PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 127
Lần trước giảng đến Đại đức xưa, đối với nguyện thứ mười tám có rất nhiều cách nói, chúng ta đem mười niệm trong “Bồ Tát Di Lặc Sở Vấn Kinh” nói đặc biệt nêu ra, đã giới thiệu qua với các vị. “Bồ Tát Di Lặc Sở Vấn Kinh” còn có một tên “Phát Khởi Bồ Tát Thù Thắng Chí Nhạo Kinh”, ngày trước chúng ta ở nơi đây đã từng tỉ mỉ giảng qua một lần. Bộ Kinh này đối với người tu hành hiện đại mà nói, không luận là tại gia hay xuất gia, đều rất là quan trọng. Mười niệm ở trong đây, cảnh giới tuy là rất cao, không phải chúng ta có thể làm đến được, thế nhưng tuy không làm được nhưng tâm cũng phải luôn hướng đến, tận khả năng mà học tập, đối với tiêu trừ tai nạn của chúng ta có sự giúp đỡ nhất định. Hiện tại thế gian này, các vị có thể rất rõ ràng, rất tường tận mà quán sát được, thiên tai nhân họa mỗi năm một nhiều hơn, lần sau nghiêm trọng hơn lần trước. Có rất nhiều đồng tu hỏi tôi, tôi nói với họ, tai nạn này vừa mới bắt đầu, vẫn còn tai nạn nghiêm trọng ở phía sau.
Tai nạn do đâu mà phát sanh? Phật nói rất rõ ràng, chúng ta phải có thể thể hội được, lời nói của Phật mỗi câu đều là lời giáo huấn chân thật. Trên “Kinh Kim Cang” nói rất hay: “Nhược Bồ Tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, tức phi Bồ Tát”. Do đây có thể biết, Bồ Tát đều đã lìa bốn tướng huống hồ là Như Lai, cho nên Phật Bồ Tát không có ta. Không có ta chính là không có tự tư tự lợi, không có tham-sân-si-mạn. Chúng ta đọc được ở trên “Kinh Hoa Nghiêm”: “Phật thân quảng đại biến thập phương”. Thân của chúng ta cùng thân Phật không hề khác nhau. Bài kệ này chúng ta mất hết hai giờ đồng hồ mới giảng xong. Thân của chúng ta cùng thân Phật là một thân, Phật giác ngộ, chúng ta mê hoặc. Hàm nghĩa trong đây nói với chúng ta, hư không pháp giới tất cả chúng sanh là một cái tâm, đó là chân tâm; một cái tánh, đó là Như Lai bổn tánh; một cái thân, đó là pháp thân thanh tịnh. Ai hiểu được? Người hiểu được thì gọi là Pháp Thân Đại Sĩ, thì gọi là chư Phật Như Lai, người không hiểu thì gọi là phàm phu. Thế nhưng chân tướng sự thật không có quan hệ với hiểu hay không hiểu, người hiểu chúng ta gọi là giác ngộ, người không hiểu gọi là mê hoặc, chân tướng sự thật không có mê ngộ, tâm không có mê ngộ, tánh cũng không có mê ngộ, pháp thân cũng không có mê ngộ. Nếu chúng ta phá mê, khai ngộ thì tai nạn liền không còn.
Tai nạn từ nơi đâu mà đến? Trên Kinh nói được rất rõ ràng, hồng thủy là do tâm tham của chúng sanh cảm đến, tham là nước; hỏa tai, chiến tranh là do tâm sân hận chiêu cảm đến; phong tai là do ngu si chiêu cảm đến; địa chấn là do ngạo mạn chiêu cảm đến. Cho nên, chúng sanh một ngày từ sớm đến tối tạo ra nghiệp gì? Tham-sân-si-mạn, chiêu cảm đến là phong tai, thủy tai, hỏa tai, động đất, từ do đây mà ra. Trên Phật Kinh có cách nói này, khoa học gia hiện tại không thừa nhận, vì sao vậy? Họ vẫn chưa chứng minh, khoa học vẫn chưa phát triển đến trình độ này, có lẽ phải qua vài mươi năm nữa, khoa học gia mới xuất hiện, đem nó chứng thật. Phật ở trên Kinh nói ra những đạo lý này, khoa học gia cận đại đã chứng minh được không ít rồi, cho nên khoa học càng tiến bộ thì càng có sự hỗ trợ đối với Phật pháp. Chỗ này không giống như các tôn giáo khác. Phật có thể đem cội gốc của tai nạn nói ra cho chúng ta nghe, chúng ta không từ ở nơi đây mà bắt tay vào thì làm sao tiêu tai khỏi nạn? Cho nên Phật Bồ Tát ra đời, việc của các Ngài làm là việc lớn đệ nhất đẳng của thế gian, chính là giác ngộ chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh phá mê khai ngộ, để chúng sanh đối với tất cả người sự vật chắc thật có thể sanh khởi được trí tuệ chân thật. Người hiện tại vì sao mờ mịt đến như vậy? Tại vì sao tạo nghiệp? Truy cứu tận cùng nguyên nhân đó, lỗi lầm chính là không tiếp nhận giáo dục của thánh hiền, cả thế giới ngày nay đem giáo dục của thánh hiền thảy đều bỏ qua một bên, học cái gì? Học tập là giáo dục công lợi, loại giáo dục này dạy người tranh danh đoạt lợi, tổn người, lợi mình, loại giáo dục này tăng thêm tham-sân-si-mạn. Nơi nào tham-sân-si-mạn nhiều thì ở nơi đó tai nạn nhiều; ở nơi nào lòng người thuần phát, trung thực, giữ pháp luật, ý niệm tham-sân-si-mạn ít thì ở nơi đó sẽ không có tai nạn. Cho nên các vị tỉ mỉ mà quán sát, đọc qua lịch sử ngày trước, tỉ mỉ quán sát hiện tại hoàn cảnh các khu vực trên thế giới, bạn liền chứng minh lời của Phật nói là không sai. Phật dạy đến giai đoạn sau cùng Tín-Giải-Hành-Chứng là bảo bạn đem nó chứng thực, cho nên đây không phải là mê tín. Phàm hễ không thể chứng minh thì không đáng tin. Phật nói ra mỗi câu mỗi chữ, bạn đều có thể ở trên thực tế cầu chứng. Cho nên, đây là học vấn chân thật, giáo huấn chân thật.