PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 108
Câu thứ tư là “Y trí bất y thức”.
Câu này là nhằm vào xã hội hiện nay của chúng ta, cũng tức là nói, người phá hoại chúng ta tu học quá nhiều; người lăng nhục chúng ta, chê bai chúng ta, chà đạp chúng ta đầy dẫy khắp nơi. Cho nên câu nói này của Phật dặn dò chúng ta, chúng ta phải có trí tuệ. Thức là gì vậy? Là làm việc theo tình cảm. Chúng ta phải làm theo lý trí, quyết không làm theo tình cảm. Sao gọi là y trí vậy? Bạn có thể làm theo ba câu phía trước Phật đã nói chính là trí, đi ngược lại ba câu trước là bạn làm việc theo tình cảm. Dù nhiều người đến nói với chúng ta nhưng Phật không có nói như vậy, chúng ta nghe ai đây? Nghe Phật. Có nhiều người nói (là người xuất gia, pháp sư nói) pháp môn này không thể thành tựu, thậm chí còn chê bai kinh này là ngụy tạo, không phải thật, chắc chắn không có thế giới Tây Phương Cực Lạc, nói Phật A Di Đà là thần mặt trời. Có một số đồng tu nghe xong đến hỏi tôi, trong kinh nào nói Phật A Di Đà là thần mặt trời vậy? Tôi nói, tôi không biết, anh hãy đi thỉnh giáo vị pháp sư đó. Vị pháp sư nào nói thì chắc chắn biết, bạn hãy mời ông ấy đem kinh ra cho chúng ta xem chứ còn cách nào khác đâu? Hiện nay tự do ngôn luận, nói năng xằng bậy cũng không phạm pháp. Cho nên, “Y trí bất y thức” này của Phật chúng ta càng nghĩ càng thấy có đạo lý.
Bốn câu này của Ngài là nói nhằm vào đồng tu học Phật của chúng ta hiện nay. Chúng ta có thể lý giải, có thể ghi nhớ, y giáo phụng hành, không bị cảnh duyên bên ngoài làm dao động nữa thì chúng ta mới có khả năng thành tựu. Chỉ có vãng sanh bất thối thành Phật thì chúng ta mới có thể hồi phục tánh đức, mới có thể hồi phục cái mà trong kinh nói rất nhiều là thần thông trí tuệ này, năng lực này chúng ta đều hồi phục rồi.
Điểm khác nhau thứ tư là “Nhanh chậm khác nhau”. Ví dụ, bậc thánh Nhị thừa, Bồ Tát quyền giáo muốn đi thăm hỏi chư Phật Như Lai thì phải mất rất nhiều thời gian mới có thể đến được, vả lại không thể đồng thời thăm hỏi rất nhiều chư Phật Như Lai. Nhưng Phật Bồ Tát một niệm có thể châu biến khắp pháp giới, năng lực này bậc thánh Nhị thừa, Bồ Tát quyền giáo không thể sánh bằng.
Điểm khác nhau thứ năm là “Hư thực khác nhau”. Người Nhị thừa có thể biến hóa, nhưng biến hóa được tương tự mà thôi, không có tác dụng thực tế, còn cái mà Phật Bồ Tát biến hóa ra đều có thực dụng.
Điểm khác nhau thứ sáu và bảy là “Sở tác khác nhau” và “Sở hiện khác nhau”. Chư Phật Bồ Tát có thể đồng thời hiện vô lượng vô biên hình sắc, tức là đồng thời tùy loại hóa sanh, không phải từng cái, từng cái mà là cùng lúc. Vả lại, mỗi thân đã hóa ra này đều có chủ trương của chính Ngài, đều có một biện pháp giáo hóa chúng sanh của chính Ngài, đều có cách thuyết pháp của chính bản thân Ngài, mỗi thân đều khác nhau. Ví dụ nói, cùng ở khu vực này của chúng ta, cùng ở trong Phật giáo, Bồ Tát có thể hóa rất nhiều, rất nhiều thân, biến hóa thành rất nhiều pháp sư, cư sĩ, có người học Tịnh Độ, có người học Thiền, có người học giáo, các Ngài có thể hóa rất nhiều thân, mỗi thân đều khác nhau. Không những là trong cửa Phật các Ngài có thể thị hiện như vậy, mà các Ngài còn thị hiện ngoại đạo, thị hiện những tôn giáo khác, thậm chí còn thị hiện vào các ngành các nghề trong xã hội, nam nữ già trẻ, mỗi người mỗi việc không giống nhau. Điều này Thanh Văn, Duyên Giác làm không được.
Chúng ta đã từng xem thấy ở trong “Cao Tăng truyện”, ở trong “Thần Tăng truyện”, đại khái là thời đại triều Đường, có một vị cao tăng người Tây Vực (tên gì tôi cũng không nhớ, đây là chuyện lúc tôi còn rất trẻ mới học Phật, thích xem những sách này, có một ấn tượng thế này), ông sắp trở về nước. Thời đó, người theo học Phật với ông rất nhiều, nghe thấy lão pháp sư phải về nước, ai cũng muốn cúng dường lão pháp sư (Pháp sư lúc đó không cần tiền, bạn cúng dường phong bì, họ không nhận, cho nên cúng dường bằng cách mời họ ăn cơm). Đến ngày thứ hai, họ tiễn pháp sư đến trạm mười dặm, mỗi người đều vô cùng hoan hỷ, “hôm qua pháp sư rất tôn trọng tôi, đến nhà tôi để ứng cúng”. Người khác nói, “không đúng, hôm qua rõ ràng là Ngài ứng cúng tại nhà tôi”. Sau khi tin này truyền đi thì mới biết vị pháp sư này có khả năng phân thân, cùng lúc nhận sự cúng dường của 500 nhà. Ông có thể phân thân, nhưng 500 thân đều là thân giống nhau, không phải mỗi thân mỗi khác. Bồ Tát có thể hiện các thân khác nhau, ông không làm được, ông chỉ có thể hiện một loại thân, ông không thể biến hiện những thân khác nhau, không thể biến hiện những hình tướng khác nhau. Đây là “Sở hiện khác nhau”, “Sở tác khác nhau”.