PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 101
PHẨM SÁU: PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN
Phẩm thứ sáu chân thật là trung tâm của toàn Kinh, đây là phẩm quan trọng nhất. Phẩm Kinh này là Bổn sư A Di Đà Phật chính miệng tuyên nói, Thích Ca Thế Tôn vì chúng ta chuyển thuật. Chuyển thuật của Thế Tôn cũng giống như A Di Đà Phật đích thân diễn nói, không có gì khác. Toàn Kinh, thực tế mà nói, chính là giải thích cho phẩm Kinh này mà thôi, cho nên chúng ta tỉ mỉ mà quán sát, “Kinh Vô Lượng Thọ” từ đầu đến cuối, 48 phẩm này mỗi câu mỗi chữ đều có liên quan với 48 nguyện, cũng chính là nói mỗi câu mỗi chữ đều là nói rõ 48 nguyện, giảng giải của 48 nguyện. Do đây có thể biết, đây là bao gồm tất cả Kinh luận nương theo của Tịnh Độ Tông, là chỗ nương về ban đầu, là chân Kinh của Tịnh Độ, cũng có thể xem là Đại Hiến Chương của Thế giới Cực Lạc (ngày nay chúng ta gọi là Hiến Pháp).
Nguyên do của phẩm này là Bồ Tát Pháp Tạng tuân theo giáo huấn của lão sư, ở ngay trong đại chúng tuyên nói đại nguyện thù thắng mà Ngài đã phát ra. Nhật Bản thời xưa nghiên cứu chú sớ đối với “Kinh Vô Lượng Thọ” nhiều hơn so với người Trung Quốc chúng ta, đây là hiện tại chúng ta xem thấy ở ngay trong trước tác bảo lưu lại. Những Đại đức Trung Quốc cổ đại có chú sớ hay không thì rất khó nói, có lẽ có, có lẽ không có. Nếu như có thì ở trong chiến loạn bị thất truyền rất nhiều. Thí dụ như nguyên bản dịch của “Kinh Vô Lượng Thọ”, hiện tại chúng ta biết từ triều Hán đến Nam Tống, ngay trong 800 năm này đã từng trải qua 12 lần phiên dịch, thế nhưng hiện tại trong Đại Tạng Kinh chỉ còn lưu giữ năm loại, còn lại bảy loại đã bị thất truyền. Đây là một việc vô cùng đáng tiếc. Chú giải của Tổ sư Đại đức xưa nay có bị thất truyền hay không, việc này cũng rất khó nói. Còn quốc gia Nhật Bản có thể nói là khu vực tương đối nhỏ, phạm vi động loạn cũng không lớn, rất nhiều điển tích đều bảo tồn được rất hoàn chỉnh, cho nên chúng ta ở trong Vạn Tục Tạng Kinh của Nhật Bản xem thấy chú giải của “Kinh Vô Lượng Thọ” của người Nhật Bản nhiều hơn so với chúng ta rất nhiều lần, trong đó “Chân Giải” cũng là một chú giải nổi tiếng.
Trong chú giải này nói, Di Đà thành tựu công đức 48 nguyện mà quy nhất chánh giác. Chánh giác này chính là danh hiệu của Phật: “Nam Mô A Di Đà Phật”. Danh hiệu công đức không thể nghĩ bàn. Đây là chúng ta ở ngay trong lúc bắt đầu giảng Kinh đã từng nhiều lần nói qua với các vị, danh hiệu sáu chữ này đều là dịch âm văn Phạn. “Nam Mô” là ý nghĩa của quy y, ý nghĩa là quy mạng (quy là quay đầu, y là nương tựa). Ý nghĩa của danh hiệu “A Di Đà Phật” là Vô Lượng Giác. Đích thực Thế giới Tây Phương Cực Lạc hiển rõ ra vô lượng giác cứu cánh viên mãn. Thế giới Ta Bà của chúng ta và thế giới phương khác tuy là có giác, thế nhưng không viên mãn. Vì sao vậy? Không phải người người đều giác. Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có người nào mê hoặc điên đảo, người mê hoặc điên đảo không thể vãng sanh, cho nên điều kiện vãng sanh chính là phải đầy đủ chánh giác, phải quy y vô lượng giác.
Có lẽ các vị đồng tu hoài nghi, nếu như là điều kiện như vậy thì việc vãng sanh của chúng ta e là không có hy vọng. Điểm này trên bộ Kinh này nói được rất rõ ràng, giác có thiên, có viên (có viên mãn, có không viên mãn); có lớn, có nhỏ. Giác ngộ lớn thì chúng ta không có, nhưng giác ngộ nhỏ thì chúng ta có. Thế nhưng ở Đại thừa Viên giáo, “Kinh Vô Lượng Thọ” đích thực thuộc về Viên giáo Đại thừa, Tổ sư Đại đức xưa nay phán bộ Kinh này là “viên ở trong viên, đốn ở trong đốn, nhất thừa ngay trong nhất thừa”, chân thật đem địa vị của bộ Kinh nâng lên đến không gì cao hơn được. Chúng ta có trí tuệ chọn lựa pháp môn niệm Phật, có tín tâm, có nguyện tâm thoát khỏi sáu cõi luân hồi, cầu sanh Thế giới Cực Lạc, xin nói với các vị, nói các vị tiểu giác cũng được, nói các vị đại giác cũng được, cái giác này không có lớn nhỏ. Dựa vào một niệm giác tâm này (một niệm này là giác thuần chánh) liền có thể vãng sanh, đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc liền được oai thần bổn nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Đây là pháp môn một đời thành tựu, không phải là thành tựu nhỏ, không phải chứng được quả A La Hán, quả Bồ Tát, mà là Phật quả cứu cánh viên mãn ngay một đời thành tựu, cho nên pháp môn này là pháp môn bất khả tư nghì. Đây là Di Đà chánh giác công đức không thể nghĩ bàn, cho nên thệ nguyện không thể nghĩ bàn.