/ 374
640

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 117

Nguyện thứ mười bảy: “CHƯ PHẬT XƯNG THÁN NGUYỆN”

Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, thập phương thế giới vô lượng sát trung, vô số chư Phật, nhược bất cộng xưng thán ngã danh, thuyết ngã công đức, quốc thổ chi thiện giả, bất thủ chánh giác”.

Đây là chương thứ chín của đại nguyện, là nguyện thứ mười bảy trong bốn mươi tám nguyện: “Chư Phật xưng thán nguyện”. Phần trước đã báo cáo qua với quí vị rồi, 48 nguyện Di Đà, từ nguyện thứ mười lăm là “Thọ mạng vô lượng”, “Thanh Văn vô số”, “Chư Phật xưng thán” cho đến “Thập niệm tất sanh” đều là phần thù thắng nhất, quan trọng nhất ở trong 48 nguyện, đặc biệt là nguyện này. Cổ đức nói cho chúng ta biết, nếu như không có nguyện này thì tâm nguyện của Phật A Di Đà lớn bao nhiêu cũng không thể viên mãn. Cho dù xây dựng thế giới Cực Lạc viên mãn, để dành cho người niệm Phật mười phương làm đạo tràng tiến tu, nhưng có ai biết? Nếu như không có người biết, chúng ta cũng sẽ không phát tâm muốn đi đến thế giới Cực Lạc. Sự việc này nhất định cần tất cả chư Phật Bồ Tát vì mọi người chúng ta giới thiệu, gửi gắm, chúng ta mới biết có một vị Phật A Di Đà, biết có một thế giới Cực Lạc. Cho nên, nguyện này là thù thắng hơn hết, hơn nữa, không có nguyện này không được. Chúng ta cũng có thể xem nguyện này như là A Di Đà Như Lai ở trong pháp giới đã lập một ngôi trường đại học Phật giáo, đã lập một thôn Di Đà với quy mô vĩ đại. Thế giới Cực Lạc chính là thôn Di Đà lớn, nhất định cần tất cả chư Phật Như Lai mười phương ba đời cùng nhau giúp Phật A Di Đà chiêu sinh, chúng sanh trong thế giới mười phương mới biết có một nơi chốn như vậy. Nơi này là nơi mà tất cả chư Phật đều tán thán.

Chúng ta học Phật với mục đích là gì? Chư Phật Như Lai giáo hóa chúng sanh với mục đích gì? Chúng ta cần phải hiểu rõ, cần phải sáng tỏ. Sao gọi là Phật? Nếu như học Phật mà ngay cả vì sao gọi là Phật, vì sao gọi là Bồ Tát đều hiểu không rõ ràng, như vậy làm sao có thể nói là không mê tín chứ? Danh từ Phật, Bồ Tát này là tiếng Ấn Độ, Đại sư dịch kinh cổ đại vẫn giữ nguyên âm gốc của tiếng Phạn, dùng âm dịch. Điều này ở trong quy tắc dịch kinh thuộc vào loại “Tôn trọng không dịch”. Không phải không dịch được, mà là tôn trọng đối với cách xưng hô này nên dùng âm gốc của nó. Ý nghĩa tương đồng với thánh nhân, hiền nhân mà người Trung Quốc gọi. Phật là thánh nhân, Bồ Tát là hiền nhân. Vì sao gọi là thánh? Ở trong từ điển Trung Quốc giải thích, đối với lý sự, nhân quả của vũ trụ nhân sinh thông đạt hiểu rõ thì người này được gọi là thánh nhân. Người học tập theo thánh nhân, làm học trò của thánh nhân, một lòng một dạ muốn học thánh nhân thì người này được gọi là hiền nhân. Ở trong Phật pháp, ở trong kinh điển giải thích, “Phật” phiên dịch là bậc trí, bậc giác. Trí là trí tuệ. Trí tuệ đạt đến cứu cánh viên mãn, đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không có gì không giác ngộ (giác ngộ tức là không mê hoặc), thảy đều giác ngộ, thảy đều sáng tỏ thì người này chúng ta tôn xưng họ là Phật Đà. Học Phật Đà, làm đệ tử của Phật Đà, một lòng một dạ tu học, cầu trí tuệ, cầu giác ngộ, người như vậy được tôn xưng là Bồ Tát. Vì vậy, chúng ta không nên xem và ứng xử với Phật Bồ Tát như thần tiên, vậy là sai rồi! Thần tiên so với Phật Bồ Tát còn phải ở dưới một cấp.

Thần có thiên thần, chúng ta xem thấy trong kinh Phật, thiên thần Sắc Giới, thiên thần Vô Sắc Giới, ở trong đây gồm cả Đại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương, họ thống lĩnh tam thiên đại thiên thế giới, họ vẫn là học trò của Phật, vẫn là học trò của Bồ Tát, là học trò tại gia của Phật Bồ Tát, phát nguyện hộ trì Phật pháp. Đây là điều chúng ta phải nhận biết rõ ràng. Phật Bồ Tát không phải thần tiên. Chúng ta không nên học làm thần tiên, học làm thần tiên là hỏng rồi, vẫn phải ở trong lục đạo luân hồi, chưa thể ra khỏi được. Chúng ta phải học chư Phật Bồ Tát, trí tuệ chân thật, trí tuệ vô lượng, vậy là đúng rồi. Chỉ có trí tuệ mới có thể giải quyết được vấn đề.

/ 374