/ 374
704

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 80

Tịnh Tông Tu Hành Thủ Tắc là hành kinh của chúng ta. Kinh có bốn loại Giáo-Lý-Hành-Quả, đó là tu hành, cũng chính là hành vi chí thiện mà tôi thường nói. Quyển sách nhỏ này để các vị mang theo bên mình, mỗi lúc xem, xem rồi phải làm được, từng điều phải làm cho được. Trong quyển sách nhỏ này, tổng cộng có ba bộ phận. Bộ phận phía trước là tiết lục giáo huấn trong năm kinh của Tịnh Tông. Bộ phận thứ hai có 60 điều, chính là giáo huấn của kinh Vô Lượng Thọ. Bộ phận thứ ba đại khái cũng có sáu mươi mấy điều, tiết lục giáo huấn từ trong Di Lặc Bồ Tát Sở Vấn kinh đã nói. Những bộ kinh này đều giảng qua ở nơi đây. Bạn có thể làm được mấy điều này thì bạn chính là Bồ Tát chân thật, bạn là người tu hành chân thật, bạn nhất định sẽ được chư Phật hộ niệm long thiên ủng hộ. Bạn phát nguyện vì Phật pháp, vì chúng sanh thì làm bất cứ sự nghiệp gì đều sẽ viên mãn. Có nguyện ắt thành. Chính chúng ta phải chuẩn bị đủ điều kiện này mới được. Chính mình không đầy đủ cái điều kiện này, cầu cảm ứng sẽ không cầu được. Bạn có thể cầu, có cầu ắt có ứng là bản thân bạn chuẩn bị đầy đủ điều kiện tốt. Việc này mọi người nhất định phải nên hiểu. Chính mình không nỗ lực tu hành thì quyết định không thể có thành tựu.

Câu thứ hai: “Lợi ích chúng sanh cúng dường”. Chỗ này trong lúc giảng giải chúng ta thường hay nhắc đến, chúng ta tâm tâm niệm niệm lợi ích tất cả chúng sanh, tâm lượng phải lớn, quyết không thể nói lợi ích chúng sanh tôi ưa thích, còn chúng sanh tôi không ưa thích, chúng sanh chán ghét thì tôi không lợi ích cho họ. Cách nghĩ này của bạn sai rồi. Lợi ích chúng sanh không phân biệt chủng tộc, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt tộc loại, một mực bình đẳng lợi ích. Trong tất cả lợi ích thì lợi ích lớn nhất là gì? Ở trên kinh Phật đã nói, giúp đỡ chúng sanh giác ngộ, đó là lợi ích lớn nhất, nên gọi là “phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui”. Tại vì sao chúng sanh có khổ? Khổ là do họ mê mà không giác thì họ khổ thôi. Họ có tai, có nạn, có khổ, chúng ta ở trên mặt vật chất giúp cho họ một chút là chỉ có thể cứu nhất thời, không thể cứu cả đời. Cho dù bạn có năng lực giúp đỡ cho họ cả một đời, đến đời sau thì phải làm sao? Bạn còn có thể chăm sóc được cho họ không? Đời sau lại còn đời sau nữa. Phật Bồ Tát lợi ích chúng sanh, đời đời kiếp kiếp mãi mãi lợi ích cho họ, lợi ích chân thật. Bạn thử nghĩ xem, sự việc này chúng ta làm thế nào thực tiễn?

Thực tiễn ở chỗ này chính là giáo dục. Nếu các vị thường hay nghĩ đến, Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời giảng kinh nói pháp, việc này mọi người đều biết, Thế Tôn năm xưa ở đời giảng kinh hơn 300 hội, nói pháp 49 năm, giống như Khổng Lão Phu Tử vậy, cả đời đều làm công tác giáo dục xã hội. Công tác giáo dục này không có nhận bồi dưỡng, là công tác nghĩa vụ, Phật không hề nhận một xu tiền học phí nào của người ta. Tiếp nhận cúng dường chẳng qua là một ngày ăn cơm một bữa, tiếp nhận một bát cơm mà thôi, ba y một bát, không có tâm mong cầu, cả đời giáo học không biết mệt, đó là lợi ích chúng sanh cúng dường. Chúng ta phải học tập.

Vào thời xưa giao thông không thuận tiện, phạm vi đời sống nhân dân rất nhỏ hẹp, đích thực là có người đến già chết mà chưa từng qua lại. Ở ngay trong thôn xóm, thôn xóm cách bên có thể nhìn thấy được, chỉ có mấy dặm đường thôi, nhưng cả đời cũng chưa từng qua đến bên thôn trang đó, đến già chết chưa từng qua lại. Phạm vi đời sống rất nhỏ, giao thông không thuận tiện. Tình hình như vậy mới cần xây đạo tràng, cho nên nơi nơi đều có đạo tràng, đều có pháp sư ở nơi đó giảng kinh nói pháp, giáo hoá chúng sanh. Hiện tại thời đại này thay đổi rồi, khoa học kỹ thuật phát triển, thông tin phát triển, toàn thế giới bất cứ một nơi nào, xảy ra một việc nhỏ nào, chúng ta lập tức liền biết được. Giao thông thuận tiện. Bạn nghĩ xem, vào thời xưa, nếu từ Trung Quốc đi đến nơi đây, đi đến Nam Dương làm gì mà dễ dàng. Có cơ hội cho bạn đến, bạn cũng e ngại, ngồi thuyền phải ngồi đến mấy tháng mới có thể đến được. Hiện tại giao thông thuận tiện, mấy giờ đồng hồ thì đến rồi. Cho nên tôi ở Úc Châu, ở Tuyết Lê, có một số đồng tu gặp mặt tôi ở Tuyết Lê, tôi liền nói với họ, Đài Bắc đến Tuyết Lê ở vào 30 năm trước, đại khái ba bốn chục năm trước, từ Đài Bắc đến Cao Hùng phải ngồi tàu hoả, tàu nhanh là tám giờ, tàu chậm là 12 giờ. Hiện tại từ Tuyết Lê đến Đài Bắc là 8 giờ đồng hồ, địa cầu nhỏ lại, cho nên gọi là thôn địa cầu. Tham quan du lịch dường như biến thành việc cần thiết trong cuộc sống của một người, tuyệt nhiên không phải xa xỉ, mà là biến thành một bộ phận đời sống, đi nghỉ hè. Thế là chúng ta cùng với thế giới bên ngoài tiếp xúc được nhiều hơn, bạn sẽ tiếp xúc với những người chủng tộc khác nhau, người quốc gia khác nhau, người tín ngưỡng khác nhau, người văn hoá khác nhau, người có phương thức đời sống khác nhau, người tín ngưỡng tôn giáo khác nhau, bạn phải cùng sinh hoạt chung với họ, đây gọi là đa nguyên văn hoá. Cho nên phải có quan niệm lợi ích tất cả chúng sanh, vô số giới hạn thảy đều phải đột phá. Hiện tại địa cầu này biến thành một nhà, cái nhà này có lớn hay không? Không lớn, một gia đình rất nhỏ, so với Phật thì nhỏ hơn rất nhiều. Nhà của Phật thì bao lớn? Tận hư không, khắp pháp giới, Phật là “lấy pháp giới làm nhà, lấy chúng sanh làm chính mình”. Nếu như chúng ta muốn làm Phật, nếu bạn không thể thực tiễn được hai câu nói này, thì bạn không thể làm được Phật. Mọi người niệm Phật đều muốn thành Phật, đều muốn đi đến thế giới Cực Lạc để thành Phật, trước tiên bạn phải có cái quan niệm này, phải thực tiễn cái quan niệm này. Tất cả chúng sanh là chính mình, hư không pháp giới là nhà của ta, thì bạn mới có hy vọng làm được Phật. Cho nên, khởi tâm động niệm của bạn có thể lợi ích tất cả chúng sanh. Khởi tâm động niệm là nguyện vọng, nguyện vọng có thể biến thành sự thật hay không lại là một tầng công phu. Làm thế nào đem nguyện vọng biến thành sự thật, thực tiễn được nó? Bạn phải có hành động.

/ 374