/ 374
1.056

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 63

● Đức hiệu thứ sáu, “Thế Gian Giải”

“Thế” vốn dĩ là nói thời gian. Trung Quốc thời xưa 30 năm gọi một đời, cho nên cái thế này có ba cái mười, biểu thị ý này, đó là nói thời gian.

“Gian” là nói không gian, có lúc cũng gọi là thế giới. Giới là giới hạn, giống ý nghĩa của gian. Ngay chỗ này nói thế gian không chỉ là chỉ “hữu tình thế gian” chúng ta, thông thường là chỉ trong sáu cõi, loại chúng sanh có tình thức, dùng lời hiện đại mà nói chính là động vật. Loại thứ hai gọi là “khí thế gian”. Khí thế gian là thực vật, khoáng vật, cho đến vô số hiện tượng của đại tự nhiên là hoàn cảnh đời sống của chúng ta. Loại thứ ba là “trí chánh giác thế gian”, trí tuệ, chánh giác thế gian, thông thường chỉ Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật đều bao gồm trong loại này.

“Giải” là ý nghĩa thông suốt. Hay nói cách khác, đối với cả thảy vũ trụ nhân sanh, họ đều có thể thông đạt tường tận thì mới có được đức hiệu này, cũng là toàn tri toàn năng mà thông thường trong các tôn giáo nói, không gì không biết, không gì không thể. Khoa học gia cận đại, phương hướng nghiên cứu của họ đi đến hai cực. Một loại là cực lớn, vô cùng lớn, nghiên cứu thái không vật lý. Ngoài ra một loại nghiên cứu vô cùng nhỏ, gọi là lượng tử lực tử, nghiên cứu nguyên tử, điện tử, hạt tử. Đó là khoa học kỹ thuật hướng đến hai cực để phát triển. Phật tường tận đối với tất cả, không thứ nào không tường tận. Trên thực tế, cái mà nhà khoa học biết là rất có hạn.

Chúng ta đọc được ở trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Thiện Tài Đồng tử vào trong lỗ chân lông của Bồ Tát Phổ Hiền, lỗ chân lông là rất nhỏ (kỳ thật, lỗ chân lông của Bồ Tát Phổ Hiền cùng lỗ chân lông của chúng ta không hề khác nhau, việc này cần phải nên biết), ở trong đó quan sát được vô lượng vô biên công đức tạng. Các vị phải nên biết, Bồ Tát như vậy, chúng sanh cũng là như vậy, chúng ta cũng là như vậy. Cảnh giới này nhà khoa học không cách gì chứng đắc, họ chỉ có thể xem thấy biểu thị bên ngoài cực kỳ vi tế của hạt tử, họ không thể hiểu rõ nội hàm của nó. Cho nên không luận từ phương diện lớn hay từ phương diện nhỏ mà nghiên cứu, nếu như chúng ta dùng lời nói của Âu Dương Cảnh Vô để nói, đều không đạt được kết quả chân thật.

Có thể thấy được trí tuệ viên mãn, đức năng chân thật là trong tự tánh chúng ta vốn dĩ đầy đủ. Hay nói cách khác, chúng ta vốn dĩ không gì không biết, không gì không thể. Hiện tại vì sao thành ra đáng thương như thế này? Biến thành không biết thứ gì, không thể được thứ gì, hơn nữa vẫn còn không biết hổ thẹn. Đại Sư Hoằng Nhất đã từng nói qua hai câu nói hổ thẹn, đó là đến lúc cuối đời làm một tổng kiểm thảo, tổng phản tỉnh ngay trong một đời này. Ngài nói: “Nhất sự vô thành, nhân tiệm lão”, ngay trong một đời này, chưa thành tựu được một việc nào thì người đã già rồi. Ngài lại nói một câu: “Nhất văn bất trực, hà tiêu thuyết”, đó là phê bình giá trị ngay trong một đời của chính mình không đáng một xu, còn có gì để đáng nói. Hàm nghĩa của hai câu này rất sâu. Chúng ta từ cạn mà nhìn, là Đại Sư Ngài phản tỉnh giác ngộ, cũng là nhắc nhở chúng ta cảnh giác. Từ chỗ sâu mà nói, thực tế là cùng tương ưng với lý nhị không. Trên “Kinh Bát Nhã” nói với chúng ta: “Tam tâm bất khả đắc, chư pháp vô sở hữu”. Chúng ta tỉ mỉ từ chỗ sâu mà thể hội mới có thể có chút thể hội ý cảnh của Lão Pháp sư.

Hiểu rõ chân tướng sự thật này, chúng ta cần phải nỗ lực phản tỉnh, tỉ mỉ mà suy ngẫm. Chúng ta ở ngay trong một đời này, ngày tháng này phải nên làm thế nào để đột phá, làm thể nào để vượt qua, làm thế nào qua được có ý nghĩa, có giá trị? Ở trên Kinh Phật thường hay khuyên chúng ta tích công bồi đức, đó là người giác ngộ, sống có ý nghĩa, có giá trị. Ở ngay trong cảnh giới bất khả đắc vô sở hữu có thể tích lũy công đức, cũng có thể tích lũy tội nghiệp. Một niệm giác thì bạn tích lũy là công đức, một niệm mê thì bạn tích lũy tội nghiệp. Tích lũy công đức thì quả báo ở ba đường thiện, tích lũy tội nghiệp thì quả báo ở ba đường ác. Tuy nhiên, ba đường thiện và ba đường ác cũng là vô sở hữu, cũng là liễu bất khả đắc, chẳng qua là tướng có, lý không. Cho nên, nếu bạn muốn hỏi, hoàn cảnh hiện tiền của chúng ta là có hay là không? Nếu như bạn cho rằng có thì tất cả đều có, nếu bạn cho là không thì vạn pháp đều không. Thế nhưng bạn phải biết được chân tướng, không và có là một, không phải là hai, cho nên trên Tâm Kinh đã nói là “sắc tức thị không, không tức thị sắc, sắc bất dị không, không bất dị sắc”, đây mới nói rõ chân tướng sự thật. Nếu như bạn tích lũy là tội nghiệp, bạn nhất định chịu khổ báo của ba đường. Khổ báo này cũng giống như trong giấc mộng vậy, giống như bạn nằm thấy ác mộng, như bạn đang chịu khổ não cực hình ở trong mộng, khiếp sợ cực lớn, bạn giật mình tỉnh giấc sợ đến toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Thời gian này ngắn. Nếu như bạn phải đọa vào ba đường thì thời gian đó dài. Trên “Kinh Địa Tạng” đã nói là “vô số kiếp”, bạn phải chịu giày vò của khổ nạn. Đó là do bạn một niệm bất thiện, bạn ở ngay trong đời sống thường ngày tích lũy tội nghiệp. Người như vậy chính là kẻ đáng thương mà chúng ta thường đọc thấy trên Kinh điển, Thế Tôn gọi người như vậy là kẻ đáng thương.

/ 374