PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 105
2. Nguyện thứ hai, “BẤT ĐỌA ÁC THÚ NGUYỆN”
Kinh văn: “Sở hữu nhất thiết chúng sanh, dĩ cập Diệm-ma-la giới, tam ác đạo trung, lai sanh ngã sát, thọ ngã pháp hóa, tất thành A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ Đề, bất phục canh đọa ác thú. Đắc thị nguyện, nãi tác Phật. Bất đắc thị nguyện, bất thủ vô thượng chánh giác”.
Đây là nguyện thứ hai, “Bất đọa ác thú nguyện”. Nguyện này là nối tiếp nguyện trước mà có. Đây là chỗ chân thật thù thắng trang nghiêm của Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Trong nguyện thứ nhất đã nói qua với quí vị là thế gian khổ nhất (đây là nói mười pháp giới) không gì bằng ác đạo. Ác đạo từ đâu mà có vậy? Từ ác nghiệp biến hiện ra. Đúng như Phật thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Đây là tư tưởng vô cùng bất thiện biến hiện ra loại cảnh giới này. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ác đạo, như vậy đã nói rõ là người của Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có người nào là người ác. Phàm là sanh đến Thế giới Cực Lạc đều cùng “Chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ”. Dù cho trong A-lại-da thức chủng tử tập khí ác vẫn chưa thể đoạn hết, nhưng Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có duyên ác, bất kể là môi trường nhân sự hay môi trường vật chất cũng đều tốt đẹp đến cực điểm. Nhân ác không gặp được duyên ác thì không khởi hiện hành, đây là nguyên nhân đích thực của Thế giới Tây Phương Cực Lạc có thể không có ác đạo.
Phàm là người vãng sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở chỗ này chúng ta phải đặc biệt lưu ý, chúng ta cầu mong vãng sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc không thể không biết, về Thế giới Tây Phương Cực Lạc cần có điều kiện gì vậy? Cổ đức đã nói với chúng ta, nhất định phải đầy đủ ba điều kiện là tín, nguyện, hạnh. Ý nghĩa của ba chữ này rất sâu, rất rộng, chúng ta dứt khoát không được coi thường. Sao gọi là tín? Sao gọi là nguyện? Sao gọi là hạnh? Nếu như hỏi chi tiết như vậy, thì vấn đề đều được hỏi ra hết rồi.
Chúng ta có phải thật sự tin hay không? Trong “Yếu Giải Kinh A Di Đà”, Ngẫu Ích Đại Sư nói với chúng ta tín có sáu loại. Nói sáu loại là giảm đến mức không thể giảm nữa. Sáu loại này đều ở trong Kinh Vô Lượng Thọ.
Thứ nhất là tin chính mình. Mình có Phật tánh, mình hiện tại là Phật chưa thành, nên nhớ mình là Phật nhưng hiện tại vẫn chưa thành tựu, là Phật chưa thành tựu. Gọi là chưa thành tựu vì còn mang rất nhiều tập khí, phiền não, ác nghiệp, là một vị Phật như vậy. Đây là thân phận của chúng ta hiện nay.
Thứ hai, tin rằng Phật A Di Đà, Thích Ca Thế Tôn, các Ngài là Phật đã thành. Chưa thành, đã thành gom hết, chúng ta đều là Phật, điều này phải tin chắc. Không tin rằng mình là Phật, thì mình làm sao có thể làm Phật chứ? Tín tâm phải được xây dựng từ chỗ này.
Địa vị của Phật là gì vậy? Ở trong tất cả Kinh luận Đại thừa đều nói rất hay: “Đạo sư trong tam giới”, mẫu mực của trời người. Cho nên, tấm gương tốt nhất, mẫu mực tốt nhất của tất cả chúng sanh trong mười pháp giới chính là chư Phật Như Lai. Chúng ta phải có tín tâm, chúng ta có thể làm được.
Tâm thanh tịnh là chân tâm của chúng ta, là bản tánh của chúng ta, trong đó vốn dĩ không có phiền não, không có chấp trước, không có phân biệt, không có vọng tưởng. Hiện nay có hay không vậy? Xin thưa với quí vị, hiện nay vẫn không có. Nếu như ở trong tự tánh thật sự có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, thì đó không phải chân tánh, ở trong chân tánh nhất định không có. Chư Phật Như Lai từ trong tự tánh nhìn tất cả chúng sanh (tất cả chúng sanh là bao gồm tất cả con người, tất cả chúng sanh hữu tình, chúng sanh vô tình) đều là chư Phật Như Lai. Mắt Phật nhìn tất cả chúng sanh đều là chư Phật Như Lai. Tại sao vậy? Thấy tánh, không chấp tướng. Chúng ta ngày nay mê rồi. Mê chỗ nào vậy? Chấp tướng không thấy tánh, hoàn toàn tương phản với Phật, Bồ Tát, cho nên gọi là điên đảo vọng tưởng. Chúng ta điên đảo rồi. Điên đảo chính là vọng tưởng, không điên đảo gọi là chánh niệm. Chư Phật Bồ Tát là chánh niệm, chúng ta là vọng tưởng. Chúng ta phải hiểu cho rõ ràng, sáng tỏ tại sao có những tên gọi này.