PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 114
Ngay trong hoằng nguyện của Pháp Tạng, quang minh, thọ mạng vô lượng là vì pháp giới chúng sanh mà phát ra hoằng nguyện, hay nói cách khác, dùng nguyện này gia trì hư không pháp giới tất cả chúng sanh khổ nạn. Dùng lời hiện tại chúng ta mà nói, chánh pháp cửu trụ phải dựa vào nguyện lực này. Nguyện lực này phải thực tiễn như thế nào? Thế Tôn nói ở trong “Kinh Đại Tập”, sau khi chúng ta đọc rồi liền bỗng nhiên hiểu ra. Thế Tôn nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu”, chẳng phải là thực tiễn hai nguyện Quang - Thọ của A Di Đà Phật hay sao? Bản Kinh cùng trong “Pháp Diệt Tận Kinh” nói (đây là tiên đoán của Thế Tôn), tương lai pháp vận của Thế Tôn tổng cộng một vạn hai ngàn năm; sau một vạn hai ngàn năm, Phật pháp ở thế gian này bị tiêu diệt, vậy thì chúng sanh khổ nạn nhiều, bao gồm tất cả Kinh giáo đều bị tiêu diệt, “Kinh Vô Lượng Thọ” vẫn còn có thể ở thế gian thêm 100 năm. Đây chẳng phải là hiển thị quang thọ của A Di Đà Phật đại nguyện ở nơi đây duy trì hay sao? Điều này rất là hiển nhiên. Một trăm năm sau cùng, căn tánh của chúng sanh càng lúc càng yếu kém, “Kinh Vô Lượng Thọ” cũng tiêu mất, thế nhưng sáu chữ hồng danh vẫn trụ ở đời một khoảng thời gian dài. Khi Kinh giáo không còn, vẫn còn một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Chỉ cần chúng sanh gặp được câu Phật hiệu này, chịu niệm một câu “A Di Đà Phật” đều trồng được thiện căn, đều được độ. Người xưa nói lời nói này không sai, là có căn cứ. Hoằng nguyện là vì tất cả chúng sanh mà phát ra, tu hành là vì tất cả chúng sanh mà làm mô phạm, tác sư tác phạm. Chúng ta làm đệ tử Phật, phải có thể thể hội Phật Tổ, thể hội thâm tâm của lão sư, người thế gian chúng ta gọi là hết lời khuyên bảo, chúng ta phải có thể thể hội được. Chân thật thể hội được rồi thì phải chăm chỉ nỗ lực học tập.
Chúng ta phải nên phát ra tâm nguyện giống như Phật Bồ Tát, vì sao vậy? Vì đó là bổn nguyện, hay nói cách khác, Phật phát ra những nguyện này là tự tánh của chúng ta vốn sẵn đầy đủ, cho nên gọi là bổn nguyện. Chúng ta chưa kiến tánh, sau khi kiến tánh thì ra trong tự tánh vốn sẵn đầy đủ, tất cả đều là hiện thành. Ngày nay chúng ta mê mất đi tự tánh, mê mất đi căn bản, mê mất đi bản nguyện. Phật Bồ Tát ngày nay từ bi dạy bảo chúng ta, hoán tỉnh chúng ta, khiến cho chúng ta chân thật giác ngộ, thì ra tất cả đều là trong tâm tánh chính mình vốn sẵn đầy đủ. Học Phật không gì khác, chỉ là hồi phục bản năng của chính mình mà thôi. Thiền tông thường nói: “Phụ mẫu vị sanh tiền bổn lai diện mục” Học Phật không ngoài đem bổn lai diện mục chính mình hồi phục lại. Bổn lai diện mục đó chính là hư không pháp giới tất cả chúng sanh vốn dĩ là chính mình, vốn dĩ là một thể. Sự việc chính là như vậy. Cho nên không luận làm ra bất cứ thị hiện gì, trong Đại Kinh chúng ta thường đọc được, Phật Bồ Tát đại từ đại bi vì tất cả chúng sanh tùy loại hóa độ, ứng cơ nói pháp, cho dù là ở đường nào, thân phận thị hiện không hề nói vì chính mình, mà là vì chúng sanh thị hiện. Học giáo, giảng Kinh, nói pháp cũng không phải vì chính mình, mà vì tất cả chúng sanh diễn thuyết. Mỗi niệm đều là vì chúng sanh, sau đó quay đầu lại nói với chúng ta, vì chúng sanh mới là chân thật vì chính mình, hay nói cách khác, vì chính mình là chân thật hại chính mình. Đạo lý này có mấy người hiểu? Người học Phật chúng ta dần dần thể hội được đạo lý này. Vì chính mình là tăng thêm ngã chấp, tăng thêm xan tham, tăng thêm vô minh, đó chẳng phải hại chính mình hay sao? Vì chúng sanh mới là chân thật vì chính mình, vì chúng sanh bạn mới có thể buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều là vì chính mình. Vì chúng sanh mới có thể đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông bỏ, vì tất cả chúng sanh thì sáu loại chướng ngại lớn mới chân thật có thể phá trừ. Xan tham là chướng ngại, bố thí có thể phá trừ xan tham; ác nghiệp là chướng ngại, trì giới có thể đoạn trừ; sân hận là chướng ngại, nhẫn nhục có thể phá trừ; giải đãi là chướng ngại, tinh tấn có thể phá trừ; tán loạn là chướng ngại, thiền định có thể phá trừ; ngu si là chướng ngại, Bát Nhã có thể phá trừ.
Phật dạy cho chúng ta sáu nguyên tắc tu học để phá trừ sáu loại chướng ngại của chúng ta. Sau khi phá trừ sáu loại chướng ngại thì minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Ngày nay sáu loại chướng ngại này của chúng ta vẫn ở ngay trước mắt, không trừ được thứ nào. Không những không thể trừ, mà sáu loại chướng ngại này ngày ngày đang thêm lớn, vậy thì làm sao được? Cho nên trong tự tánh tuy là vốn đủ vô lượng quang minh, thế mà không lộ ra chút nào, cái lộ ra đều là vọng tưởng, phiền não, chấp trước. Chúng ta sống ở trong đó, nghĩ lại xem đáng thương cỡ nào. Lại nghĩ chư Phật Bồ Tát là sống ngay trong vô lượng quang minh, các Ngài trải qua ngày tháng là sống trong vô lượng trí tuệ. Ngày nay chúng ta trải qua ngày tháng là ngày tháng sống trong vô lượng phiền não, trái ngược hoàn toàn.