/ 374
575

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 106

Kinh văn càng đọc thì tính cảnh giác của chúng ta sẽ càng cao. Hiểu rõ sâu sắc, không vãng sanh là quyết định không được. Trong vô lượng pháp môn, mỗi một pháp môn, điều kiện của nó đều phải đoạn kiến tư phiền não, phải đoạn trần sa phiền não, còn phải đoạn vô minh phiền não. Chỉ lấy cái thô nhất là kiến tư phiền não mà nói, ở trong kinh Phật nói: “Tam giới 88 phẩm kiến hoặc, 81 phẩm tư hoặc”. Đây là kiến tư phiền não, chúng ta ở trong một đời, năng lực phá một phẩm cũng không có. Đây đều là nói lời thành thật. Ở vào thời cổ nhân có, nhưng vẫn chỉ là một số ít người rất ít ỏi. Chúng ta lấy Thiền tông mà luận, triều Đường Thiền tông Đại sư Lục tổ Huệ Năng, đây là một vị đại đức có thành tựu giáo hóa thù thắng nhất, đại đức tông môn nhiều đời cũng không thù thắng bằng Ngài. Nhưng dưới pháp hội của Ngài, minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ cũng chỉ có bốn mươi ba người. Quí vị thử nghĩ, người học Phật với Ngài, tham thiền với Ngài có bao nhiêu người? Tính toán khiêm tốn nhất cũng có mấy chục vạn người. Trong mấy chục vạn người chỉ có bốn mươi ba người thành tựu, vậy mới biết cái khó của đoạn phiền não. Những người không thể thành tựu kia cũng cùng tiếp nhận sự chỉ dạy của tổ sư, cũng cùng tham học với nhau, tập khí phiền não đoạn không hết thì không thể thành tựu.

Niệm Phật vãng sanh thì dễ dàng, không cần đoạn phiền não, phục phiền não là được rồi. Phục dễ dàng hơn đoạn rất nhiều. Phục là gì vậy? Chỉ cần phiền não không phát tác liền gọi là phục. Cho nên, điều kiện vãng sanh của Tịnh tông chỉ cần phục phiền não là được. Chúng ta hạ công phu ở chỗ này. Ý nghĩ vừa khởi lên, liền dùng một câu “A Di Đà Phật” hàng phục nó, đè nó xuống. Ý niệm thứ nhất khởi lên thì niệm thứ hai là A Di Đà Phật, quyết không để niệm thứ nhất biến thành niệm thứ hai, thứ ba liên tục mãi. Liên tục mãi sẽ hình thành nghiệp lực. Vì niệm thứ nhất là mê hoặc, vẫn chưa tạo nghiệp, niệm thứ hai là A Di Đà Phật đã hàng phục nó mất rồi. Đây là công phu thường ngày chúng ta cần phải làm. Tại sao vẫn còn tạo nghiệp vậy? Vì ý niệm thứ nhất là vọng niệm, ý niệm thứ hai vẫn là vọng niệm, ý niệm thứ ba tiếp theo vẫn là vọng niệm, A Di Đà Phật nghĩ không ra, quên mất rồi, vậy mới tạo nghiệp. Nếu như ý niệm thứ hai là A Di Đà Phật rồi thì họ làm sao tạo nghiệp được? Người niệm Phật phải có bổn phận này, có công phu này. Cho nên phải biết niệm. Loại công phu này làm ở trong tâm cho thật miên mật, ở mọi nơi, mọi lúc, ở mọi cảnh duyên, dứt khoát không được lơ là, một chút lơ là thì vọng niệm liền khởi ngay. Đây là đại sự nhân duyên. Việc này không khó. Khó chỗ nào vậy? Khó ở chỗ bạn không chịu làm, khó ở chỗ bạn lười biếng, lười nhác. Bạn thật sự dụng công, thì giống như cái gọi là “vạn người tu vạn người vãng sanh”. Không giống như đoạn phiền não, đoạn phiền não khó lắm, ở trong một vạn người tìm không được một, thậm chí là trong mấy chục vạn người mới tìm được một vài người, cái đó khó thật. Pháp môn Tịnh Tông này không khó, khó ở chỗ bản thân chúng ta lười biếng, lười nhác, trì hoãn, cẩu thả, vậy thì vô phương. Chỉ cần thật sự phấn chấn được tinh thần, dũng mãnh tinh tấn, thì không gì không thành công.

Cổ đại đức Long Thọ Bồ Tát nói: “Nhược nhân sanh bỉ quốc, chung bất đọa tam thú”. Thiện Đạo đại sư của Trung Quốc cũng nói: “Cho đến thành Phật, không trải qua sanh tử”. Đây là lời chứng minh cho chúng ta. Vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc thù thắng không gì bằng, không còn đọa ác đạo nữa. Nếu như không vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, thì nguy cơ đọa trở lại ác đạo sẽ rất lớn, gần như có thể nói, không đọa ác đạo chắc chắn là điều không thể. Chỉ cần bạn chưa ra khỏi lục đạo luân hồi, thì ba đường ác là quê hương. Thời gian ở trong ba đường ác chắc chắn dài, còn thời gian ở ba đường thiện thì ngắn ngủi, điều này cần phải biết. Chúng ta ở trong đời người ngắn ngủi này phải giác ngộ, phải tu lấy cái hạnh phúc vĩnh hằng. Pháp môn không còn đọa lạc, ngày nay chúng ta gặp được rồi. Huống hồ sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc, mọi người đều là một đời viên mãn thành Phật, ngay trong một đời chứng được A-nậu-đa-la tam miệu tam Bồ Đề viên mãn. Lợi ích thù thắng này ở trong tất cả mọi kinh luận đều tìm không thấy. Đây là sự từ bi vô hạn của Phật A Di Đà, cũng là đại nguyện phổ độ chúng sanh của mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai. Trong hội này, trong pháp môn này áp dụng rồi, thực hiện rồi.

/ 374