PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 79
Kinh văn:
“Giả linh cúng dường hằng sa thánh
Bất như kiên dũng cầu chánh giác”.
Đoạn kinh văn này là nói rõ A Di Đà Phật tu hành phát nguyện ở nhân địa. Kinh văn phân thành sáu đoạn nhỏ. Đoạn nhỏ thứ nhất là “nguyện văn đồng Phật”, đoạn thứ hai là “huệ siêu bỉ ngạn”, đoạn thứ ba là “như Phật cứu khổ”, đoạn thứ tư là “tất linh thành Phật”. Những chỗ này đã giới thiệu qua, hôm nay đây là đoạn thứ năm “kiên dũng cầu chánh giác”.
Kinh văn tuy là chỉ có hai câu nhưng ý nghĩa rất sâu, hiện tiền chúng ta phải nên học tập. Từ trên bề mặt của kinh văn mà thấy, gần như là tu cúng dường không quan trọng lắm, cầu chánh giác là quan trọng, nhưng trên thực tế thì hai việc này đều quan trọng như nhau. Tuy là đều như nhau, trong đây vẫn là có phân ra chủ khách. Câu phía trước là nói tu phước, câu phía sau là nói tu huệ. Phật pháp, đặc biệt là Phật pháp Đại Thừa, Thế Tôn luôn dạy chúng ta phước huệ song tu, hai việc này đều là ngang nhau, không thể nào chấp trước, phải nên đồng thời tu học, hỗ tương lẫn nhau mới có thể chứng được quả vị viên mãn. Chúng ta ở trong kệ Tam quy, đọc đến “quy y Phật nhị túc tôn”, chữ “nhị” này chính là tu phước và tu huệ, hai câu này, hai loại này đều đạt đến cứu cánh viên mãn. Có thể thấy được Ngài tuyệt nhiên không hề xem nhẹ việc cúng dường. Tại vì sao ở ngay chỗ này Phật muốn nói hai câu nói này? Hai câu này là hết lòng hết dạ khuyên bảo chúng ta, tu phước vạn nhất không nên quên đi tu huệ, không có phước báo của trí tuệ thì là giả, không phải là thật. Chúng ta bình lặng mà quán sát, tỉ mỉ mà tư duy, không có phước báo của trí tuệ thì khi hưởng phước không thể nào không tạo nghiệp, phước hưởng hết rồi phần nhiều là đoạ ba đường, phước báo đó rất lớn, không phải là phước báo thông thường.
Khoảng hai tuần trước, có đồng tu đưa cho tôi xem một bản tin tức mới, đó là bản tin từ báo chí đại lục Trung Quốc. Bản tin nói rằng cuối năm nhà Thanh, có sáu nhân vật lớn hiện đã biến thành thân heo, trong đó có Viên Thế Khải, có Lý Hồng Chương, đây đều là nhân vật nổi tiếng trên lịch sử. Làm sao biết được họ biến thành heo? Con heo này khi sanh ra, trên thân heo có cái tên của họ, thật kỳ lạ! Đây là nói rõ tu phước không tu huệ. Khi còn ở nhân gian hưởng hết phú quí của nhân gian rồi, sau khi chết vẫn chưa đến một thế kỷ đã rơi vào trong cõi súc sanh, biến thành thân heo. Việc này đã cho chúng ta một cảnh giác cao độ, nói rõ tu huệ còn quan trọng hơn tu phước, thế nhưng quyết định không nên hiểu lầm cho rằng chúng ta không cần tu phước, bạn có cách nghĩ như vậy thì bạn sai rồi. Bồ Tát Phổ Hiền trong Hạnh Nguyện Phẩm nói với chúng ta (lời nói này tuy là nói với Thiện Tài Đồng Tử, Thiện Tài Đồng Tử là đại biểu cho chúng ta, nói với Ngài chính là với chúng ta): “Thiện nam tử, chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối”, đây là “cúng dường hằng sa thánh”. Hằng sa là nói số lượng, hằng hà sa số. Ấn Độ có một con sông lớn là sông Hằng, cát của sông Hằng rất mịn. Tôi chưa đi qua Ấn Độ, có không ít đồng tu đến Ấn Độ bái thánh mang về cát sông Hằng cho tôi xem, đích thực giống như bột mì, không giống như cát bên đây của chúng ta, cát ở đó mịn hơn cát của chúng ta nhiều. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời, thời gian ở hai bên bờ sông Hằng giảng kinh nói pháp rất lâu, cho nên phàm hễ nói đến số lượng lớn, Phật đều dùng cát sông Hằng để làm thí dụ. Số cát sông Hằng bất tận không đếm hết. Đây là nói giả sử bạn đã từng cúng dường thánh nhân số lượng nhiều như cát sông Hằng. Thánh nhân ở chỗ này, thông thường là chỉ Bồ Tát Địa Thượng, cũng chính là từ Sơ Địa trở lên. Cúng dường những thánh chúng này, cái phước đó rất lớn rất rộng, phước báo rất lớn, ở chỗ này Phật nói trái lại “không bằng kiên dũng cầu chánh giác”. Phước báo lớn đến như vậy quyết định sẽ không đoạ ba đường, bạn là chân thật cúng dường thánh hiền thì làm sao có thể đoạ vào ba đường? Đoạ ba đường phần nhiều là phước báo trời người, phước báo hữu lậu, nếu như cúng dường Phật Bồ Tát thì quyết định không đến đoạ lạc, thế nhưng “không bằng kiên dũng cầu chánh giác”. Cái đạo lý này chúng ta phải tường tận.
Chúng ta nói đến cúng dường trước. Ngày nay chúng ta học Phật, tu hành, hoằng pháp lợi sanh, thực tế ra mà nói là phước báo của chúng ta không đủ, do đó làm bất cứ việc gì đều có chướng ngại, đều có khó khăn. Những chướng nạn này chính là nói rõ phước báo của chúng ta rất mỏng, ngay trong đời quá khứ không có tu phước, ngay trong đời này cũng xem thường tu phước. Thế nhưng chúng ta hiểu rõ tường tận, những việc lợi ích tất cả chúng sanh vẫn là phải làm, những sự việc này đều là thuộc về phía cúng dường tu phước. Tu phước nhất định phải học Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát có trí tuệ cao độ, hoàn toàn không giống như phàm phu chúng ta. Phàm phu tu phước luôn luôn là tính toán từng li từng tí, luôn không thể lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Bố thí tài vật cúng dường, trong lòng luôn là nghĩ đến là số tiền này có phải họ chân thật đã làm việc tốt hay không? Thí dụ, ngày trước thế gian này có rất nhiều khu vực xảy ra tai nạn, nước lụt, hạn hán, cũng có không ít đoàn thể từ thiện ở nơi đây quyên mộ để cứu tế. Luôn luôn có một số người suy nghĩ là việc cứu tai là việc tốt, tiền quyên của tôi có thể đến được tay của người bị nạn hay không? Có khi nào bị họ lạm dùng hết hay không? Cái ý niệm này vừa khởi thì không dám bố thí, không bằng lòng cúng dường, lo sợ tiền này không đến được trên tay của người dân bị nạn. Loại tình huống này có hay không? Có, nếu như mỗi người đều có loại quan niệm này thì còn ai đi cứu tế? Không phải là để cho những người dân ở nơi đó chịu khổ chịu nạn hay sao? Bồ Tát cứu người gặp tai nạn không hề suy nghĩ, không hề lo lắng. Chúng ta quyên góp cho họ, họ lấy đó mà chiếm lợi riêng thì đó là nhân quả của họ; chúng ta dùng tâm thanh tịnh bố thí là phước báo của chúng ta, ta được phước, họ chịu nhân quả. Sau khi bạn hiểu rõ đạo lý này, không luận người khác có đem tiền đó đưa đến tay của những người dân bị nạn hay không, sự việc này chúng ta đều phải nên làm, không chút lo lắng mà làm, phước báo của bạn là viên mãn, phước báo của bạn là thanh tịnh. Chỉ cần bạn rơi vào trong phân biệt chấp trước, bạn xem, cơ hội tu phước sẽ lỡ qua ngay trước mặt bạn.