/ 374
1.137

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 119

18. Nguyện thứ mười tám, “MƯỜI NIỆM ẮT SANH NGUYỆN”

Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo, sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng, nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm, nhược bất sanh giã, bất thủ chánh giác, duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp”.

Phía trước đã nói qua với các vị về “chư Phật tán thán”. Chỉ có chư Phật tán thán mới có thể khiến cho tất cả chúng sanh mười phương thế giới biết được có Thế giới Cực Lạc, biết được có A Di Đà Phật, biết được có pháp môn niệm Phật ắt sanh Tịnh Độ thù thắng. Tất cả chư Phật vì sao tán thán A Di Đà Phật, vì tất cả chúng sanh tuyên giảng “Kinh Vãng Sanh”? Như Thích Ca Mâu Ni Phật chuyên môn vì chúng ta giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc, Ngài giảng ra ba bộ Kinh là “Kinh Vô Lượng Thọ”, “Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật”, “Kinh A Di Đà”, chúng ta gọi là Tịnh Độ Ba Kinh. Do đây có thể biết, ba bộ Kinh này là mười phương ba đời tất cả chư Phật xuất hiện ở thế gian nhất định sẽ tuyên giảng. Vì sao vậy? Phía trước nguyện thứ mười bảy nói với chúng ta, nếu như có một vị Phật xuất hiện ở thế gian mà không giảng ba bộ Kinh này thì Pháp Tạng thệ không thành Phật. Hiện nay Pháp Tạng thành Phật đã mười kiếp rồi. Do đây có thể biết, không có một vị Phật nào mà không giảng ba bộ Kinh này.

Phật nói tất cả Kinh không phải Phật chính mình tự nói, cũng không phải Phật muốn giảng, mà Phật nói Kinh đều là ứng cơ nói pháp, như Thế Tôn ở trên Kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”, cho nên tùy loại hóa thân, ứng cơ nói pháp. Thế nhưng ba bộ Kinh này không có tình riêng Phật cũng nói, đây là đạo lý gì vậy? Tất cả chúng sanh, không luận là thượng căn, trung căn, hạ căn, Bồ Tát cũng tốt, Thanh Văn cũng tốt, chúng sanh sáu cõi cũng tốt, cho dù là chúng sanh A Tỳ Địa ngục, đều là bình đẳng khế cơ với pháp môn này. Đây là chỗ không thể nghĩ bàn. Pháp môn này là pháp bình đẳng. Tất cả chúng sanh tuy căn tánh không giống nhau, thế nhưng y theo pháp môn này thì bình đẳng được độ, cho nên pháp môn này là thù thắng không gì bằng.

Người xưa đã từng nói với chúng ta (trong mấy câu này, có mấy việc rất là quan trọng), tất cả chư Phật, không có vị Phật nào mà không niệm “A Di Đà Phật”. Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong bổn Kinh nhỏ nói với chúng ta, Ngài là niệm Phật thành Phật. Chúng ta đọc Kinh Di Đà đều lơ là đi sự việc này. Nếu không có Đại Sư Ngẫu Ích ở trong “Yếu Giải” vì chúng ta chỉ ra, chúng ta đọc “Kinh Di Đà” cả đời cũng không thể phát hiện ra được Thích Ca Mâu Ni Phật là niệm “A Di Đà Phật” thành Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật như vậy, tất cả chư Phật nghĩ ra cũng là như vậy. Việc nghĩ ra này không sai, quả nhiên như vậy, chính là chư Phật đều niệm “A Di Đà Phật”. Chúng ta rất khó tin tưởng. Nếu như từ trên lý mà nói thì còn có thể nói được thông. A Di Đà Phật là ý nghĩa gì? Bốn chữ này hoàn toàn là tiếng Phạn, dịch thành ý Trung văn là “Vô Lượng Giác”, cho nên từ nơi ý này mà nói, vậy thì quyết định không có vấn đề. Các vị nghĩ xem, có vị Phật nào không phải là vô lượng giác? Do đây có thể biết, vô lượng giác là tên chung của tất cả chư Phật Như Lai. Thế giới Tây Phương, Bồ Tát Pháp Tạng thành Phật, Ngài đã dùng danh hiệu này, cho nên trong danh hiệu này có lý, có sự. Lý như vậy, sự cũng không ngoại lệ. Đây là pháp môn không thể nghĩ bàn.

Ngoài ra còn có một sự việc chúng ta cần phải nên biết, tất cả chư Phật đều niệm người niệm danh hiệu A Di Đà Phật. Sự việc này chúng ta làm sao có thể biết được? Trong tiểu bổn “Kinh A Di Đà”, ngay trong sáu phương Phật tán thán chúng ta thấy được, không luận ở một thế giới nào, một loại chúng sanh nào, chỉ cần niệm A Di Đà Phật liền được tất cả chư Phật hộ niệm. Các vị nghĩ lại xem, công đức này đến bao lớn? Bạn niệm các danh hiệu Phật Bồ Tát khác, hoặc giả bạn niệm tất cả thần chú, bạn đọc tất cả Kinh điển, có thể đạt được một vị Phật, hai vị Phật, ba, bốn, năm vị Phật hộ niệm bạn, nhất định không thể nào được tất cả chư Phật hộ niệm. Chỉ riêng niệm danh hiệu của A Di Đà Phật thì có thể được tất cả chư Phật hộ niệm. Những lý cùng sự này chúng ta đều phải biết. Sau khi biết rồi, bạn thọ trì bộ Kinh này, tu học pháp môn này, tín tâm mới chân thật kiên định; không luận sức mạnh nào mê hoặc bạn, uy hiếp bạn, bạn đều sẽ không dao động, bạn cũng sẽ không khiếp sợ. Vì sao vậy? Có chư Phật hộ niệm. Có chư Phật hộ niệm, bạn liền sẽ liên tưởng đến vô lượng Bồ Tát, vô lượng thiên thần chắc chắn hộ trì bạn. Đây đều là sự thật.

/ 374