/ 374
521

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 103

Nguyện thứ nhất: “Quốc vô ác đạo nguyện”

Kinh văn: “Vô hữu địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, quyên phi nhuyễn động chi loại”.

Bổn nguyện của A Di Đà Phật có 24 chương, gồm 48 nguyện. Trong chương thứ nhất, bốn câu phía trước là tổng thuyết, phía sau chính là biệt thuyết của 48 nguyện. Câu này chính là nguyện thứ nhất trong biệt thuyết “quốc vô ác đạo nguyện”. Kinh văn xem ra dường như rất là phổ biến, thế nhưng ý nghĩa rất là sâu rộng. Mười phương thế giới, dùng tri thức khoa học hiện tại của chúng ta cũng có thể hiểu rõ được một phần, thế nhưng không cách gì hiểu được một cách thấu triệt. Tất nhiên, nếu như cùng với ngoài thái không (hiện tại gọi là người ngoài hành tinh) so sánh về khoa học, thì khoa học của chúng ta vẫn là tương đối thấp kém. Người ngoài thái không thường hay đến nơi này của chúng ta, chúng ta vẫn không cách gì đi đến nơi chỗ của họ để tự do tham quan du lịch, khoa học kỹ thuật của chúng ta không bằng của họ. Mười phương thế giới (ngày nay chúng ta gọi là tinh cầu, nhà Phật gọi là thế giới), ở ngay trong thái không vô lượng vô biên tinh cầu có rất nhiều sinh vật cao đẳng cư trụ ở những tinh cầu đó. Trong thái không tinh cầu nhiều đến như vậy, quyết định không thể nói chỉ trên địa cầu mới có người cư trụ, còn trên các tinh cầu khác không có. Lời nói này quá bảo thủ. Phật nói với chúng ta, vô lượng vô biên cõi nước chư Phật đều có chúng sanh hữu tình cư trụ. Thế nhưng đại đa số trong những cõi nước này đều có ba đường ác, không có tinh cầu nào mà không có ác đạo, tuy nhiên không quá nhiều. Cái không quá nhiều này là chúng ta so sánh với nơi có ba đường ác, đó là không có nhiều nơi chốn “có ba đường ác”. Đây là nguyện thứ nhất trong biệt nguyện của A Di Đà Phật.

Nguyện thứ nhất chúng ta có thể suy nghĩ ra mà biết, đây là nguyện quan trọng nhất. A Di Đà Phật ở nhân địa là Bồ Tát Pháp Tạng. Bồ Tát Pháp Tạng khi tham học, xem thấy chúng sanh loại này quá khổ, hy vọng tương lai trong thế giới của Ngài không có những chúng sanh này, cho nên thế giới đó gọi là thế giới Cực Lạc. Vui ở chỗ nào? Không có những ác đạo. Chúng ta phải biết, trong đây đã nói “ngạ quỷ, địa ngục, cầm thú, quyên phi nhuyễn động” là đường súc sanh, những thứ ở nơi đó của họ từ đâu mà có? Chúng ta phải nên biết, thế giới Cực Lạc của A Di Đà Phật không có, tại vì sao thế giới của chúng ta có? Không chỉ có ba đường ác, người thế gian hiện tại chúng ta đời sống đều rất là khổ, chúng ta bình lặng mà quán sát, có rất nhiều người đời sống vẫn không sánh bằng súc sanh, ngạ quỷ. Bạn xem thấy ngạ quỷ, tiểu quỷ vương, sơn thần, thổ địa, ở Singapore có rất nhiều nơi thờ "Đại Bá Công", bạn xem thấy mùng một, mười lăm có bao nhiêu người đi cúng bái. Tiểu quỷ thần đó cũng không tệ, tôi nghĩ đời sống con người chúng ta vẫn không bằng họ. Đạo lý trong đây chúng ta phải tường tận.

Tại vì sao A Di Đà Phật đem việc này để vào nguyện thứ nhất? Thực tế mà nói là không hy vọng xem thấy chúng sanh chịu khổ, đây là lòng từ bi, nhà Phật gọi là đại từ đại bi. Khổ quả nhất định có nhân của khổ. Nhân khổ là nhân ác, về sau còn nói tỉ mỉ. Nghiệp nhân của địa ngục đương nhiên rất là phức tạp. Trong Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh, Phật đã nói được rất rõ ràng,  làm những sự việc “năm nghịch mười ác” họ mới đọa vào địa ngục. Địa ngục từ đâu mà có? Quyết không phải do người tạo ra, cũng không phải là Thượng Đế tạo, cũng không phải là Diêm La vương tạo, mà là chúng ta chính mình làm ác nghiệp chiêu cảm ra. Bạn tạo tác ác nghiệp, trong tự nhiên liền có những quả báo này hiện tiền, tự làm tự chịu, đó là chánh lý.

Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ba đường ác, liền nói với chúng ta một sự thật, người thế giới Tây Phương Cực Lạc quyết định không có tạo ác, hay nói cách khác, quyết định không có người tạo tác “năm nghịch mười ác”. Không có người tạo nhân thì nơi đó không có quả báo này.

Tại vì sao người ở nơi đó không tạo nghiệp nhân này?

Việc thứ nhất, thế giới Tây Phương Cực Lạc là thế giới mới hưng khởi, tuyệt nhiên không phải rất cổ xưa, mà năm tháng rất trẻ, ở trên kinh chúng ta đều đọc qua, A Di Đà Phật thành Phật đến nay mới chỉ có mười kiếp, thời gian này rất ngắn. Thế giới khác đều là tương đối cổ xưa, đều là trải qua vô lượng kiếp, Cực Lạc mới mười kiếp, cho nên rất mới. Những người trong thế giới mới thành tựu này từ đâu mà đến? Không phải là sanh ra lớn lên nơi đó, mà là từ các nơi di dân đến nơi đó, mười phương thế giới di dân đến. A Di Đà Phật đối với những người di dân này kiểm soát cửa khẩu rất chặt, thận trọng lựa chọn, nếu như tâm hạnh của bạn ác thì bạn không thể đi được, Ngài không để bạn đi, cho nên phàm hễ là người sanh đến thế giới Tây Phương Cực Lạc thì đều là người tốt. Đây là điều kiện thứ nhất.

/ 374