/ 374
887

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 62

Ở Trung Quốc, Mạnh Tử là người thứ nhất nương theo người xưa để tu học. Mạnh Tử là người rất thông minh, ông muốn học Khổng Lão Phu Tử. Khổng Lão Phu Tử đã qua đời rồi, nhưng trước tác của Ngài vẫn còn. Ông đọc sách của Khổng Tử, có chỗ nào không hiểu thì thưa hỏi với học trò của Ngài, nương Khổng Lão Phu Tử làm thầy, một lòng học Ngài. Ông cũng chân thật một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu, ông đã thành công. Cho nên người Trung Quốc gọi Khổng Tử là Chí Thánh Tiên Sư, gọi Mạnh Tử là Á Thánh. Đây là trong lịch sử Trung Quốc, người thứ nhất được lấy làm lão sư, đã kiến lập cho chúng ta một tấm gương rất tốt. Về sau, lấy người xưa làm thầy có thành tựu huy hoàng như Tư Mã Thiên của nhà Hán. Nhắc đến việc này không ai không biết. Thầy của Tư Mã Thiên là ai? Tả Khưu Minh. Tả Khưu Minh cùng một thời đại với Khổng Lão Phu Tử, vậy chúng ta liền biết được ông đã học bằng cách nào. Trước tác của Tả Khưu Minh là Xuân Thu Tả Truyện, ông học Tả Truyện, đọc Tả Truyện, học được rất giống. Ông cũng thành tựu một bộ Sử Ký, trước tác vĩ đại, bộ lịch sử Trung Quốc đầu tiên là do ông viết. Lấy người xưa làm thầy còn có Hàn Dự, một trong tám đại gia Đường Tống. Thật cừ khôi. Đường Tống hai thời đại, tám nhà đại văn học được xếp hàng thứ nhất là Hàn Dự. Thầy của Hàn Dự là ai? Tư Mã Thiên. Tư Mã Thiên là người từ thời nhà Hán. Chúng ta biết được Hàn Dự đọc Lễ Ký, học Lễ Ký, học được rất giống, trở thành một nhà văn hào. Những thí dụ này đều là nói với chúng ta, học một bộ sách, học với một thầy thì bạn mới có thể có thành tựu. Không được học xen tạp, không được học lộn xộn.

Trong nhà Phật, rõ ràng nhất là Đại Sư Ngẫu Ích của Tông Tịnh Độ chúng ta. Đại Sư Ngẫu Ích là tổ sư đời thứ chín Tông Tịnh Độ, thầy của Ngài là Đại Sư Liên Trì. Thế nhưng vào lúc đó Đại Sư Liên Trì đã vãng sanh rồi, nên Ngài đọc trước tác của Đại Sư Liên Trì, Ngài học được rất giống, học thành công. Đại Sư Liên Trì là tổ thứ tám của Tịnh Độ, Ngài là tổ thứ chín của Tịnh Độ. Khi tôi ở Đài Trung học tập, lão sư Lý rất là khiêm tốn, thầy nói với tôi rằng: “Năng lực của tôi chỉ có thể dạy ông năm năm” và khuyên tôi học Đại Sư Ấn Quang, học người xưa, đọc “Văn Sao” của Đại Sư Ấn Quang, học Pháp sư Ấn Quang. Pháp sư Ấn Quang là thầy của lão sư Lý. Đó là thầy khiêm nhường, thầy muốn tôi lấy thầy của thầy làm thầy, nhận thầy làm huynh trưởng, quan hệ của chúng tôi là bạn học, ý của thầy là vậy. Đây là hiển lộ đức hạnh của thầy.

Tôi ở khắp mọi nơi khuyên bảo các đồng tu, tôi cũng giới thiệu cho các vị một vị thầy tốt, còn thù thắng hơn Pháp sư Ấn Quang. Vị nào vậy? Vô Lượng Thọ Phật, A Di Đà Phật là thầy giáo tốt của chúng ta. A Di Đà Phật ở đâu vậy? Hiện tại “Kinh Vô Lượng Thọ” bày ra ngay trước mắt của bạn, bạn có thể cả đời y theo một bộ Kinh này mà tu học thì bạn chính là học trò của A Di Đà Phật. Không chỉ nghiệp chướng một đời này của bạn được tiêu trừ, mà chủng tử nghiệp tập từ vô lượng kiếp đến nay hàm chứa trong A Lại Da Thức thảy đều có thể tiêu trừ, bạn ở ngay trong một đời này quyết định được sanh Tịnh Độ. Khi bạn vừa phát tâm, mười phương tất cả chư Phật Như Lai tán thán bạn, tôn trọng bạn, bạn là đệ tử Di Đà. Cho nên, các vị đồng tu nhất định phải biết trân trọng cơ duyên hy hữu khó gặp này. Chúng ta lạy lão sư, còn có vị lão sư nào tốt hơn vị lão sư này chứ? Trong Kinh, Thế Tôn tán thán đối với lão sư này là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, tán thán đến cùng tột. Phải biết tán thán của Thế Tôn chính là đại biểu mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai tán thán đối với A Di Đà Phật, chúng ta còn không chịu tin tưởng hay sao? Còn có do dự gì chứ? Còn có gì để hoài nghi nữa? Nếu như bạn không thể y giáo phụng hành, bạn vẫn là giả bộ như phục tùng thì tội nghiệp của bạn tạo sẽ cực sâu, không thể tha thứ. Tại vì sao vậy? Biết rõ mà cố phạm thì tội thêm một bậc. Bạn chưa tiếp xúc qua pháp môn này, chưa hề nghe qua Kinh điển này, chưa hề đọc qua Kinh điển này, bạn tạo tác tất cả tội nghiệp thì còn có thể tha thứ. Ngày ngày ở nơi đây nghe Kinh, ngày ngày ở niệm Phật đường niệm Phật mà còn làm những việc mất mặt, tội nghiệp này của bạn cực trọng, cực lớn, đọa vào địa ngục, Địa Tạng Vương Bồ Tát cũng không cứu được bạn. Đây là thật, không phải là giả. Phải mau hồi đầu. Việc này nhà Phật thường nói quay đầu là bờ. Chỉ cần bạn chịu quay đầu thì bạn liền được cứu, không chịu quay đầu thì bạn hết cứu rồi. Chỗ này nói, ở ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, khởi tâm động niệm phải đúng pháp, phải tương ưng với lời giáo huấn trong Kinh điển này của Phật. Cũng như Đại Sư Thiện Đạo đã nói, “Kinh Vô Lượng Thọ” dạy chúng ta nên làm thì chúng ta chăm chỉ nỗ lực mà làm, dạy chúng ta không nên làm thì không chỉ chúng ta không nên làm, mà ý niệm cũng không được khởi lên. Trong bộ Kinh điển này đầy đủ ba học giới-định-huệ, ngày ngày phải đọc tụng, ngày ngày phải phản tỉnh, ngày ngày phải cải đổi, đó gọi là chân niệm Phật.

/ 374