PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 116
Người hiện đại nếu như trải qua đời sống giống như chúng tôi ngày trước, thì nhất định sẽ cảm thấy thật là không được vệ sinh, tổn hại sức khỏe. Chúng tôi vào lúc đó không hề nghe qua cách nói này, ngày tháng qua được cũng tốt, lâu ngày cũng quen. Thế nhưng vào thời đại ngày nay, người trải qua ngày tháng khổ như vậy không phải không có, không chừng còn rất nhiều. Chúng ta hưởng một chút phước báo, đương nhiên là trong đời quá khứ tu được, thế nhưng phước báo này hưởng sẽ hết, không phải vĩnh viễn hưởng không hết, mà rất dễ dàng hưởng hết, nhất là sanh ra ở trong phước không biết phước, không biết được tu phước, không biết được tích phước, cho nên phước báo này rất nhanh sẽ hưởng hết. Sau khi hưởng hết rồi thì làm thế nào? Cho dù có tuổi thọ mà phước không còn, tuổi thọ rất dài nhưng không có cơm ăn, đói chết, bạn nói xem có oan uổng hay không? Đói chết, lạnh chết, tuy có tuổi thọ vẫn là phải chết. Đây là người xưa nói: “Lộc tận nhân vong”. Lộc chính là bạn hưởng thụ, bạn đã hưởng tận hết rồi, tuổi thọ tuy là rất dài, thế nhưng vẫn là phải chết. Trái lại, người tuổi thọ ngắn, nhưng cả đời họ chịu tích phước, chịu tu phước, thọ mạng đến rồi mà phước lộc của họ vẫn chưa hết, vẫn còn rất nhiều, loại người này luôn luôn kéo dài tuổi thọ, họ chưa hưởng hết. Thí dụ nói họ có phước báo 60 năm, nhưng họ rất là tích phước, rất là tiết kiệm, thời gian 60 tuổi thọ mạng đến rồi nhưng phước dư của họ rất nhiều, thì tuổi thọ tự nhiên kéo dài thêm mười năm, kéo dài hai mươi năm, kéo dài ba mươi năm. Đây là định luật của nhân duyên quả báo, là chân lý, là chân tướng sự thật.
Chúng ta có cần trường thọ hay không? Cần! Tại vì sao cần trường thọ? Chúng ta có thêm nhiều thời gian để tu học. Thời gian ngắn ngủi, đạo nghiệp của chúng ta không thành tựu. Nếu như thời gian dài, cho dù đạo nghiệp của chúng ta có thành tựu, bạn niệm Phật đến công phu thành khối, đích thực có tư cách vãng sanh. Thế nhưng trên Kinh Phật nói được rất hay, Thế giới Ta Bà tu hành một ngày một đêm bằng Thế giới Cực Lạc tu hành 100 năm. Giả như chúng ta ở Thế giới Ta Bà tuổi thọ dài một chút, có thêm được thời gian mấy năm, chúng ta từ công phu thành khối tu đến sự nhất tâm bất loạn, sanh đến Thế giới Cực Lạc chẳng phải là được đại tiện lợi hay sao? Chúng ta sẽ sanh cõi Phương Tiện Hữu Dư. Nếu như tuổi thọ dài thêm một chút nữa, chúng ta có thể tu đến lý nhất tâm bất loạn, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Cho nên người chân thật giác ngộ, người chân thật tường tận, ở Thế giới Ta Bà không tranh thủ các thứ khác, chỉ tranh thủ thời gian, bởi vì thời gian của Thế giới Ta Bà quá bảo quý. Bảo quý ở chỗ nào vậy? Cũng không phải không có đạo lý, Thế giới Ta Bà tiến bộ rất khó, thoái chuyển rất nhanh, tình hình Thế giới Tây Phương Cực Lạc hoàn toàn tương phản với chúng ta ở đây, họ ở nơi đó không có thoái chuyển, thế nhưng tiến bộ rất chậm, không như nơi đây. Ở nơi đây có đại tiến, đại thoái, họ ở nơi đó không thoái, thế nhưng tiến rất là chậm, không cách gì nâng lên trên cao mức độ lớn, ở nơi đây có thể nâng lên trên cao ở mức độ lớn. Cho nên xét về duyên này thì ở Thế giới Ta Bà tốt hơn Thế giới Cực Lạc. Bất cứ thế giới nào đều có chỗ tốt, đều có khuyết điểm. Chúng ta đem ưu điểm của Thế giới Ta Bà nắm giữ lấy, bắt lấy, khuyết điểm thì hoàn toàn xả bỏ hết, chúng ta liền có thể được đại thành tựu. Ở thế gian này chúng ta tu hành, người trong một đời có thể đạt đến lý nhất tâm bất loạn không phải là không có. Tông Môn chi sĩ đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh, cùng với lý nhất tâm bất loạn của Tịnh Độ tông hoàn toàn giống nhau.
Minh tâm kiến tánh là gì? Những danh từ này làm cho chúng ta mơ mơ hồ hồ, không có một khái niệm rõ ràng. Minh tâm kiến tánh, đổi một danh từ chính là dùng chân tâm, không còn dùng vọng tâm. Tâm tánh là chân tâm. Bạn có thể dùng tâm thuần chân thì sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Vọng tâm là gì? Ý niệm tự tư tự lợi chính là vọng tâm. Nếu như chúng ta vẫn làm không rõ ràng, hoặc giả là pháp sư cũng là phàm phu, cũng có phiền não, lời của pháp sư chúng tôi chưa chắc tin tưởng, vậy lấy lời của Phật nói. Trên “Kinh Kim Cang” có một tiêu chuẩn, đó là người dùng chân tâm lìa bốn tướng, người lìa bốn tướng chính là người dùng chân tâm. Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, con người này đang niệm Phật là lý nhất tâm bất loạn, ở trong Tông môn gọi là đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh.