547

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 112

Chân thật chuyển đổi lại thì bạn chân thật là người học Phật, bạn không phải là giả học Phật, đích thực bạn là Phật tâm, Phật nguyện, đức của Phật, hạnh của Phật. Cho nên, ngay trong mỗi niệm phải nghĩ đến Phật - thầy của trời người. Ngày nay, tổng đề mục của chúng ta học là "Học vi nhân sư, hành vi thế phạm". Đây chính là Phật Bồ Tát. Chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói việc làm có thể vì xã hội làm ra tấm gương tốt hay không? Có phải là một tấm gương tốt nhất hay không? Lý sự trong chỗ này đều rất sâu, chúng ta phải nên biết, chính mình phải nỗ lực, chịu làm, biết được chính mình phải nên làm bằng cách nào.

Tốt rồi, chương này chúng ta chỉ giảng đến đây thôi, mời xem tiếp chương sau. Chương thứ sáu có một nguyện, đó là nguyện thứ mười hai.

Nguyện thứ mười hai: “ĐỊNH THÀNH CHÁNH GIÁC NGUYỆN”

Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, viễn ly phân biệt, chư căn tịch tịnh, nhược bất quyết định, thành đẳng chánh giác, chứng đại Niết Bàn giả, bất thủ chánh giác".

Khi xưa, tôi đã từng giới thiệu qua nguyện này, đây chính là chứng thư của A Di Đà Phật cho người niệm Phật chúng ta, đoạn này là bảo đảm bạn thành Phật. Bạn thấy pháp môn này thù thắng cỡ nào! Thật không thể nghĩ bàn!

"Định thành chánh giác", chúng ta không thể thành được chánh giác, thực tế mà nói chính là không thể buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chỗ này Ngài nói với chúng ta, "viễn ly phân biệt, chư căn tịch tịnh", đây là được A Di Đà Phật bổn nguyện gia trì, cho nên thành tựu được dễ dàng. Hiện tại chúng ta vẫn chưa được vãng sanh, thế nhưng ngày nay chúng ta đọc kinh này, phát nguyện y theo phương pháp lý luận của kinh điển này mà tu học, thử hỏi xem, chúng ta có được Phật gia trì hay không? Có, Phật chân thật gia trì chúng ta. Đại Thế Chí Bồ Tát trong "Viên Thông Chương" dạy cho chúng ta phương pháp niệm Phật là "gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục". "Chư căn tịch tịnh" chính là gom nhiếp sáu căn, "viễn ly phân biệt" chính là tịnh niệm liên tục. Phật Bồ Tát đem diệu pháp này truyền cho chúng ta, thế nhưng chúng ta không chịu tiếp nhận, không chịu thừa nhận. Người thượng căn, người có duyên sau khi nghe rồi lập tức liền tiếp nhận, lập tức liền thừa nhận, không nên nói đợi đến thế giới Tây Phương Cực Lạc rồi mới "viễn ly phân biệt" mà hiện tại phải viễn ly. "Các căn tịch tịnh", không chỉ ly phân biệt mà vọng tưởng cũng ly, chấp trước cũng ly. , Chúng ta vừa ly phân biệt thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều ly hết. Việc này rất có đạo lý. Nếu như chúng ta có thể lìa khỏi tất cả tâm phân biệt thì thiên hạ thái bình. Không phân biệt, không chấp trước, không hoài nghi thì ở trên đạo Bồ Đề liền thuận buồm xuôi gió. Tại vì sao bạn không thể cùng ở chung với mọi người? Bởi vì phân biệt, từ phân biệt khởi lên chấp trước, do chấp trước mà không thể bao dung nhau, liền xảy ra đấu tranh. Đấu tranh liền tạo tội nghiệp, tội nghiệp chiêu cảm ra là khổ báo của ba đường, đây không phải là tự làm tự chịu hay sao?

Nếu như dùng tâm thanh tịnh để đối đãi, không có phân biệt thì họ không có vọng tưởng, không có chấp trước. Ai làm đến được? Trước khi Phật pháp chưa đến Trung Quốc, có một người làm được rất viên mãn, đó là vua Thuấn, cho nên trong Nhị Thập Tứ Hiếu, vua Thuấn được xếp hàng thứ nhất. Ông là đại hiếu viên mãn, ông hiểu được hiếu, ông hành hiếu, ông tận hiếu, đây là tấm gương tốt nhất của người tu hành chúng ta. Tư cách của Đại Thuấn giống Chư Phật Như Lai. Chúng ta từ trong ghi chép của lịch sử đều biết được, cha mẹ của vua Thuấn, anh em của vua Thuấn là cực đoan bất thiện, thậm chí mỗi giờ mỗi phút đều muốn hại chết ông, thế nhưng ngay trong mắt của Thuấn, cha mẹ của ông, anh em của ông chính là chư Phật Như Lai, thuần thiện, vô ác. Quan niệm này làm sao sanh ra? Từ trong tâm không phân biệt mà sanh ra, ông không có phân biệt, tâm thuần hiếu.

Thuần hiếu chính là thuần là tâm thiện, thuần là tâm yêu thương, thuần là tâm phục vụ. Đại sư Huệ Năng trong Đàn Kinh nói với chúng ta: "Nếu là người chân chính tu hành thì không thấy lỗi thế gian", chính là ý này. Tất cả chúng sanh đều không có lỗi lầm, đích thực không có lỗi lầm, nếu bạn cho rằng họ có lỗi lầm là chính bạn đã thấy sai rồi, đã thấy lệch. Cho nên, bạn phải thật có trí tuệ để quán sát. Họ làm gì có lỗi lầm, những hành vi đó của họ không phải tùy thuận pháp tánh, mà là tùy thuận phiền não. Pháp tánh cùng phiền não là một, không phải hai. Chỗ này trên kinh mọi người thường đọc "phiền não tức Bồ Đề, Bồ Đề tức phiền não". Một niệm giác thì phiền não chính là Bồ Đề, một niệm mê thì Bồ Đề liền thành phiền não. Họ là giác hay là mê đều là thị hiện cho chúng ta xem, là giúp chúng ta, thành tựu chúng ta, như vậy thì họ có lỗi lầm gì chứ? Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, ở trên đạo là đi làm, đây là đạo Bồ Đề chân thật, đây là 53 tham học của kinh Hoa Nghiêm. Thiện Tài Đồng Tử làm được, cho nên Thiện Tài Đồng Tử một đời thành Phật, không cần đợi đến đời thứ hai. Chúng ta phải bắt chước Thiện Tài Đồng Tử, học tập Thiện Tài Đồng Tử, chúng ta ở ngay trong một đời này nhất định thành Phật, vãng sanh thành Phật, không vãng sanh cũng thành Phật. Mỗi câu tôi nói với mọi người đều là chân thật, cho nên ngay hiện tại chúng ta phải làm là "viễn ly phân biệt, chư căn tịch tịnh". Phật ở ngay chỗ này dạy bảo chúng ta, chúng ta phải thật làm. Ngày nay, chúng ta sở dĩ không thể thành Phật là do chỉ đọc, chỉ nghe kinh thôi, đó là trên kinh nói, không liên quan gì với ta, vậy thì không còn cách nào! Chúng ta đọc được, chúng ta nghe, nhất định có quan hệ với chúng ta, ta nghe hiểu rồi, tường tận rồi thì ta nhất định phải làm theo.