/ 374
535

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 125

Kinh văn vẫn là nguyện thứ mười tám. Nguyện thứ mười tám là trung tâm của đại nguyện. Phía trước tuy đã giảng giải qua với các vị hai lần, nhưng vẫn còn có số ít người còn hoài nghi đối với pháp môn niệm Phật, cho nên chúng ta cần phải chân thật lý giải được nguyện này. Cổ đức xưa nay có rất nhiều cách nói, đến sau này các tổ sư đều đem nó quy về Đại sư Thiện Đạo, lấy cách nói của Đại sư Thiện Đạo làm chuẩn. Hôm nay giới thiệu với các vị, cũng là trong cổ đức có rất nhiều người kiên trì nói mười niệm này không phải mười câu Phật hiệu thông thường.

Chúng ta đem đoạn văn này tiết lục ra.

"Cổ chú kinh gia, ư thử nguyện văn, diệc hữu dị giải", chính là có cách nói khác nhau. Có rất nhiều cách nói khác nhau, thời xưa có, hiện tại cũng có.

"Hữu vân, thử thị thượng tam phẩm", chính là ba phẩm vãng sanh bậc thượng, không phải đối với người căn tánh trung hạ mà nói.

"Thử trung thập niệm thị y thập pháp khởi thập niệm, phi thị xưng danh thập niệm", người xưa có cách nói này. Cái gì gọi là "y thập pháp khởi thập niệm"? Phía sau chúng ta sẽ nói ra.

"Sở vân, y thập pháp khởi thập niệm, chỉ Di Lặc sở vấn thập niệm". Đoạn kinh này ở nơi đây chúng ta đã giảng qua, chính là một hội trong "Đại Bảo Tích kinh", "Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo kinh" cũng gọi là "Di Lặc Sở Vấn kinh" (nó có hai đề kinh). Trên kinh này Bồ Tát Di Lặc thỉnh giáo với Thế Tôn: "Cụ túc như thị thập niệm, tức đắc vãng sanh, an dưỡng quốc độ" ("An dưỡng quốc độ" chính là thế giới Tây Phương Cực Lạc). "Phàm hữu thập niệm, hà vi đẳng thập? ". Phía sau đây liệt kê ra mười điều, mười điều này rất đáng được chúng ta làm tham khảo.

Chúng ta học Phật nhất định phải có tâm tiên tiến, hy vọng những năm ta còn sống, đem phẩm vị vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc chân thật nâng cao. Đây là người có chí khí. Nếu như tiêu chuẩn của bạn định được rất thấp, "tôi chỉ cần hạ phẩm hạ sanh thì được rồi!", chúng ta có câu ngạn ngữ gọi là "thủ pháp ư thượng, cẩn đắc ư trung", bạn ngưỡng vọng là tối thượng thừa, chân thật nỗ lực tu học thì có thể chỉ được đến bậc trung; vậy nếu như bạn đem tiêu chuẩn của chính mình định ở bậc hạ thì có thể bạn sẽ không thể đi được, cho nên tiêu chuẩn vẫn phải định được cao một chút thì tương đối nắm chắc. Đây là việc mà chúng ta ở ngay trong một đời này cần phải nên tranh thủ, những sự việc khác, pháp thế gian này, danh vọng lợi dưỡng, năm dục sáu trần, sanh không mang đến, chết không mang đi, có gì mà đáng tranh chấp đâu? Trên kinh Phật nói được rất tường tận: "Vạn ban tương bất khứ, duy hữu nghiệp tùy thân". Nghiệp lực chủ tể sanh tử của chúng ta rất là đáng sợ, cũng rất là đau lòng. Nếu chúng ta có thể đem nghiệp lực chuyển biến thành nguyện lực thì chúng ta ngay đời này sẽ không uổng phí mà đến đây. Ngay đời này được xem là có thành tựu thù thắng chân thật, chúng ta có thể đem nghiệp lực chuyển biến thành nguyện lực không? Đáp án là khẳng định, nhất định có thể chuyển, hơn nữa, chuyển cũng không khó. Chuyển bằng cách nào vậy? Phải tường tận đạo lý thì bạn mới chuyển được. Bạn xem, vốn dĩ chúng ta làm phàm phu tối tăm, mê hoặc điên đảo, đối với chân tướng sự thật của vũ trụ nhân sanh không biết tí gì. Chư Phật Bồ Tát thông đạt tường tận đối với đạo lý của vũ trụ nhân sanh. Người thông đạt tường tận chính là Phật Bồ Tát, chính là thánh nhân; người không thông đạt, không tường tận chính là phàm phu mê hoặc điên đảo, thế là chúng ta liền hiểu được rõ ràng. Phải làm thế nào mới có thể thông đạt tường tận? Phải tiếp nhận giáo học của Phật Đà, hay nói cách khác phải nghe kinh, phải nghe pháp. Bạn không nghe kinh, không nghe pháp thì bạn làm sao mà biết được? Nếu bạn muốn triệt để tường tận, ngoài việc nghe kinh, nghe pháp ra, không có phương pháp thứ hai. Cho nên, Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời giảng kinh nói pháp 49 năm, đều là chư Phật Như Lai đại từ đại bi thị hiện cho chúng ta xem. Trên kinh chúng ta thường hay xem thấy, ngay trong 1.255 người đệ tử thường tùy của Thế Tôn, Ngài nói pháp 49 năm thì họ nghe kinh 49 năm, không hề thiếu vắng. Một ngày nghe bao nhiêu giờ? Phần lớn thời gian là 8 giờ. Ngoài ra, Thế Tôn còn có những tiếp xúc, đến khắp nơi nói pháp, tôi nghĩ đi đường không thể vừa đi vừa giảng, đại khái có thể không giảng kinh, nhưng sau khi ngồi lại thì Ngài nhất định giảng kinh nói pháp. Các vị tưởng tượng xem, người giảng kinh đã giảng suốt 49 năm, người nghe cũng nghe suốt 49 năm, không hề mệt mỏi, cho nên những người này khai ngộ, chứng quả, khế nhập cảnh giới của Phật; không chỉ siêu việt sáu cõi, mà mười pháp giới cũng siêu việt. Đây đều là thành quả của việc nghe kinh nghe pháp. Cho nên, nghe kinh nghe pháp quan trọng hơn bất cứ thứ gì.

/ 374