/ 374
910

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 87

PHẨM THỨ NĂM: CHÍ TÂM TINH TẤN

Kinh văn: “Đệ ngũ: Chí tâm tinh tấn”.

Ở phẩm trước, chúng ta xem thấy Di Đà Như Lai ở nhân địa phát đại thệ nguyện, tôi đã giảng nói qua tường tận với các vị rồi. Sau khi phát nguyện thì nhất định phải có hành. Nếu như không có hành thì nguyện này gọi là hư nguyện, chúng ta gọi là không nguyện, vĩnh viễn không thể hiện thực, đương nhiên bất cứ thành tựu gì đều không cần phải nói. Cho nên nghĩ lại, tại vì sao chính mình tu học cũng dùng thời gian rất dài mà không có được thành tựu? Nguyên nhân chính là có nguyện nhưng không có hành, có giải nhưng không có chứng, cho nên vẫn là dùng tâm luân hồi tạo nghiệp luân hồi. Đây là tâm bệnh của chúng ta. Tâm bệnh này không nhẹ, đó là bệnh nặng, chúng ta vạn nhất không nên xem thường. Chúng ta xem thấy Bồ Tát tu hành có thể thành Phật then chốt chính là ở giải hành tương ưng, giải giúp cho hành, hành giúp cho giải thì mới có thể thành tựu. Chúng ta học Phật, ở giải môn ít nhiều đều có một ít nền tảng, nghe Kinh thời gian nhiều rồi, đương nhiên càng nghe càng tốt.

Thế Tôn đã làm ra tấm gương tu học tốt nhất cho chúng ta xem, nhất là tấm gương tốt cho người xuất gia. Cùng thời đại với Thế Tôn, cư sĩ Duy Ma thị hiện tấm gương tốt cho người tu hành tại gia. Chúng ta học Phật, tổng hợp lại chính là hai người xuất gia và tại gia này. Ngài Duy Ma hiện ra là thân cư sĩ, ở trên Kinh Phật tường tận nói với chúng ta, đó là Phật tại gia. Thích Ca Mâu Ni Phật là thị hiện Phật xuất gia, giảng Kinh nói pháp không hề gián đoạn. Không chỉ Thế Tôn giảng Kinh nói pháp không hề gián đoạn, cư sĩ Duy Ma cũng giảng Kinh nói pháp có gián đoạn bao giờ đâu? Đối với tất cả chúng sanh, không chỉ là ngôn giáo, mà quan trọng hơn là thân giáo. Ngài đã làm được chân thật là “vì người diễn nói”, Ngài làm được viên mãn, làm được cứu cánh. Cho nên phẩm này tựa đề đã nói Chí Tâm Tinh Tấn, chí thành đến cùng tột, dùng lời hiện tại của chúng ta để nói là vô số tâm hành chí thành vô thượng. Điều này chúng ta cần phải học tập. Trên Kinh Phật thường nói: “Nhập đạo yếu môn, phát tâm vi thủ, tu hành cấp vụ, lập nguyện cư tiên”. Có nguyện sau đó dùng hành thực tiễn đại nguyện của bạn, cho nên phẩm này tiếp theo.

Kinh văn ở đoạn thứ nhất: “Pháp Tạng thỉnh pháp”. Khoa đề này chúng ta không cần phải nói, mọi người xem rồi đều rất tường tận.

*************

Kinh văn: “Pháp Tạng Tỳ Kheo, thuyết thử kệ dĩ, nhi bạch Phật ngôn: “Ngã kim vi Bồ Tát đạo, dĩ phát vô thượng chánh giác chi tâm, thủ nguyện tác Phật tất linh như Phật””.

Câu phía trước là văn tổng kết. “Thuyết thử kệ dĩ” chính là nói mười câu kệ phía trước. Sau khi nói xong mười bài kệ, hướng đến Phật thỉnh pháp, bạn xem thử người ta dùng tâm trạng như thế nào? “Ngã kim vi Bồ Tát đạo”, không phải vì chính mình. Câu này chính là Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham trên “Kinh Hoa Nghiêm”. Thiện Tài mỗi lần tham phỏng thiện tri thức, trước tiên là hành lễ chí kính, sau khi chí kính xong thì là tán thán. Đây đều là thuộc về lễ tiết, hiển thị ra người là thiện tri thức đối với chính mình, tôn trọng đối với pháp, người Trung Quốc gọi là “tôn sư trọng đạo”, biểu hiện trong nghi thức thỉnh pháp. Nghi thức này rất quan trọng, đối phương xem thấy cử chỉ của bạn, lời nói của bạn, liền biết được bạn có thành ý tu học hay không. Nếu như bạn có thành ý tu học, họ nhất định sẽ nỗ lực giúp đỡ bạn. Nếu như thái độ của bạn biểu thị ngạo mạn, lời nói khéo léo không thật, ngôn ngữ ngôn từ rất đẹp, nói ra thì rất dễ nghe, thế nhưng người ta vừa nhìn thì biết bạn tuyệt nhiên không có thành ý. Vị thiện tri thức này đối với bạn cũng rất là khách sáo, rất lễ tiết, rất tán thán bạn nhưng không dạy bạn. Tại vì sao vậy? Dạy cũng là uổng phí, bạn không có thành ý học, cho nên người ta không dạy. Do đó, nghi thức lễ kính hoàn toàn biểu thị tâm trạng cầu pháp của mình. Bạn nói xem, quan trọng cỡ nào! Có lẽ cũng có người hỏi, cái thứ này tôi chưa có học qua, tôi không biết. Không cần phải học, “thành ư trung”, trong tự nhiên “hành ư ngoại”. Người không có đi học, không có tri thức, lão ông lão bà dưới quê cả đời chưa đi ra bên ngoài, nhưng tâm thành kính của họ lưu lộ ở bên ngoài, vấn đề là bạn có tâm thành kính hay không? Thế gian người có học vấn, người có kiến thức vừa nhìn liền biết rõ, không cần phải hỏi. Người có đức hạnh của thế gian đều có thể thấy ra được, huống hồ Phật Bồ Tát, bạn làm sao có thể giấu được họ?

/ 374