PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 86
Đặc biệt đối với chủng tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau, quyết định không thể nói niệm Phật tốt, họ không thể tiếp nhận. Có thể biểu thị đối với họ rất là hữu hảo, quan tâm, thương yêu và giúp đỡ họ, sau đó mới hỏi họ là bạn có muốn biết Phật dạy cái gì không? Đây là thuộc về thường thức. Cùng một đạo lý, chúng ta cũng rất hiểu rõ chủng tộc của họ, cũng rất tường tận văn hóa của họ và cũng hy vọng hiểu rõ giáo nghĩa tôn giáo của họ. Đây là thuộc về tri thức, cầu tri. Người có cầu tri, chúng ta liền có thể đem quyển sách Nhận Thức Phật Giáo tặng cho họ, giúp đỡ họ, làm cho họ hiểu rõ Phật giáo, về sau biết làm thế nào để qua lại với tín đồ Phật giáo, hữu hảo với tín đồ Phật giáo, làm bạn với tín đồ Phật giáo, vậy thì họ liền hoan nghênh. Bạn không nên nói với họ là bạn buông bỏ tôn giáo của bạn để làm tín đồ Phật giáo, đó là chúng ta sai, họ không hề sai. Họ không tiếp nhận, họ không hề sai, chúng ta sai rồi. Chúng ta sai rồi con nói người khác không có thiện căn, vậy sao được chứ? Có nói thế nào cũng nói không thông. Làm vậy thì làm sao nói được thông chứ? Đơn giản là không có đạo lý.
Thứ hai của Tứ Tất Đàn chính là ngày nay chúng ta gọi là quan tâm người khác: “Vi Nhân Tất Đàn”. Mỗi niệm phải lo nghĩ cho người. Họ có khó khăn gì? Họ cần được sự giúp đỡ nào? Làm thế nào giúp cho họ được lợi ích, làm thế nào giúp họ được hạnh phúc về đời sống tinh thần, về đời sống vật chất? Thậm chí làm thế nào giúp họ hoằng dương tôn giáo của họ? Vậy thì họ rất hoan hỉ. Ở nơi đây chúng ta làm rồi, chúng ta đến nơi đó thăm viếng, đối với giáo hội của họ, họ thành lập sự nghiệp từ thiện, chúng ta đều tặng một ít tiền giúp cho họ. Viện dưỡng lão, cô nhi viện, chúng ta đã tặng rất nhiều thức ăn. Nhưng những chỗ này chúng ta không cho cá thịt, bởi vì bên dưới của Cư Sĩ Lâm thức ăn quá nhiều, chúng ta ăn không hết, như bún gạo, mì, dầu. Những thứ này, mỗi một tôn giáo khác nhau chúng ta đều tặng cho rất nhiều. Nhất định phải hợp tác lẫn nhau, thương yêu lẫn nhau, như vậy mà qua lại thì giao tình của chúng ta sẽ rất sâu. Quan tâm lẫn nhau, cảm ân lẫn nhau. Chúng ta tốt với họ, họ cảm kích chúng ta, họ đối tốt với chúng ta, chúng ta cảm kích họ. Cho nên, độ hóa chúng sanh chính là giúp đỡ chúng sanh. Giúp đỡ chúng sanh phải có trí tuệ, phải có phương pháp, phương tiện khéo léo. Chúng ta phải học với Phật Bồ Tát.
Tứ Nhiếp Pháp là phương pháp thuần túy.
Thứ nhất là Bố Thí. Bố thí liền có thể kết duyên. Bạn không chịu bố thí thì duyên của bạn từ đâu mà có? Nhất định phải tu bố thí. Trong sáu cương lĩnh tu học của Bồ Tát thì cái thứ nhất chính là bố thí. Bố thí là một cương lĩnh quan trọng nhất, bởi vì trong bố thí có tài bố thí, có pháp bố thí, có vô úy bố thí. Năm điều khác, trì giới và nhẫn nhục là thuộc về bố thí vô úy; tinh tấn, thiền định, bát nhã là thuộc về pháp bố thí. Một bố thí đã đem vô lượng vô biên hành môn của Bồ Tát toàn bộ bao gồm trong đó. Cho nên học Bồ Tát, từ sơ học mãi đến thành Phật, các Ngài tu cái gì? Tu bố thí Ba La Mật mà thôi, không có phương pháp khác. Chúng ta đối với tất cả chúng sanh thì bố thí xếp ở hàng đầu, nhất định phải nỗ lực mà học tập.
Thứ hai là Ái Ngữ. Ái ngữ là nói chuyện với người dùng tâm chân thành thương yêu họ, đây gọi là ái ngữ. Ái ngữ không phải là lời nói đường mật, không phải là lời nói dễ nghe, mà là lời quan tâm họ, lời thương yêu họ.
Thứ ba là Lợi Hành. Hành vi của chúng ta nhất định là có lợi ích đối với họ thì làm sao họ không tiếp nhận, làm sao mà không hoan hỉ chứ?
Thứ tư là Đồng Sự. Đó là càng xây dựng quan hệ mật thiết hơn. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên sau khi mở buổi dạ tiệc ấm áp, thưa hỏi qua các tôn giáo, xây dựng quan hệ rất tốt. Hiện tại muốn trù bị một Hỷ Niên Hoa Hội Hòa Bình Tôn Giáo Singapore, áp dụng đa nguyên văn hóa. Buổi dạ tiệc đêm giao thừa của chúng ta thời gian ngắn, chỉ có mấy giờ đồng hồ. Đó là liên hoan của tín đồ tôn giáo, liên hoan của các chủng tộc khác nhau, thật hiếm có, thế nhưng thời gian quá ngắn. Phải thường hay cùng nhau liên hoan, cho nên Hỷ Niên Hoa Hội đại khái là từ bảy ngày đến mười bảy ngày. Thời gian dài như vậy, mỗi ngày cùng nhau tụ họp lại, vui vẻ náo nhiệt, thực tiễn đa nguyên văn hóa. Đa nguyên văn hóa là trong xã hội hiện đại nói, còn chúng ta thì phải nên có cách nói như thế nào? Thực tiễn Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Hiện tại việc giảng “Kinh Hoa Nghiêm” tuy là dời đến giảng đường của Tịnh Tông Học Hội, thế nhưng mỗi buổi giảng chúng ta đều đưa lên mạng. Các vị ở trong nhà, sáng sớm mỗi ngày từ mười giờ đến mười một giờ rưỡi đều có thể lên mạng để thu xem. Nếu như trong nhà không có đường truyền, muốn nghe “Kinh Hoa Nghiêm”, chúng ta đều có băng ghi hình, có thể đến Tịnh Tông Học Hội để mượn về xem. “Hoa Nghiêm” chính là thực tiễn đa nguyên văn hóa, tất cả chúng sanh đều hưởng thụ đời sống Phật Hoa Nghiêm. Đời sống của Phật Hoa Nghiêm chính là hiện tại chúng ta gọi là đời sống chân thiện mỹ. Đó là nói đến đồng sự. Chúng ta xem thấy Thế giới Tây Phương Cực Lạc, ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” xem thấy Thế giới Hoa Tạng của Tỳ Lô Giá Na Phật, nếu dùng cái nhìn của người hiện tại ngày nay mà nói, mỗi ngày đều là Hỷ Niên Hoa Hội Đa Nguyên Văn Hóa không hề gián đoạn. Các vị thử nghĩ xem, có đúng hay không? Phật pháp học rồi phải có chỗ dùng, học rồi nhất định phải dùng ở ngay trong đời sống của chúng ta. Nếu chúng ta có thể khế nhập cảnh giới này, đem Phật pháp thực tiễn, như vậy mới chân thật có thể làm đến được “bạt hữu tình, độ chúng sanh”.