/ 374
532

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 98

Định huệ có cạn sâu khác biệt không như nhau, sức định càng vào sâu thì trí tuệ càng rộng lớn. Loại công phu này có được quả báo rất là thù thắng. Chúng ta xem thấy ở trên Kinh, định của A La Hán tu là cửu thứ đệ định, siêu việt ba cõi, siêu việt sáu đường. Sức định trong sáu cõi đến được cấp thứ tám. Cấp thứ tám là trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Siêu vượt hơn, lên cấp thứ chín thì siêu vượt sáu cõi luân hồi, chứng được quả vị A La Hán, Bích Chi Phật. Định huệ muốn nâng cấp lên, đó chính là quả báo của Bồ Tát. Quả báo của Phật trong mười pháp giới lại hướng lên trên cao thì siêu vượt mười pháp giới, đến pháp giới nhất chân. Trong pháp giới nhất chân, chúng ta xem thấy ở trên Kinh Hoa Nghiêm, còn có 41 giai cấp, cho nên công phu của định huệ còn phải không ngừng nâng cao hơn, không thể nào đình chỉ. Một phần công phu liền có một phần thu hoạch. Thu hoạch chính là đức. Cho nên công đức, chữ “đức” này cùng với chữ được mất của chúng ta là cùng một ý nghĩa. Do đó các vị phải nên biết, phước báo của chúng ta có thể cho người khác cùng hưởng, công đức thì không được. Công đức thì người nào tu người đó được. Công mà chư Phật Như Lai đã tu chúng ta không có cách gì có được, chỉ có các Ngài có được, nên gọi là “ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc”. Không như phước báo, phước báo tôi có, tôi có thể cho bạn. Tôi có tiền có thể tặng cho bạn dùng,tôi có phòng ốc, có thể tặng cho bạn ở, đó là phước báo. Công đức là gì? Là công phu tu hành, là định là huệ, giới-định-huệ tam học, cái này thì không cách gì tặng cho người khác, nhất định phải chính mình tu.

Chỉ có công đức mới có thể giải quyết được vấn đề, phước đức thì không thể giải quyết vấn đề, cái điểm này các vị đồng tu cần phải rõ ràng. Phước đức, ở trong Kinh luận Phật nói rất rõ ràng với chúng ta, chỉ có chiêu đến mãn nghiệp trong quả báo, đây là phước báo, phước đức. Công đức là dẫn nghiệp, dẫn đạo bạn đến một cõi nào, đó là công đức. Bạn đến cõi này để thọ sanh, thọ dụng của cả đời này của bạn, đây là mãn nghiệp. Thế nhưng trong công đức đầy đủ phước đức, trong phước đức thì không đầy đủ công đức. Chúng ta đem những chân tướng sự thật này làm cho rõ ràng thì mới biết được chính mình phải nên làm thế nào “tu tập công đức”. Từ nơi rất thiển cận để thuyết minh, thì lợi ích chúng sanh là công đức. Thế nhưng lợi ích chúng sanh không dính vào tướng lợi ích chúng sanh, thì công đức này thù thắng, quả báo không thể nghĩ bàn. Nếu như chúng ta làm sự nghiệp lợi ích chúng sanh mà chấp tướng bố thí, chấp tướng mà làm, thì hoàn toàn là phước đức.

Cương lĩnh tu học của Bồ Tát, các vị đồng tu đều biết là sáu Ba La Mật,phía trước đã từng giới thiệu rõ qua với các vị. Trong sáu sự việc này, bố thí thì phạm vi rất rộng rất lớn, phàm hễ làm ra tất cả lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh đều gọi là bố thí. Trong bố thí nếu không có trí tuệ thì việc bố thí này là phước đức, quả báo tương lai là phước báo. Phước báo đến nơi đâu để hưởng thì không nhất định.

Lần này tôi ở Úc châu, có một đồng tu ở Úc châu nói với tôi, bên đó họ có một người rất là giàu có, chết rồi để lại tài sản trên một tỉ. Ông không cho con cái của ông, cũng không làm sự nghiệp từ thiện xã hội, mà cho một con vật cưng của ông. Ông nuôi một con chó, bảo luật sư làm một tờ di chúc, tất cả tài sản giao cho con chó đó. Báo chí Úc châu đều đăng tin, con chó đó là đại phú ông, tài sản trên tỉ. Bạn nói xem còn cách nào không? Yêu thích chó đến như vậy, cho nên tôi liền khẳng định, sau khi ông ấy chết rồi chuyển thế nhất định làm thân chó. Ông ấy ưa thích chó mà, yêu chó, ông ấy chết rồi nhất định sẽ đầu thai làm chó. Ông ấy không biết được, nếu như đem số tài sản này làm những việc lợi ích xã hội mà không chấp tướng, đời sau ông sanh lên trời làm vua trời. Hiện tại thì làm thân chó, đi làm chú chó nhỏ. Bạn xem, có còn cách gì không? Đây gọi là ngu si. Cơ hội này thật là ở ngay trước mắt nhưng đã để lỡ qua. Cho nên, phước đức cùng công đức chúng ta phải có phân biệt cho rõ ràng.

Trong bố thí có trí tuệ, có trí tuệ Bát Nhã, đó gọi là độ. Nếu như không có trí tuệ Bát Nhã, bố thí này là chấp tướng, bố thí là phước. Trì giới chấp tướng thì trì giới là phước. Thậm chí đến nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định mà chấp tướng thì đều là phước báo. Lìa tướng chính là công đức. Bát Nhã là lìa tướng, “tam luân thể không”. Bạn tạo tác không dính vào cái tướng tạo tác thì đó là công đức, không phải là phước đức.

/ 374