/ 374
946

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 88

Đến lúc nào bạn chân thật giác ngộ rồi, chân thật tường tận những thứ này có hại đối với chúng ta, biết được nó là hư vọng, không phải chân thật, nó là tà pháp, không phải chánh pháp, nó là ác pháp, không phải thiện pháp, nó có hại, không có lợi cho ta; bạn thật đã biết rõ ràng, thật đã tường tận tính chất của phải quấy nhân ngã tham-sân-si-mạn thì tự nhiên bạn liền không dám làm. Người học Phật chúng ta ở thế gian này, không luận ở trường hợp nào, không luận qua lại với người nào, cũng đều một mảng chân thành. Không thể nói ta muốn đi gặp một người nào đó, họ là thân phận gì, địa vị thế nào, ta nghĩ làm thế nào để gặp họ, phải nên nói chuyện với họ như thế nào. Mệt chết người. Chúng ta không có như vậy, mà luôn là một mảng thẳng thắn. Không luận gặp bất cứ người nào, không luận ở trường hợp nào, thấy Phật Bồ Tát cũng tốt, thấy yêu ma quỷ quái cũng tốt, cũng đều một mảng chân thành, như vậy thì đúng. Đây gọi là học Phật. Phật Bồ Tát là dùng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi đối nhân xử thế tiếp vật, quyết định không có chút hư giả, mỗi niệm vì chúng sanh, không hề vì chính mình. Việc tốt có thành tựu là chúng sanh có phước, không có thành tựu là chúng sanh không có phước, với chính mình không có chút lợi hại nào. Nói lời thành thật, chúng sanh có phước thì chúng ta chính mình khổ cực, phải bôn ba lao nhọc vì họ; chúng sanh không có phước thì chúng ta chính mình nhàn hạ tự tại, không có việc làm. Đây đều là đạo lý chân thật, cho nên bạn phải giác ngộ, bạn phải biết “bạt chư”. Chư là rất nhiều. “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”. Những thứ phiền não này đều là sanh tử căn bản, cho nên ngay trong Phật pháp thường nói, kiến tư phiền não đoạn rồi thì bạn liền siêu việt sáu cõi luân hồi, trần sa phiền não đoạn rồi thì bạn liền siêu việt mười pháp giới, như vậy bạn mới biết được tính nghiêm trọng của kiến tư phiền não.

Kiến tư, dùng lời hiện tại để nói, kiến là kiến giải sai lầm, tư là tư tưởng sai lầm, cũng chính là cái thấy của bạn sai lầm, cách nghĩ của bạn sai lầm, cách nghĩ cách nhìn này đều rơi vào trong phân biệt, chấp trước. Người mê, người không giác ngộ đều sẽ nói cách nghĩ của tôi, cách nhìn của tôi, họ không biết cách nghĩ của họ sai, cách nhìn của họ cũng sai. Thích Ca Mâu Ni Phật ở trên Kinh nói với chúng ta, trước khi bạn chưa chứng được A La Hán quả thì không thể tin tưởng cách nhìn của bạn, không thể tin tưởng cách nghĩ của bạn. Vì sao vậy? Vì bạn mê hoặc điên đảo, không có giác ngộ. A La Hán mới là chánh giác, Bồ Tát là chánh đẳng chánh giác, Phật là vô thượng chánh đẳng chánh giác (chánh chính là không tà, chánh là không có sai lầm), họ có thể tin tưởng cách nhìn cách nghĩ của chính mình. Vậy thì các vị thử nghĩ xem, điều kiện chánh giác của A La Hán là gì? Là đã đoạn kiến tư phiền não rồi, nếu dùng lời của “Kinh Kim Cang” mà nói là đã phá được bốn tướng.

Ngày trước chúng ta đọc Kinh chưa thâm nhập, lơ là qua loa, luôn cho rằng Tiểu Thừa nhất định phải đến A La Hán mới xem là thành tựu, Tu Đà Hoàn không để ở trong mắt. “Kinh Kim Cang” mọi người đều đọc rất quen thuộc, nhưng mọi người xem thường sự việc này. Chúng ta đọc ở trong “Kinh Kim Cang”, người chứng được quả Tu Đà Hoàn không còn tưởng Tu Đà Hoàn, họ chính mình không có nói “tôi chứng được quả Tu Đà Hoàn”. Nếu họ có cách nghĩ này, Thế Tôn liền không nói họ đã chứng quả Tu Đà Hoàn. Như vậy chúng ta mới hiểu rõ, quả Tu Đà Hoàn không dễ dàng gì chứng được. Tại vì sao vậy? Cũng phải lìa bốn tướng, tức là vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng thì bạn mới có thể chứng được quả Tu Đà Hoàn. Cho nên phá được bốn tướng, công phu có cạn sâu rộng hẹp khác nhau. Công phu của Tu Đà Hoàn thì nhỏ hẹp, là cạn, nhưng cũng lìa khỏi bốn tướng. Chỗ này đáng được chúng ta chú ý. Chúng ta bình thường chính mình đọc Kinh, giảng Kinh đều là xem thường đi sự việc này, đều chú trọng ở giải thích danh tướng, không hề thể hội được tinh nghĩa tinh hoa trong đó, không thể hội được nghĩa lý, cho nên không được thọ dụng.

Phía trước đã báo cáo qua với các vị, vào đạo lối đi quan trọng nhất là phát nguyện. Phát tâm là đầu, cho nên học pháp môn, tu hành quan trọng nhất là trước tiên lập nguyện đoạn phiền não, nhất định phải lập đại nguyện này, phải “bạt chư cần khổ sanh tử căn bổn”. Chỗ này là nguyện thứ ba trong tứ hoằng thệ nguyện. “Thành Phật đạo”, “tốc thành vô thượng chánh đẳng chánh giác”, chỗ này nói chứng quả. Nhất định phải chứng quả, không chứng quả quyết định sẽ thoái chuyển. Phật trong Đại Tiểu thừa đều nói với chúng ta, Bồ Tát đến địa vị nào mới không thoái chuyển? Bát Địa. Bát Địa gọi là bất động địa. Do đây có thể biết, Bồ Tát Thất Địa vẫn sẽ thoái chuyển.

/ 374