/ 374
853

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 115

15. Nguyện thứ mười lăm, “THỌ MẠNG VÔ LƯỢNG NGUYỆN”

Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, thọ mạng vô lượng, quốc trung Thanh Văn, Thiên Nhân vô số thọ mạng diệc giai vô lượng”.

16. Nguyện thứ mười sáu, “THANH VĂN VÔ SỐ NGUYỆN”

Kinh văn: “Giả linh tam thiên đại thiên thế giới chúng sanh, tất thành duyên giác, ư bách thiên kiếp, tất cộng kế hiệu, nhược năng tri kỳ lượng số giả bất thủ chánh giác”.

Trong chương này có hai nguyện. Hai nguyện này nguyện văn đều rất rõ ràng, nói rõ thọ mạng của Phật vô lượng. Thế Tôn ở trong Kinh Đại Thừa thường hay nói đến Phật có ba thân, pháp thân vô thỉ vô chung, đây là chân thật vô lượng thọ; báo thân hữu thỉ vô chung, đây cũng là vô lượng thọ; ứng hóa thân là hữu thỉ hữu chung, thời gian dài ngắn không như nhau, tùy thuộc vào cảm ứng của chúng sanh, cho nên ứng hóa thân là chúng sanh có cảm, Phật liền có ứng. Phật trụ thế thời gian dài ngắn hoàn toàn là do nghiệp lực của chúng sanh. Chúng sanh hiếu học, thời gian Phật trụ thế dài; chúng sanh không hiếu học, Phật trụ thế thời gian ngắn. Cho nên, thời gian ứng hóa thân là phải xem chúng sanh cùng duyên phận với Phật mà định.

Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa thị hiện ở thế gian này của chúng ta, trụ thế 80 năm, Thế Tôn Ngài 80 tuổi viên tịch. Chúng ta xem “Kinh Vô Lượng Thọ”, Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu, quá khứ Thế Gian Tự Tại Vương Phật Ngài giáo hóa chúng sanh 42 kiếp, có thể thấy thời gian trụ thế rất dài. Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa chúng sanh 49 năm, Thế Gian Tự Tại Vương Phật giáo hóa chúng sanh 42 kiếp, thời gian dài ngắn cách biệt thật là quá lớn, chúng ta ở trên Kinh cũng có thể thấy ra được. Thế Gian Tự Tại Vương xuất thế, chúng sanh vào thời đại đó hiếu học. Thực tế mà nói, 42 kiếp không dài, sanh cõi Trời Vô Sắc Giới, tuổi thọ dài nhất là tám vạn đại kiếp, 42 kiếp có tính vào đâu? Chúng sanh tạo nghiệp đọa vào trong địa ngục, đoản mạng thì cũng sắp gần mười ngàn kiếp. Cho nên chúng ta từ cõi trời, từ trong sáu cõi mà quán sát, thời gian của 42 kiếp không dài, thế nhưng đối với chúng ta mà nói đã là số tự thiên văn rồi, không thể nghĩ bàn. Do đây có thể biết, chúng ta không thể không hiếu học, không hiếu học thì thánh hiền đều diệt độ. Chỉ có hiếu học mới có thể cảm ứng thánh hiền đến trụ thế.

Thánh hiền trụ thế giúp chúng ta thành tựu. Bồ Tát Pháp Tạng là Thế Nhiêu Vương, sau khi xuất gia thành tựu. Trước khi xuất gia, Ngài là một vị Bồ Tát tại gia, hộ trì Phật pháp, hành Bồ Tát đạo, dùng thiện pháp giáo hóa nhân dân, biểu thị giáo huấn tất cả chúng sanh hiếu thân tôn sư. Mọi người chúng ta đều biết, sư đạo là xây dựng ở trên nền tảng của hiếu đạo. Trên Kinh điển không có ghi chép văn tự Thế Nhiêu Vương hiếu thân, thế nhưng có ghi chép những văn tự Ngài tôn sư trọng đạo. Ngài có thể tôn sư trọng đạo thì quyết định có thể hiếu thuận cha mẹ. Sư đạo cùng hiếu đạo từ xưa đến nay là một, không phải là hai. Ngài nỗ lực hiếu học, có đại chí nguyện, vì hư không pháp giới tất cả chúng sanh phục vụ.

Chúng ta ở trong Kinh văn này phải học tập như thế nào thì chính mình phải nên biết. Bốn mươi tám nguyện là báo cáo cụ thể tu học của Ngài. Ngài đã học, Ngài đã tu, Ngài đã thành tựu. Làm thế nào để thành tựu chính mình? Làm thế nào để giúp người khác? Ngay trong nguyện này chúng ta thấy được rõ ràng, câu thứ nhất, Ngài nói (đây là Ngài nói chính mình): Ngã tác Phật thời, thọ mạng vô lượng. Đại đức xưa có rất nhiều cách nói, “thọ mạng” này là báo thân hay là ứng hóa thân? Sách Phật xem nhiều rồi, tự nhiên liền có thể thể hội. Nếu như nói là pháp thân, báo thân, thọ mạng vô lượng thì không có ý nghĩa, vì sao vậy? Vốn dĩ là vô lượng, có gì để đáng nói đâu. Nếu như nói là ứng thân thọ mạng vô lượng, ý nghĩa này thì dài, thọ mạng của Thế Gian Tự Tại Vương quyết không chỉ 42 kiếp, Ngài giảng Kinh nói pháp 42 kiếp, chí ít chúng ta cũng đem nó thêm một lần. Thích Ca Mâu Ni Phật giảng Kinh nói pháp 49 năm, Ngài trụ thế quyết không chỉ 49 năm, vào thời gian đó, thọ mạng ứng hóa của Thích Ca Mâu Ni Phật phải nên là 100 năm, khi con người thọ 100 tuổi.

Thế Tôn xuất hiện ở thế gian này, tại vì sao khi 80 tuổi thì viên tịch? Hóa duyên hết rồi, cũng chính là nói, chúng sanh căn tánh chín muồi đã thành tựu; chúng sanh căn tánh chưa chín cũng giúp cho họ thêm lớn; người không có thiện căn cũng giúp họ trồng thiện căn. Thích Ca Mâu Ni Phật đến nơi đây làm việc, khi làm xong việc rồi thì đi sớm hơn. Sở dĩ Ngài có thể đi sớm hơn, là do công việc của Ngài đã làm được rất nghiêm túc, rất nỗ lực, tiến độ sớm hơn, được nhanh hơn. Đây là một nguyên nhân. Nguyên nhân thứ hai, ma vương Ba Tuần yêu cầu đối với Ngài. Phật rất từ bi, ma vương Ba Tuần muốn Ngài sớm vào Niết Bàn một chút, Thích Ca Mâu Ni Phật đáp ứng họ. Phật quyết định không có vọng ngữ, lời nói thì nhất định thực hiện. Ma khải thỉnh. Thế nhưng Thế Tôn sau cùng vẫn còn phước báo của 20 năm. Phước báo của Phật quá to quá lớn, phước báo của 20 năm này chính là cho chúng xuất gia Thời kỳ Chánh Pháp, Tượng Pháp, Mạt Pháp, phải nên có được một phần cúng dường, nhà Phật gọi là tứ sự cúng dường. Ngày nay chúng ta hưởng thụ là phước dư của Phật. Phước dư lớn đến như vậy, cho nên Phật là “phước - huệ nhị túc tôn”, làm sao chúng ta có thể không tin tưởng?

/ 374