PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 61
Kinh văn: “Phật cáo A Nan, quá khứ vô lượng bất khả tư nghì, vô ương số kiếp, hữu Phật xuất thế danh Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”.
Đoạn này lần trước chúng ta đã giới thiệu phân nửa, trong Kinh văn vì chúng ta nói ra mười tên chung của Phật. Từ Như Lai đến Phật, tổng cộng là mười danh hiệu. Bất cứ người nào thành Phật đều đầy đủ mười đức hiệu này. Mười loại đức hiệu là từ tánh đức tự tánh của chúng ta, do đó chúng ta nhiều ít cũng phải biết một chút, sau đó mới có thể thể hội được tại vì sao Thế Tôn thường dạy chúng ta phải minh tâm kiến tánh, chúng ta liền có thể thể hội được dụng ý của Thế Tôn Ngài là ở chỗ nào. Trong mười hiệu, thì Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác phía trước đã nói qua, hôm nay bắt đầu nói từ Minh Hạnh Túc.
● Đức hiệu thứ tư, “Minh Hạnh Túc”
“Minh” là trí tuệ, “Hạnh” là hành trì, chúng ta xem thấy hai chữ này liền hiểu rõ là trí tuệ và thiện hạnh. Chư Phật Bồ Tát các Ngài đã là người giác ngộ. Người giác ngộ thì tư tưởng, lời nói, hành vi đều có thể tương ưng với trí tuệ, cho nên chữ Hạnh phía sau này có thể nói là bao gồm cả tư tưởng, lời nói, hành vi của chúng ta. “Túc” là ý viên mãn, cũng chính là nói hành vi ngay trong cuộc sống thường ngày đều tương ưng viên mãn với trí tuệ vốn đủ trong tự tánh, vậy thì thành Phật rồi. Chúng ta lại nói rõ ràng hơn một chút, nói được tường tận hơn một chút, “Minh” chính là “Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” mà Phật pháp thường nói. Có thể thấy được, Minh này không phải là trí tuệ của Tiểu Thừa, không phải là trí tuệ của Bồ Tát, không phải là trí tuệ của Quyền Giáo Phật quả, đương nhiên càng không phải là trí tuệ của phàm phu, mà là trí tuệ cứu cánh viên mãn trên quả địa Như Lai. Đời sống hành vi ở trong Phật pháp chính là tam học giới-định-tuệ. Tư tưởng, ngôn ngữ của chúng ta, tất cả tạo tác phải tương ưng với tam học giới-định-tuệ. Tương ưng chính là Túc, chính là ý nghĩa của chữ Túc này. Việc này người học Phật chúng ta không phải chỉ tường tận, mà phải lý giải sâu sắc, thì công phu tu hành của chúng ta mới có thể có lực.
Thế nào gọi là công phu tu hành có lực? Cũng chính là nói hoàn cảnh đời sống của chúng ta có thể thay đổi, đó gọi là có lực. Nếu không mà nói, câu nói công phu có lực này rất trừu tượng. Thế nào gọi là công phu có lực? Hoàn cảnh đời sống của chúng ta có thể chuyển đổi lại, đây mới là tâm mong cầu của mỗi chúng ta. Trí tuệ viên mãn nhất định phải dựa vào lời nói hành vi hiển thị ra. Nếu không thì trí tuệ có thể nhìn ra từ đâu? Từ hành vi đời sống của chúng ta, từ chỗ bạn đối nhân xử thế tiếp vật để biết bạn có trí tuệ hay không và trí tuệ của bạn đạt đến trình độ như thế nào. Cho nên, thực tiễn ngay trong cuộc sống thường ngày chính là tam học giới-định-tuệ.
“Giới” là gì? Là như pháp. Người thế gian chúng ta gọi là hợp tình, hợp lý, hợp pháp, trong nhà Phật chúng ta gọi là giới học. Nhắc đến giới học, chúng ta không nên nghĩ đến nghĩa quá hẹp của năm giới, mười giới, phạm vi này quá nhỏ. Hợp tình, hợp lý, hợp pháp, đó là giới học. Chúng ta nghĩ tưởng, không nên nghĩ người khác mà nên nghĩ chính mình. Người chân thật tu hành, mỗi giờ mỗi lúc quan tâm chính mình, vậy thì bạn đúng. Cũng giống như Đại Sư Lục Tổ Huệ Năng bên Thiền Tông đã nói: “Nếu là người chân chính tu hành thì không thấy lỗi thế gian”. Quan tâm chính mình còn không kịp, làm gì có thời gian để thấy lỗi lầm của người khác? Chính mình từ vô thỉ kiếp đến nay, tập khí phiền não thường hay khởi hiện hành, cho nên tất cả tạo tác ngay trong một đời này thật đúng như Bồ Tát Địa Tạng trong “Bổn Nguyện Kinh” đã nói là: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội”. Nếu như chúng ta thường hay có thể phản tỉnh, có thể kiểm điểm, biết được khởi tâm động niệm chính mình đều là tội nghiệp, lời nói việc làm cũng đều là đang tạo nghiệp, bạn có thể phản tỉnh, có thể quán sát, nhà Phật gọi là giác ngộ, bạn khai ngộ rồi. “Ngộ hậu khởi tu”, sau khi ngộ rồi đem những lỗi lầm của mình tu sửa lại, đó gọi là tu hành. Cho nên mọi người nhất định phải tường tận, tu hành không phải mỗi ngày đánh chuông gõ mõ đọc Kinh, mà là đem tất cả lỗi lầm từ trong nội tâm của chúng ta sửa đổi lại, đó mới gọi là tu hành.