PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 109
10. Nguyện thứ mười, “THẦN TÚC THÔNG NGUYỆN”
11. Nguyện thứ mười một, “BIẾN CÚNG CHƯ PHẬT NGUYỆN”
Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, giai đắc thần thông tự tại ba la mật đa, ư nhất niệm khoảnh, bất năng siêu quá, ức na do tha, bách thiên Phật sát châu biến tuần lịch, cúng dường chư Phật giả, bất thủ chánh giác”.
Chương này có hai nguyện là “thần túc thông nguyện và biến cúng chư Phật nguyện”. Hai sự việc này đều là mỗi niệm mong cầu của chúng ta, thế nhưng rất không dễ dàng có được. Trong nguyện văn của A Di Đà Phật khi mở đầu hai nguyện này, chúng ta phải tỉ mỉ mà thấy rõ ràng: “Sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả”. Đây là nói rõ, phàm hễ là người vãng sanh Thế giới Cực Lạc đều có phần, đương nhiên cũng bao gồm chính chúng ta trong đó. Tôi nói lời nói này là người chân thật phát tâm muốn sanh Thế giới Cực Lạc thì họ liền có phần, thế nhưng Thế giới Cực Lạc có thể đi được hay không? Người xưa nói với chúng ta, pháp môn tu này gọi là “vạn người tu vạn người vãng sanh” (đây là Đại Sư Thiện Đạo nói, Đại Sư Vĩnh Minh cũng có cách nói như vậy), thế nhưng vào ngày nay, trên thực tế chúng ta xem thấy một vạn người niệm Phật, chân thật được vãng sanh chỉ có ba đến năm người mà thôi. Việc này do nguyên nhân gì? Chúng ta cần phải tìm ra nguyên nhân, đem nguyên nhân này trừ bỏ đi, thì vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc sẽ không có chướng ngại. Việc này đồng tu chúng ta nhất định phải nỗ lực, phải tỉ mỉ quán sát, bình lặng mà tư duy, phải tư duy nhiều.
Thế gian này của chúng ta khổ, quả báo khổ vẫn đang phía sau, bạn ngay trong một đời nhận quả báo khổ, đồng tu học Phật đều biết được, đây gọi là hoa báo, quả báo quyết định ở ba đường ác. Tình hình của ba đường ác như thế nào? Chúng ta không rõ tình hình của ba đường ác, cho nên không có tâm lo sợ, hay nói cách khác, không sợ đọa địa ngục, việc này thì không còn gì để nói. Không sợ đọa địa ngục, không sợ biến súc sanh, người như vậy thì chư Phật Như Lai đến ngay hiện tại cũng không cứu được họ. Đây là trên Kinh nói “Nhất Xiển Đề”. Nhất Xiển Đề là không có thiện căn, Phật đến khuyên họ, họ đều không tin tưởng, họ đều không thể tiếp nhận, vậy thì không thể cứu. Từ xưa đến nay, các Tổ sư Đại đức gần như không có ai không khuyên người tụng “Kinh Địa Tạng”, học tập “Kinh Địa Tạng”, thực tế mà nói, chính là học tập “Kinh Địa Tạng”. Ngày nay chúng ta chỉ đọc Kinh, người xưa đọc là học tập, hiện tại chúng ta là chuyên đọc không chuyên học, cho nên không có ích lợi gì. Hiện tại, cái niệm này là miệng niệm, chữ niệm này bên trên phải thêm bộ khẩu, có miệng không có tâm. Người xưa “niệm” không có “khẩu”, đó là trong tâm chân thật có, đó gọi là niệm. Hiện tại chữ niệm này trong miệng có, trong lòng không có; người xưa chữ niệm này là trong lòng có, đó gọi là thật niệm. Niệm Phật trong lòng thật có Phật. Thật có chính là thật lòng muốn học tập, học Phật học Bồ Tát thì mới hữu dụng. Chỉ là miệng niệm, không có tâm học tập thì làm sao được? Vì vậy, niệm Phật không thể vãng sanh. Niệm A Di Đà Phật thì phải học A Di Đà Phật. A Di Đà Phật có tâm riêng tư hay không? Không có! A Di Đà Phật có thị phi nhân ngã hay không? A Di Đà Phật có tâm tham-sân-si-mạn hay không? A Di Đà Phật còn có tạo nghiệp hay không? Chúng ta phải ở chỗ này mà tư lượng, mà quán sát, chăm chỉ nỗ lực mà học tập, học giống y như A Di Đà Phật thì làm gì mà không vãng sanh chứ?
Tôi còn sợ Kinh văn quá dài, các vị có không ít người công tác rất bận rộn, không có thời gian đọc tụng, cho nên tôi bèn đem nó giản lược bớt. Trong “Khóa Tụng Sáng Tối” của Tịnh Độ, khóa tụng buổi sáng tôi chọn phẩm thứ sáu - Bốn Mươi Tám Nguyện. Mục đích của đọc tụng là gì vậy? Hy vọng mình phát tâm giống như Phật A Di Đà, phát nguyện giống như Phật A Di Đà, tâm giống Phật, nguyện giống Phật, mục đích là ở chỗ này. Khóa tối cũng đã chọn ra một đoạn “Kinh Vô Lượng Thọ” từ phẩm 32 đến phẩm 37. Nội dung của đoạn Kinh văn này là ngũ giới thập thiện. Tổ sư Đại đức dạy chúng ta trì giới niệm Phật. Hạnh của chúng ta đồng Phật, đó là hành vi của Phật, cho nên đặc biệt chọn ra hai đoạn Kinh văn này để đọc tụng sáng tối. Đặc biệt là khóa tối, đọc đoạn Kinh văn này phải kiểm điểm lại chính mình, soi xét lại bản thân. Ở trong Kinh Phật dạy chúng ta làm, chúng ta đã làm được hay chưa? Ở trong Kinh Phật bảo với chúng ta những việc không nên làm, chúng ta có vi phạm hay không? Có thì phải sửa, không thì cố gắng, như vậy thì mỗi ngày mới có tiến bộ. Phật dạy bảo chúng ta làm mà chúng ta không chịu làm, Phật dạy bảo chúng ta không nên làm mà chúng ta lại cứ làm, loại người này cho dù mỗi ngày niệm trăm ngàn Phật hiệu vẫn cứ phải bị đọa địa ngục A Tỳ. Lời nói này là thật, không hề giả dối, cũng không phải do tôi nói.