/ 374
656

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 122

Ngay trong các đồng tu, có không ít người đều đã thọ qua Bồ Tát giới, thọ qua năm giới, nhưng luôn luôn xem nhẹ mười thiện, không hề lưu lý đến, nào biết được mười thiện là nền tảng của năm giới, không có mười thiện thì bạn làm sao có thể có năm giới? Người từ chỗ nào mà học? Nhất định phải từ ngay chỗ này mà học. Đại sư Ấn Quang đối với căn tánh chúng sanh hiện đại chúng ta hiểu quá rõ, quá tường tận, cả đời Ngài thị hiện chính là làm tấm gương tốt nhất cho chúng ta. Bạn thấy Ngài dạy người từ chỗ nào mà học? Học từ Liễu Phàm Tứ Huấn. Liễu Phàm Tứ Huấn nói cái gì? Liễu Phàm Tứ Huấn dạy chúng ta khóa trình tin sâu nhân quả. Ngài dạy chúng ta học Cảm Ứng Thiên. Cảm Ứng Thiên dạy cái gì? Chính là Thập Thiện Nghiệp Đạo, đoạn ác tu thiện. Thập Thiện Nghiệp Đạo của nhà Phật đều bao gồm hết Cảm Ứng Thiên, cho nên đây là nền tảng của nền tảng Phật pháp Đại thừa, căn bản của căn bản, bạn nói xem quan trọng cỡ nào.

Ngày nay chúng ta nói không sát sanh, chúng ta thật có thể làm đến được hay không? Ta không sát hại mạng của chúng sanh, nhưng có làm cho chúng sanh sanh phiền não hay không? Nếu còn có ý niệm hay hành vi làm cho tất cả chúng sanh vì ta mà sanh phiền não, cái nợ này cũng tính vào trong điều sát sanh. Càng huống hồ ở trên kinh Phật nói, chúng sanh có hai sinh mạng, một cái là sinh mạng, một cái là huệ mạng. Giết hại sinh mạng của người, tội đó vẫn không xem là rất nghiêm trọng; nếu như đoạn huệ mạng của chúng sanh, tội này thì rất nghiêm trọng. Chúng ta trong vô tình hoặc hữu ý có phải là thường hay tạo tác hay không? Không dễ dàng tránh khỏi. Nếu như các bạn muốn đem nội dung mười điều này làm cho rõ ràng, đó chính là một bộ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Hội Biên, hoặc giả các bạn đọc Sa Di Luật Nghi Tăng Chú, ở trong đó nói được rất tường tận, nội dung rất phong phú, bạn đều phải thấu hiểu, đều phải tường tận, đều phải ghi nhớ, bạn mới biết được làm thế nào học tập. Phật pháp, nhất là người xuất gia, xuất gia thì hành môn bắt đầu làm từ Sa Di Luật Nghi, còn tại gia là từ Thập Thiện Nghiệp Đạo, sau đó mới là Tam Quy ngũ giới. Chúng ta không hạ công phu ở ngay chỗ này, không xây dựng nền tảng kiên định, đây là nguyên nhân chính mà chúng ta tu hành công phu không có lực.

Ngày nay chúng ta ở chỗ này nói "sở hữu thiện căn", chúng ta nghĩ tưởng xem, chúng ta lấy đâu ra thiện căn? Chí tâm không có, thiện căn cũng không, thấy người khác niệm Phật vãng sanh nhưng chúng ta chính mình không nắm chắc được phần nào, đã tu tập nhiều năm như vậy nhưng không có chút tin tức nào, vẫn không thể giác ngộ, vẫn không thể quay đầu. Trong kinh giáo thời gian dài đến như vậy, những nhân tố, đạo lý này chúng ta đều có thể lý giải, đều có thể tưởng tượng ra được, cùng chính mình khởi tâm động niệm, tất cả tạo tác đối chiếu lại một chút thì phát hiện lỗi lầm của chúng ta rốt cuộc ở ngay chỗ nào. Mười thiện chúng ta làm được mấy điều? Chúng ta không cần nói nhiều, năm giới, mười giới, chúng ta chân thật có thể thọ trì được mấy điều? Ngày ngày vẫn đang cầu Phật Bồ Tát bảo hộ, cầu hộ pháp thiện thần ủng hộ, làm gì có đạo lý này. Chúng ta phải hiểu rõ ràng, có thể được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, đó là tâm hạnh tương ưng mới làm được. Không những Phật Bồ Tát, thần hộ pháp mà như vừa rồi mới nói, ngay đến quỷ thần cũng tôn kính đối với người thiện, cũng ghét bỏ đối với người ác, đây đều là những sự thật ngàn vạn lần chính xác. Nếu chúng ta không chân thật hồi đầu, không chân thật sám hối, thì ngay đời này thật đáng tiếc, đời này bạn để luống qua.

Trên kinh Phật nói, được thân người, được nghe Phật pháp thật không dễ dàng, thân người dễ mất mà khó được, Phật pháp càng không dễ dàng gì có thể được nghe. Chúng ta ở ngay trong một đời này có được cơ hội duyên phận thù thắng như vậy, người biết được trân trọng thì người này ở ngay trong đời này thành tựu, người không biết được trân trọng thì luống qua không. Pháp môn này là pháp môn vạn người tu vạn người vãng sanh, then chốt chính ngay "chí tâm" cùng "thiện căn" mà trên kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật chân thật dạy bảo đối với phu nhân Vi Đề Hy. Chúng ta nhất định không thể quên đi, mỗi giờ, mỗi phút để ở trong lòng, y giáo phụng hành.

Tịnh Nghiệp Tam Phước là "chánh nhân tịnh nghiệp ba đời chư Phật", cũng chính là pháp môn vô lượng vô biên, cho dù bạn tu một pháp môn nào, thành tựu Phật quả cứu cánh, nền tảng của bạn đều là ba điều mười một câu bốn mươi bốn chữ này. Nếu như bạn không đầy đủ điều kiện này, không luận tu học pháp môn nào đều không thể thành tựu. Thiện căn của thế pháp bạn được quả báo trời người, không thể đọa ba đường ác. Phước thứ nhất là bốn câu mười hai chữ: "Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu mười nghiệp thiện", bạn phải chân thật làm đến được. Chúng ta nghĩ lại xem chúng ta có làm được hay không? Đây chính là thiện pháp trong sáu cõi. Cho nên nghĩ lại rất khó, nếu như trong sáu cõi, ba đường thiện chúng ta cũng chưa nắm được phần, mà muốn ra khỏi ba cõi, muốn vãng sanh thì không thể nào được, quyết định không thể nào. Đây là giáo huấn chân thật của Như Lai. Phật nói được rõ ràng đến như vậy, nói được tường tận đến như vậy, chúng ta tương lai đọa lạc nhất định không thể trách Phật, chỉ có thể trách chính mình xem thường, quá sơ ý, đem lời giáo huấn của Phật xem như gió thoảng qua tai, không có giờ phút nào nghĩ đến nó, không hề nỗ lực đi làm, cho nên mới đọa lạc.

/ 374