/ 374
587

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 60

Danh hiệu ở trong nhà Phật, mãi đến hiện tại vẫn còn tuân thủ nguyên tắc này, thế nhưng trong thế pháp đã xảy ra thay đổi rất lớn. Những việc này chúng ta không cần bàn luận đến, biết được một chút thường thức thì tốt rồi. Từ “Như Lai” đến “Phật, Thế Tôn” là thông hiệu. Mỗi một vị Phật đều có mười hiệu chung này. Những hiệu chung này là ý nghĩa gì vậy? Hoàn toàn là lưu xuất từ tánh đức, tên của tánh đức,chúng ta cần phải hiểu được. Xã hội có một số người không cầu hiểu sâu, nói đến Phật dường như họ hiểu được rất nhiều, Như Lai Phật là lớn nhất trong các Phật. Nói lời này là người không hiểu gì. Như Lai Phật lớn nhất, đại khái thấy nhiều trong Tây Du ký, Tôn Ngộ Không bản lĩnh như vậy cũng không vượt khỏi bàn tay của Như Lai Phật, như vậy là đã hiểu sai đi ý nghĩa.

Danh hiệu thứ nhất: Như Lai

Như Lai là tên chung của chư Phật, mỗi một vị Phật đều có mười hiệu, đầy đủ mười hiệu thì mới gọi là Phật. Danh hiệu thứ nhất là Như Lai. “Như” là ý nghĩa gì vậy? Như là chân như. Chân như chính là chân tâm, chính là bản tánh, có ai mà không có? Tất cả chúng sanh mỗimỗi đều đầy đủ. Tuy có nhưng hiện tại bị mê rồi, mê mất chứ không phải thật đã mất đi. Vậy muốn hỏi bạn, chân như của bạn có khởi tác dụng hay không? Khởi tác dụng. Tuy khởi tác dụng nhưng bạn chính mình không hề biết. Lúc nào thì khởi tác dụng? Khi khởi tâm động niệm. Niệm thứ nhất là chân tâm, niệm thứ nhất là như như, niệm thứ nhất là Phật tri Phật kiến. Tâm bệnh của phàm phu ở chỗ nào vậy? Không thể giữ được niệm đầu tiên. Nếu như có thể giữ được niệm đầu tiên thì con người này liền thành Phật, thì gọi là Phật, là Như Lai. Phàm phu thì niệm thứ nhất rất ngắn, chỉ một sát na, niệm thứ hai liền rơi vào trong ý thức. Niệm thứ hai là gì vậy? Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều khởi lên, vậy thì liền biến thành phàm phu.

Thí dụ bạn mở mắt nhìn thấy tất cả đại chúng, bạn vẫn chưa có phân biệt, vẫn chưa có chấp trước, vẫn chưa khởi vọng tưởng, tâm địa bạn rất thanh tịnh, thấy được rất rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo, là Phật tri Phật kiến. Đó là kiến tánh, kiến sắc tánh. Thế nhưng niệm thứ hai thì phiền phức rồi, đây là Trương Tam kia là Lý Tứ, con người này là người tốt, người kia là người xấu thì phiền phức lớn rồi, hoàn toàn rơi vào trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bỗng chốc liền rơi xuống thành phàm phu. Đến lúc nào bạn có thể giữ cho niệm đầu tiên này không thay đổi thì bạn liền thành công. Trong nhà Phật nói rất nhiều phương pháp, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, nói ra hết chỉ là một sự việc, đó là làm thế nào giữ được niệm đầu tiên này không thay đổi. Chỗ này gọi là nhất niệm, Tịnh Độ tông chúng ta gọi là nhất tâm. Ý niệm mới vừa khởi, hai tâm ba tâm liền biến thành nhiều tâm. Hai tâm, ba tâm, nhiều tâm là phàm phu. Vọng tưởng càng nhiều càng đáng lo, càng nhiều càng hướng xuống đọa lạc.

Trong tất cả pháp môn, pháp môn niệm Phật là thù thắng nhất, một ngày từ sớm đến tối không có ý niệm nào khác, khởi tâm động niệm đều là A Di Đà Phật. Tôi dạy mọi người câu Phật hiệu này làm thế nào để niệm được có lực? Xem tất cả mọi người đều là A Di Đà Phật thì niệm Phật của bạn mới có thể niệm được tốt, công phu mới có lực. Không cần phải thấy đây là Trương Tam, kia là Lý Tứ, vậy thì phiền. Đây là A Di Đà Phật, kia là A Di Đà Phật, thảy đều là A Di Đà Phật, bạn xem, bạn vĩnh viễn là A Di Đà Phật, bạn liền thành Phật rồi. Không chỉ tất cả mọi người là A Di Đà Phật, tất cả mọi vật cũng là A Di Đà Phật, tất cả mọi việc cũng là A Di Đà Phật, ngoài A Di Đà Phật thì không có bất cứ thứ gì, đều là A Di Đà Phật biến hóa ra hết. Bạn xem,thế giới Tây Phương Cực Lạc bảo thọ thành hàng, các chim nói pháp. Bảo thọ, các chim đều là A Di Đà Phật biến hoá ra. Thế giới Tây Phương như vậy, thế giới trước mắt này của chúng ta không là như vậy hay sao? Cũng là như vậy, chỉ là bạn chính mình không chịu thừa nhận, bạn nhất định phải vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, vậy thì còn cách nào đâu? Cho nên làm thế nào chuyển đổi được cảnh giới, then chốt chính ngay chỗ này.

Hôm nay, Phật thất viên mãn. Thời gian đi qua rất nhanh, các vị từ hải ngoại các nơi đến nơi đây niệm Phật bảy ngày, thiết nghĩ mọi người cũng có cảmgiác đến niệm Phật ở nơi đây rất thù thắng. Kỳ thật tôi xin nói với các vị, bảy ngày này các vị ở nơi đây niệm Phật vẫn là không bằng bình thường chúng ta niệm Phật. Tôi không hề bước vào niệm Phật đường, nhưngtôi biết rất rõ ràng. Do nguyên nhân gì? Chúng ta bình thường niệm Phật từ thứ hai đến thứ năm, mỗi ngày 6 giờ thức dậy đến 6 giờ tối, niệm 12 giờ đồng hồ; từ thứ bảy đến chủ nhật niệm 36 tiếng đồng hồ; một tuần lễ niệm Phật 96 giờ đồng hồ, tâm của mọi người là bình lặng. Chúng ta gọi là sóng tư tưởng, mức sóng động đó không lớn, rất gần với mức độ trung bình, cho nên đạo tràng này không giống như các đạo tràng khác, thù thắng không gì bằng. Các vị từ nơi hải ngoại đến, bình thường không có loại huấn luyện này, khi vừa đến hơn 160 người, mỗi một người sóng tư tưởng cao cao thấp thấp đều không như nhau, cho nên bước vào niệm Phật đường đương nhiên làm cho niệm Phật đường sẽ loạn lên. Cho nên đồng tu ở bản địa nghe lời của tôi, bạn sẽ có cảm giác không như nhau. Bên ngoài đến bởi vì bình thường họ không có tiếp xúc. Bình thường niệm Phật thù thắng hơn rất nhiều so với Phật thất. Cho nên hoan nghênh các đồng tu thường đến niệm Phật, tham gia bình thường chúng ta niệm Phật, niệm Phật thù thắng hơn rất nhiều so với Phật thất. Cái đạo tràng này hy hữu khó gặp, chủ yếu chính là bước vào niệm Phật đường thì thân tâm thanh tịnh, tất cả buông bỏ, lại không còn tạp tâm vọng tưởng. Tiêu chuẩn này chính là chân như. Tuy là không đạt đến trình độ này, đến gần được trình độ này thì được thọ dụng rồi.

/ 374