PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 118
Từ đó cho thấy, thế gian không có người hộ pháp thì chánh pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật không thể trụ thế, nền giáo học của nhà Phật sẽ không thể đẩy mạnh. Trong hư không pháp giới, nếu như không có chư Phật Như Lai hộ trì Phật A Di Đà, thì pháp môn niệm Phật thù thắng, hoàn cảnh tu học hoàn bị nhất của thế giới Cực Lạc cũng không có người biết đến, 48 nguyện của Phật A Di Đà toàn bộ bị tan vỡ. Ngài ngày nay thật sự thành tựu, quả thật mà nói, là dựa vào một nguyện này. Tất cả chư Phật Như Lai đều là hộ pháp của Phật A Di Đà, tất cả chư Phật Như Lai, không có vị nào mà không tán thán Phật A Di Đà. Kinh văn phía sau bản kinh nói rất hay, Thích Ca Mâu Ni Phật đại biểu tất cả Như Lai, tán thán Phật A Di Đà là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”. Tán thán đến cực điểm! Chúng ta ngày nay tu học pháp môn này, làm đệ tử Di Đà, bạn nên biết là có biết bao nhiêu người đố kị, biết bao nhiêu người phá hoại, biết bao người gây phiền phức. Bạn biết rồi thì không nên bận tâm, biết rồi sẽ không bị họ phá hoại nữa. Những người phá hoại là những người nào vậy? Có hai loại người.
Một loại là con cháu của ma, là ma tử ma tôn, đây là ở trong kinh Thích Ca Mâu Ni Phật nói cho chúng ta biết. Năm xưa khi Phật Đà còn tại thế, vua ma Ba Tuần cũng thường hay nghe kinh thuyết pháp. Phật giảng kinh 49 năm xong, ma vương yêu cầu Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ sớm hơn một thời gian, nói với Phật là Ngài giảng kinh đủ nhiều rồi, được rồi, không nên giảng thêm nữa. Phật rất từ bi, gật đầu: “Được, ta đồng ý”. Phật đều hằng thuận chúng sanh, ma đến khải thỉnh cũng hằng thuận. Ma đối với Phật pháp rất đố kỵ. Ba Tuần nói, ta phải nghĩ cách phá hoại Phật pháp. Thế Tôn mỉm cười, Pháp này của ta là chánh pháp, là từ trong tâm tánh của tất cả chúng sanh lưu xuất ra, bất kỳ người nào cũng không thể phá hoại được. Ba Tuần bèn nói: “Đợi khi pháp vận của ông đến thời kỳ Mạt Pháp, ta sai ma con, ma cháu của ta thảy đều xuất gia, khoác áo Cà Sa để diệt Phật pháp của ông”. Thời kỳ Chánh Pháp và Tượng Pháp thì chúng sanh thiện căn sâu dày, hay nói cách khác, họ có năng lực biện biệt chân vọng, tà chánh, nên ma không thể lợi dụng. Thời kỳ Mạt Pháp căn tánh chúng sanh dần dần ngày càng kém, không có năng lực biện biệt đúng sai, không có năng lực biện biệt thiện ác, đương nhiên càng không có năng lực biện biệt thật giả. Thích Ca Mâu Ni Phật nghe xong, chẳng nói một câu nào, chỉ biết rơi lệ. Thái độ này của Phật biểu thị ý gì vậy? Thương xót cho tất cả chúng sanh vô tri thời Mạt Pháp. Cho nên, kẻ làm chướng ngại cho pháp môn này là ma con, ma cháu. Chúng ta hiểu rất rõ, chúng ta gặp rồi thì nên đối với họ kính mà không gần. “Anh làm sao chướng ngại được tôi, chỉ cần tín tâm của tôi bất động thì anh đành chịu thôi. Tôi không thể mắc bẫy của anh, không bị anh gạt được. Anh đến khuyên tôi học theo pháp môn này, học theo pháp môn nọ, pháp môn này có thần thông, pháp môn kia có cảm ứng, hết thảy tôi đều mặc kệ”, ma không thể lợi dụng được.
Loại phá hoại thứ hai đó là vô tri, người thật sự không có thiện căn, dạng người ba phải. Loại người này ở thế gian cũng không ít. Chúng ta cũng nên thương xót họ, không nên quở trách họ. Tại sao vậy? Tôi thường hay nói, nếu như truy cứu nguyên nhân gốc rễ của nó, đều là do bản thân chúng ta làm chưa tốt, chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm của một người đệ tử, cho nên mới có những hiện tượng này xuất hiện. Xã hội đại chúng đối với Phật giáo có những sự hiểu lầm này, hiểu lầm rất sâu, nguyên nhân gì vậy? Chúng ta không có thường xuyên giảng kinh thuyết pháp, chưa đem những nội dung chân chánh của Phật giáo nói ra để mọi người biết, cho nên người ta nói chúng ta mê tín, chúng ta làm sao trách người ta được? Quay lại thử suy nghĩ xem bản thân mình, bản thân chúng ta chưa có y giáo phụng hành, chưa có thật sự làm. Người ta đối với chúng ta có biết bao nhiêu lời phê bình không tốt, lời của họ cũng không phải là sai. Cho nên, chúng ta sau khi nghe rồi phải soi lại, phải kiểm điểm, phải thật sự nỗ lực sửa chữa lỗi lầm.