/ 374
533

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 90

Kinh văn: “Ngã lập thị nguyện, đô thắng vô số, chư Phật quốc giả, ninh khả đắc phủ”.

Câu nói này chúng ta nhất định không nên xem thường. Ban đầu khi tôi đọc đến câu Kinh này cảm thấy rất kinh ngạc, đối với tôi mà nói là bị chấn động rất lớn. Tôi học Phật, xem bộ Kinh đầu tiên là Lục Tổ Đàn Kinh. Tôi rất là bội phục đối với Lục Tổ, Ngài đích thực là khác người. Ngài đến Hoàng Mai đảnh lễ Ngũ Tổ, Ngũ Tổ hỏi Ngài:“Ông đến để làm gì? ”. Ngài nói: “Con đến để làm Phật”. Câu nói này làm cho tôi giật mình. Bạn thấy, thông thường chúng ta đến chùa miếu lạy Phật là để làm gì? Tôi đến cầu thăng quan, cầu phát tài, cầu tiêu tai khỏi nạn, trước giờ chưa từng nghe nói, cũng không thấy qua có một người nào muốn đến để làm Phật, cho nên được nghe Lục Tổ nói thì biếtNgài không giống như người khác. Ngài muốn đến làm Phật, vì sao chúng ta lại không biết? Khi xem đến đoạn Kinh văn này thì thấy Lục Tổ lại không bằng Ngài Pháp Tạng. Lục Tổ chỉ nói làm Phật, Ngài không dám nói siêu vượt chư Phật, Pháp Tạng tỳ kheo nói Ngài muốn làm Phật và còn siêu vượt tất cả chư Phật.

Con người không thể không có nguyện, có nguyện ắt thành. Lục Tổ muốn làm Phật, chân thật mãn nguyện của Ngài, Ngài đã làm Phật. Pháp Tạng muốn làm Phật, muốn siêu thắng tất cả chư Phật, Ngài cũng đã mãn nguyện, Ngài chân thật đã siêu vượt. Chánh báo của mười phương ba đời tất cả chư Phật không thể sánh được với Phật A Di Đà, y báo cũng không thể sánh được với Phật A Di Đà, giáo thọ danh tự cũng không thể sánh được với Phật A Di Đà, ba loại trang nghiêm “đều siêu thắng vô số cõi nước chư Phật”. Ngài thật đã làm được rồi. Ở ngay chỗ này, Ngài chỉ là phát nguyện.

Chúng ta muốn hỏi, ngày nay chúng ta tu hành tại vì sao thường hay thoái chuyển? Tại vì sao công lực của chính mình yếu kém đến như thế này? Bên ngoài không thể kháng lại mê hoặc, bên trong không thể hàng phục phiền não tập khí, nguyên nhân này do đâu? Bạn lập nguyện quá nhỏ, cho nên không khởi được tác dụng. Nếu như ngày nay bạn lập nguyện, bạn xuất gia học Phật làm cái gì? Ta muốn độ chúng sanh khổ nạn thế gian này. Bạn phải thật có cái nguyện này thì nguyện này sanh ra sức mạnh, nhất định trong thì có thể phục được phiền não, bên ngoài có thể kháng cự được mê hoặc. Nguyện quá nhỏ, tâm nguyện không thiết thì nguyện đó sẽ bị dao động, gặp được cảnh giới nguyện liền thoái chuyển, vậy làm sao được? Chúng ta xem thấy tổ sư đại đức,chư Phật Bồ Tát có những nguyện kiên định không thay đổi, vĩnh viễn không thay đổi, cho nên các Ngài có thành tựu. Nguyện chính là các Ngài có phương hướng, có mục tiêu để nỗ lực, không đạt đến mục tiêu quyết không ngơi nghỉ. Bạn phát nguyện giúp đỡ tất cả chúng sanh, vì tất cả chúng sanh phục vụ, thì bạn phải thành tựu học vấn đức hạnh của chính bạn;trong tứ hoằng thệ nguyện là đoạn phiền não, học pháp môn, thì bạn nguyện độ chúng sanh mới có thể thực hiện. Nếu chỉ riêng có “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, chính mình không chịu đoạn phiền não, không chịu học pháp môn, thì nguyện đó là không nguyện, không thể nào thực tiễn. Đây chính là nói nguyện đó của bạn không tha thiết, nguyện đó của bạn không thật,bạn ở ngay trong một đời này không luận tu học hay là làm việc, bạn vẫn là mờ mịt, không có phương hướng, không có mục tiêu, đến sau cùng không có thành tựu, không có kết quả. Cho nên chúng ta xem thấy Pháp Tạng Ngài thị hiện ra cho chúng ta một tấm gương tốt nhất.

Học Phật, ngày nay chúng ta học tập với ai? Học tập với A Di Đà Phật. Ngày nay chúng ta ở nhân địa, nhân địa thì học Pháp Tạng, nhân quả không khác, ở nhân địa cũng học với A Di Đà Phật. Đó là tổng kết đại nguyện của Ngài, sau cùng cầu Phật khai thị cho Ngài.

Kinh văn: “Thế Gian Tự Tại Vương Phật, tức vi Pháp Tạng, nhi thuyết kinh ngôn:“Thí như đại hải, nhất nhân đấu lượng, kinh lịch kiếp số, thượng khả cùng để. Nhân hữu chí tâm cầu đạo, tinh tấn bất chỉ, hội đương khắc quả, hà nguyện bất đắc”.

Cái ý này rất hay. Phật chứng minh cho Ngài. Phật chứng minh cho Ngài, thực tế mà nói, cũng chính là làm chứng minh cho chúng ta. Chúng ta phát nguyện, chính mình thường hay hoài nghi là nguyện của ta đã phát ngay trong một đời này ta có thể làm được hay không? Bạn xem thấy khai thị của Thế Gian Tự Tại Vương cũng sanh ra tín tâm đối với chúng ta. Phật trước dùng thí dụ để nói. Thí dụ đại hải, một người dùng đấu để lường, biển quá lớn, đấu thì quá nhỏ, bạn có thể đem nước của biển lớn lường hết hay không? Trên lý luận là có thể. “Kinh lịch kiếp số”, nếu như bạn thật có tuổi thọ dài đến như vậy, tuổi thọ của bạn là vô lượng kiếp, bạn ngày ngày đi lường, nhất định sẽ có một ngày lường hết nước biển. Cái thí dụ này hay,trong thí dụ ám thị chúng ta phải có nghị lực, phải có quyết tâm, vĩnh hằng bất biến, bạn liền có thể thành công.

/ 374