PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 71
Kinh văn: “Trí tuệ quảng đại thâm như hải, nội tâm thanh tịnh tuyệt trần lao, siêu quá vô biên ác thú môn, tốc đáo Bồ đề cứu cánh ngạn, vô minh tham sân giai vĩnh vô, hoặc tận quá vong Tam Muội lực”.
Lần trước đã nói qua với các vị, sáu câu này là cầu “tự lợi đức”. Bồ Tát Pháp Tạng đã làm ra một điển phạm cho chúng ta, làm thế nào cầu tự lợi. Sau khi tự lợi mới có thể lợi tha. Trong sáu câu, lấy trí tuệ làm đầu, lấy Tam Muội làm tổng kết. Cái ý này rất sâu rất rộng, chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội, áp dụng ngay trong đời sống của chính mình, đó chính là cả đời thọ dụng không thể cùng tận, không luận là có học Phật hay không thì chúng ta vẫn là bình lặng mà trải qua ngày tháng. Nếu như không có trí tuệ, nhà Phật gọi là dễ dàng tạo nghiệp. Thậm chí chính mình cũng không biết được rõ ràng thế nào gọi là tạo nghiệp. Tạo nghiệp đương nhiên phải chịu quả báo. Cho nên, mười pháp giới y chánh trang nghiêm từ do đâu mà có vậy? Chúng ta phải rõ ràng, phải tường tận, sau đó mới biết được những thứ nào là lợi ích chân thật, những thứ nào không phải là lợi ích chân thật.
Phật pháp đối với chân giả có một định nghĩa rất đơn giản. Nếu như ở ngay trong một đời, chúng ta có được phước, có được lợi, nhưng đến đời sau thì không có được, Phật nói cái phước lợi này không phải chân thật. Hiện tại có thể có được, đời sau cũng có thể có được, đời đời kiếp kiếp về sau cũng đều có thể có được, Phật nói cái phước lợi này là chân thật. Trong Kinh điển Phật cũng có nói với chúng ta, hiện tiền không có được phước lợi, đời sau có được phước lợi, đời sau nữa có được phước lợi, thì đó cũng là chân thật. Do đây có thể biết, chư Phật Bồ Tát nói với chúng ta có thể nói là lợi ích lâu dài chứ không phải là một lúc, không phải tạm thời. Lợi ích ngắn ngủi tạm thời, Phật Bồ Tát nói với chúng ta đều là giả. Thế nhưng lợi ích lâu dài nhất định là xây dựng trên nền tảng trí tuệ, mà lợi ích chân thật chính là một câu phía trước đã nói là “tốc đáo Bồ Đề cứu cánh ngạn”, đây là người chân thật tu hành.
Mỗi niệm mong cầu, mỗi niệm ước vọng, thế nhưng vì sao họ không thể có được? Thứ nhất là trí tuệ không đủ, thanh tịnh không viên mãn. Trên Kinh A Di Đà, Phật nói với chúng ta, không thể thiếu phước đức, nhân duyên mà có thể sanh nước kia. Nếu y theo tiêu chuẩn này, thì là thiện căn, phước đức, nhân duyên không đủ. Nếu như thiện căn phước đức nhân duyên đủ thì “tốc đáo Bồ Đề cứu cánh ngạn” liền làm được. Duyên phận ngày nay của chúng ta, thực tế là hy hữu khó gặp. Duyên phận nay đã đủ, vấn đề là ở chúng ta có thiện căn, có phước đức hay không? Cái gì gọi là thiện căn? Trong sáu câu này, câu thứ nhất là thiện căn, hai câu phía sau là phước đức, chỉ cần chúng ta đầy đủ, thậm chí chúng ta kém khuyết một chút cũng không quan hệ, chỉ cần duyên thù thắng. Thật như Đại Sư Thiện Đạo đã nói là “chín phẩm vãng sanh luôn là ở duyên ngộ khác nhau”. Chúng ta có duyên thù thắng, dù phước đức thiện căn kém một chút nhưng có thể ở ngay trong một đời này, trong một thời gian ngắn ngủi bổ túc nó. Loại tình hình này, từ xưa đến nay, chúng ta ở trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, trong Vãng sanh truyện xem thấy rất nhiều thí dụ, cho nên có thể bổ túc. Vậy thì hai câu phía sau đó là thọ dụng chân thật.
“Vô minh tham sân giai vĩnh vô”. “Giai vĩnh vô” rất là hiếm được, vĩnh viễn đoạn dứt. Do đây có thể biết, đây quyết không phải là người thông thường, đó là tán thán Phật. “Tham sân” là Kiến Tư Phiền Não, đây là thô nhất. Ngoài cái này ra, Phật nói với chúng ta, còn có Trần Sa Phiền Não, Vô Minh Phiền Não. Vô minh, tham, sân, ba loại phiền não thì rất không dễ dàng đoạn hết. Kiến tư phiền não phải có định lực mới có thể phủ phục. Trong “Kinh Kim Cang” đã nói: “Vân hà hàng phục kỳ tâm”, phải có sức định. Định có thể hàng phục nhưng không thể đoạn, không thể vĩnh đoạn. Vĩnh đoạn phải dựa vào trí tuệ. Trí tuệ này tuyệt đối không phải là cái học của kiến văn. Chúng ta nghe Kinh nhiều, đọc Kinh nhiều, thảo luận nghiên cứu nhiều, có thể khai mở trí tuệ hay không? Cũng có thể được chút trí tuệ nhỏ, thế nhưng trí tuệ này không thể đoạn được phiền não, càng không thể phá được vô minh. Trí tuệ phá vô minh là trí tuệ Bát Nhã của tự tánh, trong tông môn thường nói là “minh tâm kiến tánh”. Trí tuệ của minh tâm kiến tánh mới có thể phá được vô minh. Chỗ này nói ra thì dễ dàng, khi làm thì rất khó. Làm thế nào hạ thủ? Hay nói cách khác, chúng ta phải học như thế nào? Bắt đầu học từ đâu?