/ 374
624

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 78

Trong quá trình học tập, chúng ta thường hay gặp một số đồng tu đến nói với tôi là, nghe một người nào đó nói, một vị pháp sư nào đó nói phương pháp niệm Phật của chúng ta đây vẫn chưa phải là tốt nhất, phương pháp của họ còn thù thắng hơn chúng ta, thế là tâm liền dao động. Đó là gì vậy? Bạn không có sức định, người bên cạnh dùng quạt phẩy nhè nhẹ thì bạn liền dao động, thì bạn làm sao có thành tựu? Họ nói pháp môn này của họ tốt hơn chúng ta thì bạn theo học với họ, vừa qua được mấy ngày lại gặp một người khác nói phương pháp còn tốt hơn so với người này, vậy là bạn liền chạy qua bên đó. Đứng núi này nhìn núi nọ, ngay trong một đời này của bạn ngày ngày chuyển đổi pháp môn, đến sau cùng một môn cũng không thể thành tựu. Nói pháp môn này cao, pháp môn kia thấp, trên kinh Kim Cang lời Phật nói là “pháp môn bình đẳng, không có cao thấp” phải mau sửa đổi lại “pháp môn không bình đẳng, có cao có thấp”. Đây là bạn ngu si. Yêu ma quỷ quái chỉ có thể dao động tâm người ngu si, vì sao vậy? Họ không có chủ tể, họ không có sức định. Không có chủ tể rất dễ bị thiệt thòi, rất dễ bị lừa gạt. Người tâm có chủ tể, người có sức định không thể bị dao động.

Sự việc này, các vị phải cố gắng mà đọc Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Tứ Thiệp Sớ, là chú giải của đại sư Thiện Đạo, đặc biệt xem đoạn chú giải Thượng Phẩm Thượng Sanh Chương. Đoạn chú giải đó Ngài chú giải được rất tường tận. Chúng ta đã từng giảng qua toàn kinh này, cũng đặc biệt giảng qua đoạn này, Thượng Phẩm Thượng Sanh Chương, tôi nhớ được tôi đã giảng qua đoạn này rất tỉ mỉ. Nếu bạn chân thật ở trong đoạn này thể hội được thì tâm của bạn liền có chủ tể, không thể dao động. Đại sư Thiện Đạo nói, đừng nói thiện tri thức đến khuyên chúng ta đổi pháp môn, Thích Ca Mâu Ni Phật đến nói cũng không làm, tất cả chư Phật Như Lai đến nói cũng không làm, bạn có thể nói với chư Phật Như Lai là con đã chọn lấy pháp môn này, pháp môn đó tuy là tốt nhưng để dành cho người khác học, con vẫn là học pháp môn này. Kiên trì đến cùng. Đại sư Thiện Đạo dạy chúng ta bí quyết, Phật đến khuyên chúng ta, chúng ta cũng không dao động, huống hồ là thiện tri thức gì đó. Đại sư Thiện Đạo nêu ra thí dụ này rất hay, chúng ta phải suy xét nhiều, nếu không thì đạo tâm này của chúng ta gọi là đạo tâm sương sớm, nước trên lục bình, tùy theo gió dao động, không có gốc, thì làm sao bạn có thành tựu?

Thế Tôn có thể nói là từ bi đến cùng tột, biết được tâm bệnh của chúng sanh thời mạt pháp, cho nên trước khi nhập diệt, Ngài lưu lại cho chúng ta “tứ y pháp”, giúp cho các đệ tử về sau, ở ngay trong một đời bảo đảm tu học thành tựu. Trong tứ y pháp, câu thứ nhất liền dạy chúng ta “y pháp bất y nhân”. Phàm hễ không thể thành tựu là trái với giáo huấn của Phật Đà, họ làm gì vậy? Họ y người không y pháp thìnhất định thất bại. Chúng ta phải luôn ghi nhớ lời giáo huấn này của Thế Tôn. Niệm Phật, người Nhật Bản đề xướng bổn nguyện niệm Phật, họ nói pháp môn này tốt, siêu vượt hơn chúng ta rất nhiều, họ nói người Trung Quốc chúng ta niệm Phật đều là sanh biên địa nghi thành, họ niệm Phật thì thượng thượng phẩm vãng sanh. Bổn nguyện niệm Phật có ra từ bộ kinh nào? Tịnh Độ có ba kinh một luận, sau đó tổ sư thêm vào là năm kinh một luận. Trong năm kinh một luận đều không có nói bổn nguyện niệm Phật. Trên kinh Vô Lượng Thọ, trong phẩm ba bậc vãng sanh, điều kiện nói ra rất rõ ràng tường tận, bạn không nghe, lại nghe người ta ăn nói xằng bậy. Thành thật mà nói, chúng ta niệm Phật sanh biên địa nghi thành cũng không tệ, họ như vậy ngay đến biên địa nghi thành cũng không có phần, kém xa so với ta, vì sao vậy? Gây rối sanh sự, hủy báng Phật pháp, phá hoại tín tâm của chúng sanh, đoạn tất cả pháp thân huệ mạng của chúng sanh, bạn thử nghĩ xem quả báo của họ ở đâu? Chúng ta quyết định y theo giáo huấn của kinh điển, y pháp bất y nhân, họ tu của họ, ta tu của ta.

Các vị cũng đã từng nghe nói qua, lão Hòa thượng Đế Nhàn có một đồ đệ là một người thợ vá nồi, ông không hiểu bất cứ thứ gì, lão Hòa thượng chỉ dạy ông một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, một lòng chuyên niệm, niệm mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khoẻ rồi thì phải mau niệm tiếp. Ông niệm đến ba năm, bốn năm thì đứng vãng sanh. Những người này đến hiện thân nói pháp cho chúng ta xem. Vì sao ông có được loại công phu này? Ông chỉ một câu A Di Đà Phật, tâm của ông định ở trên câu A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật ra, trong lòng ông không có vọng tưởng, không có phân biệt, không có chấp trước, không có tạp niệm. Một lòng chuyên niệm ông đã làm được. Trên Kinh Vô Lượng Thọ dạy chúng ta bí quyết niệm Phật có tám chữ: “Phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”, vậy thì người thợ vá nồi có phát tâm Bồ Đề hay không? Thật tế mà nói cái gì gọi là tâm Bồ Đề ông không hiểu, nhưng tâm của ông có phát hay không? Có, nhưng chính ông cũng không hề biết. Đại sư Ngẫu Ích nói rất hay, bạn xem trong Di Đà Kinh Yếu Giải nói: “Một lòng một dạ chuyên cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc, một lòng một dạ chỉ muốn thấy A Di Đà Phật, cái tâm này chính là tâm Vô Thượng Bồ Đề”. Cách nói này, các đại đức xưa trước đại sư Ngẫu Ích chưa nói qua, chúng ta ở trong tất cả văn tự ghi chép cũng chưa nghe nói qua, đại sư Ngẫu Ích nói có đúng không? Chúng ta tỉ mỉ mà tư duy, Ngài nói không hề sai, một lòng hướng Phật, đây không phải là tâm Vô Thượng Bồ Đề thì là tâm gì? Cho nên chúng ta xem thấy rất nhiều lão ông, lão thái bà không biết chữ nào, không biết thứ gì, kinh giáo thì chưa nghe buổi giảng nào, niệm Phật qua hai ba năm thì đứng mà vãng sanh, ngồi mà vãng sanh, biết trước giờ chết, họ lại không bị bệnh, lúc ra đi tướng lạ rất đẹp. Đây chính là chuyên tinh. Thời gian của họ tuy là không dài nhưng họ được định, được niệm Phật tam muội, chính là nói họ được nhất tâm bất loạn, tâm của họ không điên đảo, rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, họ đi đến thế giới Cực Lạc, họ thành công rồi.

/ 374