PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 123
Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giã, bất thủ chánh giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp".
Nguyện thứ mười tám là trung tâm của đại nguyện, cũng là hạt nhân của toàn kinh, cũng có thể nói là Thế Tôn thị hiện xuất thế giáo hóa chúng sanh, phổ độ quần mê chín pháp giới một đời viên mãn thành tựu chính ngay ở đoạn kinh văn này. Thế Tôn như vậy, mười phương ba đời tất cả chư Phật độ chúng sanh thành Phật đạo cũng là như vậy. Do đây có thể biết tính quan trọng của đoạn kinh này. Đoạn kinh văn này then chốt chính ở ngay bốn chữ "chí tâm tín nhạo". Bốn chữ này nghĩa lý sâu rộng vô tận, cạn mà vào thì có thành tựu cạn, Tây Phương Tịnh Độ cõi Phàm Thánh Đồng Cư là cạn mà vào; cõi Thật Báo, cõi Tịch Quang là từ sâu mà vào, đều ở "chí tâm tín nhạo". Câu kinh văn này phía trước cũng đã nói qua với các vị hai lần rồi, buổi tối hôm nay là lần thứ ba.
Gần đây các đồng tu rất nhiều nơi đều phát tâm kết thất niệm Phật, hơn nữa đều là Phật thất tinh tấn. Tịnh Tông Học Hội Úc Châu tổ chức liên tục mười thất, hiện tại vẫn đang trong kỳ Phật thất. Sau khi tôi đến xem rồi rất hoan hỉ, thế nhưng mười Phật thất, chúng ta hy vọng có thể có thành tựu như thế nào? Nếu như 70 ngày niệm xong mà không có chút hiệu quả nào, thời gian 70 ngày của chúng ta không phải đã lãng phí rồi sao? Mỗi một đồng tu đều nói với tôi, ngay trong thời kỳ niệm Phật niệm được tốt, không khí đạo tràng rất thù thắng (thông thường chúng ta gọi là từ trường), có thể khiến cho đồng tu dự hội đều sanh tâm hoan hỉ. Đây là một hiện tượng rất tốt.
Cũng có đồng tu hỏi, niệm Phật thế nào mới có thể công phu có lực? Đây là một vấn đề quan trọng, câu hỏi này rất hay. Tổ sư đại đức nói với chúng ta, có thể vãng sanh hay không quyết định ở tín nguyện, phẩm vị cao thấp ở công phu niệm Phật sâu cạn. Lời nói này rất hay, thế nhưng "ba bậc vãng sanh", Thế Tôn dạy chúng ta "phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm". Nguyện thứ mười tám là "một lòng chuyên niệm", nguyện thứ mười chín là "phát tâm Bồ Đề", chúng ta chuyên dựa vào nguyện thứ mười tám thì có được không? Hiện tại trong xã hội có người đề xướng Bổn Nguyện Niệm Phật, điều này không tệ, là rất tốt, bổn nguyện chính là chỉ nguyện thứ mười tám, kỳ thật bổn nguyện phải nên khái quát hết 48 nguyện thì bổn nguyện đó không có vấn đề, nếu như bổn nguyện chỉ nói nguyện thứ mười tám thì nguyện thứ mười tám phải nói được thấu triệt, phải nói được tường tận, "chí tâm tín nhạo" ở trong đây liền bao gồm phát tâm Bồ Đề. Nếu như chỉ nương vào nguyện này không mà nói, tâm Bồ Đề là tâm chân thật giác ngộ, đến nguyện phía sau tôi sẽ giảng nói tường tận với các vị.
Chúng ta ngày nay chưa phát tâm Bồ Đề, hay nói cách khác, không phải là "chí tâm tín nhạo" mà tự cho rằng là "chí tâm tín nhạo", vấn đề này thì nghiêm trọng rồi. Nếu như chúng ta chính mình biết được câu nói này chúng ta chưa làm được thì chúng ta vẫn phải phản tỉnh, vẫn phải kiểm điểm, vẫn phải thay đổi tự làm mới, chăm chỉ nỗ lực mà làm, vậy thì còn được. Nếu như tự cho là "chí tâm tín nhạo" nhưng tuyệt nhiên không phải chân thật "chí tâm tín nhạo", thì ngay đến cơ duyên cải lỗi phản tỉnh cũng đoạn mất hết, họ làm sao có thể thành tựu? "Chí tâm", chữ "chí" này lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ ở trong chú giải đã chú rất nhiều. Tuy là chú được nhiều như vậy, nhưng chúng ta có phải chân thật lý giải, chân thật hiểu rõ hay không thì vẫn còn là vấn đề. Cho nên chữ "Chí" này của ông nghĩa là "chân thành thật", ba chữ này nói được rất hay. Chân tâm, chúng ta ngày nay dùng là tâm không thật, ta niệm Phật thì dùng chân tâm, đối nhân tiếp vật thì dùng giả tâm, cái tâm này của bạn có hai cách dùng, bạn rất cao minh. Phật pháp nói với chúng ta: "Nhất chân nhất thiết chân, nhất vọng nhất thiết vọng", bạn đối nhân xử thế tiếp vật là dùng vọng tâm, bạn phải nên hiểu rõ, bạn niệm Phật cũng là dùng vọng tâm. Thành tâm, sao gọi là thành? Tiên sinh Tăng Quốc Phiên nói rất hay: "Một niệm không sanh gọi là thành". Chúng ta một ngày từ sớm đến tối vọng niệm triền miên, làm gì có tâm thành? Thật là thực tế rõ ràng. Lão thật trung thực, chúng ta không lão thật, ba chữ này chúng ta thảy đều không có, không chỉ "chí" không có, mà "tâm" cũng không có. Ngày nay chúng ta không phải là dùng "tâm" để niệm Phật, mà dùng vọng tưởng để niệm Phật, dùng thức thứ sáu để niệm Phật, cho nên "tín" cùng "nhạo" đều thành ra vấn đề. Các vị phải nên biết, vọng tâm, giả tâm là tâm luân hồi. Chúng ta dùng tâm luân hồi để tin Tịnh Độ, để tu Tịnh Độ, tu đến sau cùng vẫn là luân hồi sáu cõi. Tôi nói với các đồng tu đây là lời chân thật, không giả dối chút nào.