/ 374
715

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 121

Nguyện thứ mười tám: "MƯỜI NIỆM ẮT SANH NGUYỆN"

Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giã, bất thủ chánh giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp".

Nguyện này là trung tâm của 48 đại nguyện, cũng là một đoạn chân thật khai thị quan trọng nhất của toàn kinh. Lần trước đã báo cáo qua với các vị, vào thời Tùy Đường, các đại đức đã đem tất cả kinh làm một cuộc so sánh, đều cho rằng "Hoa Nghiêm" là chân thật nhất trong tất cả các kinh. "Hoa Nghiêm" so sánh với bổn kinh này, bổn kinh này là chân thật ngay trong chân thật. Những lời này phía trước tôi đã nói qua với các vị, từ trong những ngôn luận của cổ đức, chúng ta mới biết được mười phương ba đời tất cả chư Phật giáo hóa chúng sanh, một câu nói chân thật nhất chính là nguyện này, hay nói cách khác, thiên kinh vạn luận, vô lượng giáo huấn của chư Phật đều không ngoài nguyện này, cho nên nguyện này chúng ta phải đặc biệt xem trọng.

Đồng tu tu học Đại thừa đều biết, trên kinh Kim Cang Bát Nhã nói với chúng ta: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng", "Tất cả hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh". Tại vì sao chúng ta tham đắm tất cả hư vọng này chứ? Nguyên nhân chính là đối với chân tướng sự thật không thể nào hiểu rõ, không thể nào tường tận. Cho dù là học Phật đã nhiều năm, thậm chí đến xuất gia, cũng giảng kinh nói pháp, cũng đã làm đại pháp sư, thế nhưng đến sau cùng vẫn là luân lạc ở ba đường, vẫn là phải đọa vào A Tỳ Địa Ngục. Nguyên nhân này do đâu? Tuy ngày ngày đọc kinh, tuy ngày ngày giảng kinh dạy người, nhưng chính mình thâm nhập không đủ sâu, cho nên tâm bệnh tập khí không thể thay đổi. Chúng ta trong lúc giảng dạy thường hay nhắc nhở các đồng tu, tâm bệnh lớn nhất chính là dục vọng. Một cái là "Thị dục", chính là thị hiếu của bạn, yêu thích của bạn không thể đoạn dứt; một cái là "Ái dục". Bốn chữ này đã đem pháp thân huệ mạng của chúng ta đoạn mất rồi. Bốn chữ này, ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta chính là ham muốn danh vọng lợi dưỡng, người thông thường gọi là tài - sắc - danh - lợi. Đây là họa hại, quyết định không phải là việc tốt, Phật dạy Bồ Tát, đặc biệt là Bồ Tát sơ học phải nên tránh, tuyệt đối không phải là chuyện đùa. Sự việc này nếu dùng lời khó nghe để nói, thật không đáng nên đùa, huống hồ trong kinh đã nói với chúng ta: “Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy là năm cái gốc của địa ngục”, chỉ cần có một điều, bạn sẽ bị lôi vào trong địa ngục; nếu như có ba điều, bốn điều hoặc đầy đủ năm điều, bạn nhất định đọa vào địa ngục A Tỳ.

Vãng sanh là sự việc thù thắng đệ nhất trong pháp thế xuất thế gian. Tiêu chuẩn để được vãng sanh là gốc của địa ngục phải đoạn, không những gốc của địa ngục phải nhổ sạch, mà vô số mê hoặc của tam giới sáu cõi, bạn đều có thể không động tâm thì bạn mới nắm được phần vãng sanh. Sự việc này chúng ta không thể không biết. Trong nguyện này, nguyện văn nói được rất rõ ràng: "Mười phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu". Câu này chính là nói rõ, cơ duyên chúng sanh thành Phật là bình đẳng, người người đều có phần, mười phương thế giới cõi nước chư Phật, chúng sanh trong mười pháp giới, người người đều có phần. Bạn có thể vãng sanh hay không chính ở ngay bốn câu: "Chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc", có thể ở ngay trong một đời này thành tựu hay không chính ở mười sáu chữ này.

Trong mười sáu chữ này, câu quan trọng nhất chính là "Chí tâm tín nhạo". Chúng ta đối với thế giới Tây Phương Cực Lạc "tin ưa", nhưng chưa làm đến được "chí tâm". Vì sao vậy? Vô số tham ái thế gian chưa buông xả; luôn cho rằng thế giới Tây Phương Cực Lạc quá xa xôi, quá mờ mịt, danh vọng lợi dưỡng ngay trước mắt luôn không thể rời khỏi, sanh khởi tham ái sâu nặng, loại tham ái này siêu quá Phật pháp không biết là gấp bao nhiêu lần, bạn làm sao có thể vãng sanh được? Tôi khuyến khích các đồng tu, chân thật phát tâm tu học thì phải biết quay đầu, phải hiểu được buông xả; đem tất cả chướng ngại trên đạo Bồ Đề thảy đều buông xả thì chúng ta liền thành tựu.

/ 374