạng của chúng, về sau còn phiền phức hơn, ta còn phải đi đền mạng. Đây đều là thật, không phải giả. Tất cả chúng sanh hữu tình có loài nào mà không tham sống sợ chết? Ngày nay chúng ta lớn, còn chúng thì nhỏ; chúng ta có sức mạnh, chúng không có sức để kháng cự. Thế nhưng mây nước luôn lưu chuyển, nói không chừng đến đời sau chúng ta biến thành thân súc sanh, thậm chí còn không bằng như chúng; tội báo đó của chúng khi thọ hết rồi, có thể đời sau được thân người, như vậy ân oán tương báo lẫn nhau, đời đời kiếp kiếp không hề kết thúc. Hiện tượng này đáng thương. Người giác ngộ ở ngay trong một đời này trả nợ hết, đời sau khi gặp lại thì là đồng tu tốt, đạo hữu tốt, ân oán ngày trước đã trả xong hết, không còn tạo nữa, đây là người chân thật giác ngộ.

Các vị nhất định phải nên biết, thế gian tất cả pháp chỉ có Phật pháp là chân thật. Người xưa gặp được cơ duyên này, bất cứ thứ gì họ cũng đều có thể buông bỏ, họ phải nắm lấy cơ hội này. Cơ duyên này mất đi thì rất không dễ gì gặp được, trên kệ khai kinh ngày ngày nhắc nhở chúng ta "Trăm ngàn muôn kiếp nan tao ngộ". Ngày nay chúng ta ở nơi đây dường như nghe kinh, nghe pháp rất dễ dàng, nơi giảng tòa có rất nhiều đồng tu từ hải ngoại rất xa đến, họ có thể thể hội được “không dễ dàng”, nhất là từ Trung Quốc đến, nghe nói làm hộ chiếu rất khó, còn phải tốn phí dụng rất cao. Họ đến nơi đây để làm gì? Chẳng qua là muốn nghe được vài thời pháp mà thôi. Họ có thể trân trọng duyên phận này. Trái lại, ngày ngày chúng ta ở nơi đây dường như là không có việc gì, thấy quá dễ dàng, có gì hy kỳ đâu? Cho nên sanh ra xem thường, không biết trân trọng. Khi qua cái duyên phận này rồi, về sau hối hận thì không còn kịp. Cho dù hiện tại khoa học kỹ thuật thuận tiện, chúng ta có lưu thông băng đĩa, bạn có thể nghe được, thế nhưng nghe băng đĩa trong máy truyền hình cùng với hiện trường hoàn toàn khác nhau, thông thường chúng ta gọi là từ trường không giống nhau. Có rất nhiều đồng tu nói với tôi như vậy.. Các vị bước vào đạo tràng Cư Sĩ Lâm này, cảm thụ của bạn hoàn toàn khác, giảng đường cùng niệm Phật đường rất là thù thắng, vậy làm sao như nhau được? Cho nên chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật mới có thể chân thật nhổ sạch được gốc bệnh của chính mình.

Mười điều ngay chỗ này, mỗi một điều, mỗi một câu đều cần phải có thời gian dài nghe kinh, nghe pháp, huân tu thì mới chân thật hiểu rõ. Trước tiên từ trong hiện hành mà đoạn, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện. Tiêu chuẩn của thiện - ác là những gì có lợi đối với chúng sanh là thiện, những gì có hại cho chúng sanh là ác, tiêu chuẩn là ở phía chúng sanh, không phải là ở phía chính mình. Từ chính mình mà nói, có lợi ích cho chính mình là ác, có hại cho chính mình cũng là ác; đối với chính mình chỉ có xấu, không có tốt, vì sao vậy? Phật nói, vì tăng thêm ngã chấp. Tăng trưởng ngã chấp chính là đại ác. Kinh Kim Cang các vị đều đã đọc qua, kinh văn không nhớ được hết, nhưng đại khái trên kinh Kim Cang nói: "Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh, vô thọ giả tướng", các vị đều có thể ghi nhớ được, Phật đã giảng rất nhiều lần. Bạn thấy, Phật nói "vô ngã tướng", bạn khởi tâm động niệm tất cả vì ta, ngã chấp này không thể quên, ngã chấp ngày ngày đang thêm lớn. Ngã chấp càng thêm lớn thì phiền phức sẽ càng to. Phật ở trên kinh nói, sáu cõi là do vậy mà ra, bởi vì có ngã chấp thì có sáu cõi. Nếu như nói vô ngã, vô ngã thì sáu cõi không còn, vĩnh viễn thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Sáu cõi là huyễn tướng, do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra. Pháp giới bốn thánh có vọng tưởng, phân biệt, không có chấp trước, huyễn tướng của pháp giới bốn thánh. Nếu chúng ta muốn đem cảnh giới của chính mình nâng lên cao, không còn luân hồi sáu cõi nữa, hy vọng chính mình thành A La Hán, thành Bích Chi Phật, thành Bồ Tát thì bạn phải đem bốn tướng phá hết, chân thật làm đến được "vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng" thì bạn mới có thể siêu việt luân hồi, bạn mới có thể đến được pháp giới bốn thánh, thế nhưng vẫn không thể ra khỏi mười pháp giới. Vì sao vậy? Vì bạn vẫn còn ý niệm vô ngã nhân, chúng sanh, thọ giả, cho nên bạn không thể ra khỏi mười pháp giới. Nếu muốn siêu việt mười pháp giới thì ý niệm này cũng phải đoạn đi, cũng phải buông xả, vậy thì được.

/ 374