/ 374
779

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 99

Kinh văn: “Ký nhiếp thọ dĩ, phục nghệ Thế Tự Tại Vương Như Lai sở, khể thủ lễ túc, nhiễu Phật tam tráp, hiệp chưởng nhi trụ”.

Đoạn này là nói lễ tiết. Thế xuất thế gian pháp đều rất chú trọng lễ tiết. Người xưa nói rất hay, người không có lễ thì không thể đứng được ở xã hội, lời nói này rất có đạo lý. Chúng ta ở ngay trong Kinh luận của Phật, nơi nơi đều có thể xem thấy Thế Tôn cùng với các học trò của Ngài, thậm chí đến xã hội đại chúng thông thường, bạn xem lễ tiết của họ chu đáo đến thế nào, thành kính đến thế nào! Đây là chỗ mà chúng ta phải nên học tập.

Hôm nay là lễ Phật đản sanh. Có một số các lãnh đạo tôn giáo khác chúc mừng đối với Phật đản của chúng ta, cũng có gởi thiệp đến, có tặng hoa, đưa lễ vật đến, chúng ta đều phải nên ghi nhớ. Ở người xưa, không chỉ là một xã đoàn, ngay đến gia đình cũng không ngoại lệ, gia đình tiếp nhận bạn bè thân thích tặng quà đều phải ghi trên một tấm lễ bạc. Tại vì sao phải ghi chứ? Đến khi họ có ngày kiết khánh bạn liền biết được tặng lễ như thế nào. Cho nên khi tặng quà qua lại, luôn là phải tặng nhiều hơn so với họ một chút, đó là hậu đạo. Quyết định không thể tặng ít hơn so với họ, vì như vậy thì thật là khó coi, chí ít phải tặng bằng nhau, tốt nhất là nhiều hơn một chút. Cổ thánh tiên hiền đều là dạy bảo chúng ta làm như vậy. Cho nên, ở xã hội cũ Trung Quốc, mỗi nhà đều có tấm lễ bạc. Tấm lễ bạc này rất quan trọng. Đoàn thể này của chúng ta càng quan trọng hơn, cho nên bình thường hy vọng các đồng tu cần phải chú ý đến những việc này, vạn nhất không nên xem thường. Sau khi xem thường thì biến thành vô lễ, vậy thì chúng ta ở trong xã hội làm người làm việc sẽ rất khó, không có người giúp đỡ, không có người ủng hộ chúng ta.

Đoạn này chúng ta có thể thể hội được, Bồ Tát Pháp Tạng là đệ tử Phật chân thật, Ngài có thể y giáo phụng hành, có thể dùng thời gian ngắn nhất, nhanh chóng viên mãn thành tựu tu học của Ngài, đạt đến nguyện vọng của Ngài. Đây là người chân thật báo ân.

“Ký nhiếp thọ dĩ”. Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nguyện vọng lý tưởng của Ngài tiếp cận hoàn thành, có thể nói là đã hoàn thành. Phía trước, trong kết luận đã nói “sở nhiếp Phật độ, siêu quá ư bỉ”, Thế giới Tây Phương Cực Lạc kiến thành. Sau khi kiến thành, một việc lớn nhất là đến chỗ lão sư để báo cáo, cho nên lại đến “Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai sở”. Không chỉ là lễ tạ lão sư, mà vẫn là cầu lão sư chỉ đạo.

“Nghệ thủ lễ túc, nhiễu Phật tam tráp”. Dùng đỉnh đầu của chúng ta lễ dưới chân Phật, đây gọi là tiếp túc lễ. Trong Kinh luận giải thích với chúng ta, tại vì sao phải hành tiếp túc lễ? Triết phục tâm ngạo mạn của chính mình. Các vị phải nên biết, ngạo mạn có thể nói là phiền não từ nhiều đời đến nay, phiền não này không chỉ chướng ngại bạn chứng quả, mà ngay đến khai ngộ cũng bị nó chướng ngại. Ngày nay chúng ta học Phật, ngày ngày nghe Kinh, tại vì sao không khai ngộ? Chúng ta xem thấy ở trên Kinh luận, xem trong truyện ký của Đại đức xưa, có một số người đọc tụng nghe Kinh thời gian rất ngắn liền khai ngộ, có một số người mười năm, tám năm khai ngộ, số người năm năm đến mười năm khai ngộ rất nhiều, không đến năm năm khai ngộ thì có nhưng tương đối ít; hai mươi năm, ba mươi năm khai ngộ cũng có nhưng cũng tương đối ít.

Tại vì sao họ có thể khai ngộ còn chúng ta không thể khai ngộ? Thành thật mà nói, hoàn cảnh tu học của họ cùng hoàn cảnh tu học của chúng ta hiện tại mà so sánh, có thể nói mỗi hoàn cảnh có sự đặc sắc của nó. Ở phương diện vật chất thì thuận tiện, người xưa không bằng như người nay. Các vị phải nên biết, người xưa vào buổi tối làm gì có ánh đèn sáng được như thế này? Đốt đèn sáp, đốt đèn dầu. Kinh bổn không thể in ấn được tốt đẹp như hiện tại, số lượng cũng ít, cho nên thông thường Kinh bổn của chính mình dùng đều là chính mình chép ra. Vào lúc đó không có kỹ thuật in ấn, không tìm mua được Kinh bổn, chỉ có dựa vào chép tay. Tôi nghĩ các vị chưa đọc qua quyển sách mà chính mình chép ra. Hiện nay đến nghe Kinh một lần, ngồi xe thì đến, rất thuận tiện. Người xưa nghe Kinh phải đi bộ bao xa vậy? Trên “Kinh Bồ Tát Giới” nói, người thọ qua Bồ Tát giới nếu trong vòng 40 dặm có pháp sư giảng Kinh mà không đến nghe Kinh thì phạm giới Bồ Tát rồi. Một giờ đồng hồ đi mười dặm, bốn mươi dặm thì phải đi bốn giờ đồng hồ để nghe một lần giảng Kinh. Cho nên, về phương diện vật chất thì người xưa không bằng chúng ta, hiện tại chúng ta thuận tiện hơn nhiều so với họ, nhưng về mặt khác thì chúng ta không thể so được với người xưa. Người xưa tâm địa thanh tịnh, chân thành, cho nên họ có được thọ dụng. Hiện tại tâm của chúng ta bao chao, chân thật là tâm khí bao chao, cho nên tu hành nếu muốn thành tựu thì rất là khó khăn.

/ 374