PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 97
Kinh văn: “Tinh cần cầu tác, cung thận bảo trì, tu tập công đức, mãn túc ngũ kiếp”.
Đoạn đề mục này là “đại nguyện sở y”, bên trong phân ra bốn đoạn nhỏ. Đoạn nhỏ thứ nhất là quán sát, đoạn nhỏ thứ hai là chọn lựa. Lần trước đã giới thiệu qua với các vị hai đoạn nhỏ này, hôm nay chúng ta xem qua đoạn nhỏ thứ ba.
Ở trong những đề Kinh chúng ta có thể thể hội được nguyên do Thế giới Tây Phương Cực Lạc của A Di Đà Phật, dùng lời hiện đại mà nói chính là lịch sử của Thế giới Cực Lạc, ở trong Phật pháp gọi là duyên khởi của Cực Lạc từ do đâu mà ra, vì sao mà có? A Di Đà Phật vì sao phải kiến tạo ra Thế giới Tây Phương Cực Lạc? Kinh văn tuy không dài nhưng nghĩa lý trong đó thì sâu rộng vô hạn. Chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội. Ngài quán sát hư không pháp giới tất cả cõi nước chư Phật, y chánh trang nghiêm, nghiệp nhân quả báo trong đó đều rõ ràng, đều tường tận. Sau đó từ chỗ này một lòng chọn lựa, chọn lấy những gì chính mình đã mong muốn, do như vậy mới kết thành ra Thế giới Tây Phương Cực Lạc, đại nguyện giúp đỡ tất cả chúng sanh tu hành chứng quả. Nguyện có rồi, nếu như không có hành trì để thực hiện nguyện vọng của mình, thực tiễn nguyện vọng của mình, thì nguyện vọng này là trống không, đó là hư nguyện. Cho nên nguyện nhất định phải có hành. Hôm nay đoạn này là nói hành, làm thế nào thực tiễn nguyện vọng của Ngài? Đây là đề mục vô cùng quan trọng, đáng được chúng ta học tập.
“Tinh cần cầu tác”, có thể thấy được người ta cầu học không phải tùy tiện đi học, mà là rất dụng tâm chuyên tinh nỗ lực mà cầu. “Cầu sở” chính là chọn ra tinh hoa trong cõi nước chư Phật ở mười phương thế giới để kiến tạo Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta biết được, tất cả chư Phật Như Lai dạy bảo chúng sanh đều không ngoài ba mục tiêu. Nếu thực tiễn ba mục tiêu này thì dạy học mới có thành tích đáng nói. Làm thế nào thực tiễn? Nhất định phải có phương tiện khéo léo. Nhà Phật thường nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”, hai câu nói này rất quan trọng, quyết không thể xem nó như là “người già hay nói” mà không hề quan tâm, vậy thì bạn sẽ không học được thứ gì.
Từ bi vi bổn, chúng ta có phát tâm từ bi hay chưa? Cái gì gọi là tâm từ bi? Tâm từ bi chính là chân thành yêu thương, ái hộ tất cả chúng sanh hư không pháp giới, quyết định không có phân biệt, không có chấp trước, không phân chủng tộc, không phân tín ngưỡng tôn giáo, tất cả bình đẳng. Tâm yêu thương như vậy thì gọi là đại từ đại bi, cho nên Phật pháp là lấy từ bi làm gốc.
Muốn thực tiễn lòng yêu thương này thì nhất định phải có phương tiện. Những gì là phương tiện? Chúng ta xem từ đầu đến cuối trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, hành trì của A Di Đà Phật tất cả thảy đều là phương tiện. Bạn xem, Ngài vừa mở đầu, nghe lời giáo huấn của lão sư, lão sư không chỉ giới thiệu cho Ngài mười phương thế giới cõi nước chư Phật, mà lão sư còn dùng thần lực đem tình hình của mười phương thế giới biến hiện ra ngay trước mặt Ngài để cho Ngài thảy đều xem thấy. Đây chính là chúng ta nói “đọc ngàn quyển sách, đi vạn dặm đường”. Đi vạn dặm đường chính là ngày nay chúng ta gọi là tham quan khảo sát, trên thực tế là hiểu rõ chân tướng sự thật. Khi đọc sách là thăm dò lý luận của nó, hiểu rõ chân tướng sự thật, thế nhưng còn phải đi khảo sát, còn phải đi quán sát khiến cho kiến văn có thể tương ưng. Cái thấy, cái nghe phải không có kém khuyết thì mới có thể khai trí tuệ. Đây là trí tuệ chân thật, mới biết như thế nào để làm.
Sự hình thành của mười pháp giới là do vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của tất cả chúng sanh mà tạo thành hiện tượng. Hiện tại muốn giải quyết vấn đề vẫn là phải y theo đạo lý này. Trước tiên phải dạy bảo chúng sanh nhận biết luân hồi.
Thời xưa Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo khác nhau, trong Kinh Phật đã nói có 96 loại ngoại đạo, có thể nói là 96 loại học phái, 96 loại tôn giáo. Trí tuệ và công phu của những người này đều không phải là người thông thường có thể so sánh được. Họ có năng lực quán sát đến sáu cõi luân hồi, cho nên tình hình trong sáu cõi họ rất rõ ràng. Thế nhưng sáu cõi từ do đâu mà ra, tại vì sao có thể có hiện tượng này, làm thế nào để hóa giải hiện tượng này thì họ không thể biết. Họ biết được lẽ đương nhiên mà không biết lẽ sở dĩ nhiên, cho nên vấn đề này trước sau không có cách gì giải quyết. Chư Phật Bồ Tát xuất hiện ở thế gian chính là vì giúp chúng sanh giải quyết vấn đề này. Thế nhưng nếu như chúng sanh không có suy nghĩ, không có ý niệm muốn giải quyết vấn đề này, thì Phật Bồ Tát xuất thế cũng không ích gì, không thể giúp được gì. Đây là nhà Phật nói “Phật không độ người vô duyên”. Người vô duyên thì không thể cảm ứng tương thông với Phật Bồ Tát. Cho nên Ấn Độ xưa có nhiều cao nhân đến như vậy, nhiều đại đức đến như vậy muốn giải quyết vấn đề này, vậy thì có duyên rồi. Chỉ cần có ý niệm này, chúng sanh liền có cảm, ý niệm chính là cảm, chư Phật Bồ Tát liền ứng, ứng hóa ở khu vực đó giúp đỡ mọi người giải quyết vấn đề này.