PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 104
● Thứ hai là “ngạ quỷ”
Phật nói với chúng ta, hoàn cảnh sinh hoạt hiện tại của chúng ta trên đại thể có sáu loại lớn, gọi là sáu cõi. Sáu cõi luân hồi chính là hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta, chúng ta không ra khỏi phạm vi này, đời đời kiếp kiếp chỉ ở ngay trong phạm vi này mà trải qua ngày tháng. Trong sáu cõi, thù thắng nhất là cõi trời. Chủng loại của cõi trời cũng rất nhiều, trong Phật Kinh nói với chúng ta có 28 tầng trời. Tình hình của cõi trời tương đối phức tạp, nếu bạn nói Thượng Đế, trong 28 tầng trời đều có Thượng Đế, rốt cuộc vị nào là Thượng Đế? Không thể hàm hồ qua loa, luôn phải làm cho rõ ràng. Hơn nữa, phạm vi của mỗi một tầng lại rất rộng, thí dụ như địa cầu rất lớn, trên địa cầu có rất nhiều quốc gia, vào lúc trước nói Hoàng Đế thì là Hoàng Đế của quốc gia nào? Nói Tổng Thống thì Tổng Thống của quốc gia nào? Bạn cũng phải tường tận. Sự phức tạp của thiên thượng và nhân gian không hề như nhau, thiên thượng còn phức tạp hơn so với địa cầu chúng ta, bạn không làm cho rõ ràng thì làm sao được? Bên dưới tầng trời còn có cõi A Tu La, sau đó thì là cõi người, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Đây là Phật nói. Chúng ta vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp chỉ ở nơi đó đi qua một vòng, không thể ra khỏi.
Hiện tượng này từ do đâu mà đến? Thực tế mà nói, sáu cõi vốn dĩ không có, là do chính mình tạo, không phải người khác tạo. Tôn giáo bên ngoài nói Thượng Đế tạo, trong Phật pháp thì không phải nói Thượng Đế tạo, mà do chính mình tạo. Chính mình làm sao tạo? Chúng ta nói rất nhiều trong Kinh điển Đại thừa, các đồng tu nghe đã quá quen thuộc, thế nhưng ấn tượng vẫn không sâu. Làm sao tôi biết được các vị ấn tượng không sâu? Tâm của các vị, hành vi của các vị không hề thay đổi. Tâm của các vị không giống như tâm Phật, hành vi của các vị không giống như Bồ Tát hạnh, đây chính là nhận biết của các vị vẫn chưa đủ sâu, không chuyển được cảnh giới. Phật nói đời sống chúng ta vốn dĩ không hề khác gì với chư Phật Như Lai, tại vì sao hôm nay có thể biến thành ra như vậy? Hôm nay mê rồi. Chư Phật Bồ Tát khác biệt với những chúng sanh chúng ta ở chỗ nào vậy? Các Ngài giác ngộ, chúng ta thì mê hoặc; các Ngài giác mà không mê, chúng ta là mê mà không giác. Mê mà không giác thì vào sáu cõi luân hồi, giác mà không mê thì ở Pháp giới Nhất Chân.
Thế giới Cực Lạc là Pháp giới Nhất Chân, Thế giới Hoa Tạng trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói cũng là Pháp giới Nhất Chân. Trong thế giới đó không có ngạ quỷ, địa ngục, súc sanh. Trong thế giới đó người người đều là người thượng thiện, không chỉ là thiện, mà là thượng thiện, thiện nhân trong người thiện, người tốt trong người tốt. Chúng ta vốn dĩ là phải ở trong cảnh giới đó, nhưng hiện tại mê rồi. Kiểu dáng của mê là thế nào? Chúng ta cần phải biết, nếu không thì giác cùng mê mơ mơ hồ hồ mà nói, chúng ta rất không dễ gì lý giải.
Phật nói, người giác ngộ không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước; người mê hoặc có vọng tưởng, có phân biệt, có chấp trước. Từ tiêu chuẩn này chúng ta thử nghĩ xem, chính mình giác hay mê, không phải là rõ ràng lắm rồi hay sao? Một ngày từ sớm đến tối nghĩ tưởng xằng bậy, đây là mê, không phải là giác. Người giác ngộ không có vọng tưởng, Phật ở trên Kinh nói, giác tâm thanh tịnh, giác tâm không động. Chúng ta học Phật, phải học được giống như Phật. Học từ chỗ nào vậy? Chính ngay chỗ này mà học, đây gọi là học từ căn bản, học không động tâm. Mắt chúng ta thấy cảnh giới bên ngoài, tai nghe tất cả âm thanh, mũi ngửi các loại mùi vị, lưỡi nếm các loại vị ngon, phải học cảnh giới Bồ Tát, rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo. Đây là trí tuệ, không mê. Trong tâm trong sạch vắng lặng, không nhiễm một trần; thấy sắc, nghe tiếng không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước thì người này chính là Bồ Tát.
Ngày nay chúng ta thấy sắc, nghe tiếng thì khởi tâm động niệm, đó chính là mê, chính là không giác, chính là phàm phu. Khởi lên tâm gì? Thuận theo ý của chính mình thì khởi tâm tham ái, không thuận ý của chính mình thì khởi lên tâm ghét bỏ, ngày ngày chúng ta làm những việc này. Khởi loại tâm này thì gọi là tạo nghiệp. Không nên cho rằng ta mới khởi ý niệm, ta vẫn chưa biểu hiện trên hành vi, khởi tâm này là đã tạo nghiệp rồi, tâm này đã không thanh tịnh thì tâm liền bất thiện. Trên Kinh luận Phật nói rất nhiều, y theo Phật Kinh thì những thuật ngữ này chúng ta không dễ gì hiểu được, ta nói chuyện rõ một chút, cạn một chút thì mọi người nghe hiểu dễ dàng.