PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 120
Trong Kinh văn “ba bậc vãng sanh” ở phía sau của bổn Kinh, Phật nêu ra điều kiện quan trọng nhất để vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc có hai câu nói: “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. “Chí tâm tín nhạo” ở chỗ này chính là phát tâm Bồ Đề, bạn xem thấy thượng phẩm vãng sanh là điều kiện này, trung phẩm cũng là như vậy, hạ phẩm vẫn là như vậy, thậm chí tu học các pháp môn khác phát nguyện cầu sanh Thế giới Cực Lạc vẫn là hai câu nói này, chúng ta vạn nhất không nên xem thường lướt qua.
Tâm Bồ Đề là chân tâm. Trên “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật” nói với chúng ta, thể của tâm Bồ Đề là “tâm chí thành”, chính là “chí tâm” mà chỗ này nói; khởi dụng của tâm Bồ Đề là “thâm tâm”, “hồi hướng phát nguyện tâm”. Thâm tâm chính là chỗ này nói “tín nhạo”, hồi hướng phát nguyện tâm chính là hai câu phía sau nói “sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng”. Chúng ta đem Kinh văn trước sau đối chiếu lại xem chẳng phải rất rõ ràng, rất tường tận rồi hay sao? Các vị vẫn phải nên biết, ta ở niệm Phật đường niệm Phật là phát tâm Bồ Đề, ta không niệm Phật thì tâm Bồ Đề của ta không còn, như vậy có thể vãng sanh không? Không thể. Ta đối với Phật dùng tâm chí thành, đối với người thì dùng tâm hư ngụy, cái tâm này của ta là tùy theo nhân tình mà thay đổi, vậy thì không thể vãng sanh. Phật ở trên Kinh không có nói bạn đối với người khác có thể dùng tâm hư ngụy. Nếu như nói có thể dùng tâm hư ngụy đối với người khác, vậy thì Phật chế giới làm gì? Ta năm giới mười thiện là đối với A Di Đà Phật, đối với người thì có thể không cần, việc này có thể nói được thông sao? Trên Kinh rõ ràng nói, Thế giới Tây Phương Cực Lạc là “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Quý vị không tệ, rất có bản lãnh, đối với người thiện bạn dùng tâm thiện, đối với người bất thiện bạn liền dùng tâm ác, xin nói với quý vị, vậy thì quý vị hiểu sai đi ý nghĩa của Như Lai rồi, đến sau cùng không thể vãng sanh. Không thể trách Kinh, không thể trách Phật, mà trách bạn chính mình hiểu sai chân thật nghĩa của Như Lai. Cho nên chân thật nếu muốn làm Phật, nếu muốn vãng sanh thì không luận đối với một chúng sanh nào đều phải dùng tâm chân thành. Tâm chân thành là tâm Phật, tâm thanh tịnh là tâm Phật, tâm bình đẳng là tâm Phật, tâm giác ngộ, tâm đại từ bi, phải dùng loại tâm này để trải qua ngày tháng, phải dùng loại tâm này để làm việc, phải dùng loại tâm này đối nhân xử thế tiếp vật, tâm niệm Phật của chúng ta mới là tâm chân thành, mới là chí tâm, không chỉ chúng ta có thể vãng sanh, mà phẩm vị vãng sanh của chúng ta nhất định cao. Trong Đại Kinh, Phật thường hay dạy bảo chúng ta, phải đem tất cả chúng sanh xem thành cha mẹ quá khứ, chư Phật vị lai của chính mình, dùng tâm hiếu thuận chân thành, dùng tâm cung kính chân thành, như vậy mới có thể thành Phật, mới có thể vãng sanh.
Hiện tiền có một số chúng sanh khổ nạn tìm đến bạn, trên đời sống của họ có khó khăn, cầu xin bạn giúp đỡ, bạn có nên giúp họ hay không? Nếu như bạn biết được đây là cha mẹ của ta, có nên giúp hay không? Đây là chư Phật vị lai, có nên cúng dường hay không? Nghĩ đến họ là cha mẹ, là chư Phật, không có điều kiện để giúp họ, không có điều kiện để bố thí cúng dường, rất nhiều người đến tìm bạn, bạn cảm thấy rất khó khăn, ta đem hết cả nhà ra thảy đều bố thí vẫn không đủ, vậy thì phải làm sao? Thực tế mà nói, bạn tuyệt nhiên không chân thật bố thí hết, cái mà bạn bố thí cúng dường cũng chẳng qua chỉ có mấy phần tài sản của bạn mà thôi, thì bạn đã khởi vọng tưởng rồi, bạn đã hoài nghi đối với Phật pháp, không tin tưởng rồi. Phải nên thế nào vậy? Hoan hỉ bố thí cúng dường, thảy đều cúng dường hết, lần sau họ đến tìm bạn, phước báo của bạn đã chín muồi rồi.
Phước báo chín muồi có hai hiện tượng, một là nguồn tài lực của bạn ùn ùn kéo đến, bạn bố thí được nhiều thì tài lực đến cũng nhiều, đây là đạo lý nhất định. Ngoài ra còn một loại hiện tượng nữa, cơ hội thành Phật của bạn đến rồi, chư Phật Như Lai tiếp dẫn bạn vãng sanh, bạn liền rất hoan hỉ, rất tự tại mà vãng sanh, nhất định không có bệnh khổ. Rất hoan hỉ, rất vui lòng mà làm, y giáo phụng hành, trong tín có nhạo, then chốt chính ngay ở chí tâm. Tâm của chúng ta vì sao không đạt đến được cảnh giới này? Là vì vọng tưởng tạp niệm của chúng ta không chịu buông xả. Tại vì sao không thể buông xả? Bạn chưa rõ ràng đối với chân tướng sự thật. Nếu muốn đem chân tướng sự thật làm cho rõ ràng thì phải dựa vào chánh pháp, cần phải tiếp nhận giáo dục của Phật Đà. Nếu không có cơ duyên tiếp nhận giáo dục của Phật Đà thì chân thật là rất bất hạnh. Giáo học của Phật Đà có thể giúp chúng ta đoạn phiền não, khai trí tuệ, có thể giúp chúng ta buông xả. Buông xả không phải là buông bỏ công việc của bạn, không phải buông bỏ chức vị của bạn, không luận bạn từ một ngành nghề nào, nghề nghiệp nào, nếu bạn học Phật pháp rồi đều có thể buông xả.