/ 374
576

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 59

Kinh văn: “A Nan đế thính, thiện tư niệm chi, ngô đương vi nhữ, phân biệt giải thuyết”.

Tôn giả A Nan khải thỉnh (hiện tại chúng ta gọi là thỉnh pháp), Thế Tôn hứa khả đáp ứng vì ông giảng giải. Trước khi giảng Kinh, đặc biệt dặn bảo ông “đế thính”. “Đế thính” chính là nghe tỉ mỉ, chú tâm mà nghe.

“Thiện tư niệm chi”. “Tư niệm” lại thêm một chữ “thiện”, trong đây liền có sự khác biệt rất lớn. Người thế gian thông thường tư niệm là dùng ý thức, thêm vào một chữ thiện là không dùng ý thức, vậy mới gọi là thiện. Trong Thiền Tông, lìa tâm ý thức mà tham, cho nên gọi là tham cứu, không gọi là nghiên cứu. Nghiên cứu là dùng tâm ý thức, tham cứu thì không dùng tâm ý thức. Giáo Hạ cũng không ngoài lệ, cho nên ở trên Kinh Phật dặn bảo những người đương cơ đều bảo họ “thiện tư niệm chi”, cũng phải lìa tâm ý thức. Không lìa tâm ý thức, bạn sẽ không khai ngộ. Thiện tư niệm chi ngay chỗ này chính là có chỗ ngộ. Sau khi bạn nghe rồi, thể ngộ được cảnh giới mà Phật đã nói, không rơi vào trong phân biệt chấp trước, đó mới gọi là thiện tư niệm. Cho nên câu nói này vô cùng quan trọng. Nghiêm khắc mà nói, nghe Kinh có phải là nghe một câu này? Không biết nghe thì “tư niệm chi”, người biết nghe thì “thiện tư niệm chi”, khác biệt rất to lớn. Chỗ này chúng ta phải đặc biệt lưu ý.

Phần tựa đến chỗ này thì giảng xong, Kinh văn phía sau là phần chánh tông của quyển Kinh. Ở ngay trong một đoạn lớn, chúng ta đã dùng thời gian tương đối dài, đem thông tựa và biệt tựa của quyển Kinh, hai phẩm phía trước là thông tựa của bổn Kinh, phẩm thứ ba là phần tựa của bổn Kinh. Biệt tựa cũng gọi là phát khởi tựa, phát khởi chánh văn của toàn Kinh. Thế là chúng ta rất rõ ràng thấy được ở trong văn tự, phát khởi của Kinh Này là Tôn giả A Nan thưa hỏi, Thế Tôn vì ông mà nói.

Trong lời tựa phát khởi, người xưa nói ở trong đây có năm loại ý nghĩa.

Thứ nhất, Thế Tôn phóng quang hiện ra tướng lạ, cũng là tăng cường tín tâm của chúng ta. Tu học Phật pháp, then chốt của thành công là xây dựng ở trên nền tảng tín tâm, đặc biệt là pháp môn Tịnh Độ. Đại Sư Ngẫu Ích giảng cho chúng ta nghe ba tư lương của Tịnh Độ, ba điều kiện này thiếu một cũng không được. Ba điều kiện này là “tín-nguyện-hạnh”. Tín đứng đầu tiên, cho nên ở trong đoạn này đích thực ra là khiến cho chúng ta kiên định tín tâm. Tại vì sao kiên định tín tâm? Xem thấy Thế Tôn niệm A Di Đà Phật được A Di Đà Phật và mười phương tất cả chư Phật Như Lai gia trì, ngày hôm nay màu sắc đặc biệt đẹp. A Nan tuy là thị giả của Phật, nhưng từ trước đến giờ chưa từng thấy qua sắc tướng Thế Tôn đẹp như ngày hôm nay. Ngay chỗ này cũng chứng minh cho chúng ta một sự thật: “Tướng tùy tâm chuyển”, cho dù là Thích Ca Mâu Ni Phật cũng không ngoại lệ. Bạn thấy, Ngài tưởng Phật, tưởng A Di Đà Phật thì sắc tướng trang nghiêm không gì bằng. Nếu Ngài không tưởng A Di Đà Phật thì sắc tướng đó sẽ kém một chút. Đó là rất rõ ràng. Như vậy chúng ta mới biết được, nếu như chúng ta một ngày từ sớm đến tối niệm Phật thì dung mạo này dần dần niệm niệm sẽ giống như A Di Đà Phật vậy. Đây là đạo lý nhất định, cho nên kiên định tín tâm của chúng ta.

Thứ hai, A Nan là đại biểu cho chúng ta, xem thấy Thích Ca Mâu Ni Phật tướng hảo quang minh nên sanh tâm hoan hỉ, liền bước ra thưa hỏi. Trong thỉnh giáo có hai ý nghĩa. Ý thứ nhất là ngày nay Phật có sắc tướng đặc biệt, nhất định là trong lòng có ý niệm đặc biệt, bởi vì cảnh tùy tâm chuyển mà Phật thường hay nói, A Nan và đại chúng đương nhiên đều rất quen thuộc. Thân thể của chúng ta là một cảnh giới gần nhất trong cảnh giới của chúng ta, cho nên trong lòng của chúng ta có bất cứ ý niệm gì đều không thể giấu được người, đều hiện ra trên khuôn mặt chúng ta. Người tâm ý qua loa thì không thể nhìn ra, người tâm ý tỉ mỉ vừa nhìn thì sẽ rõ ràng, đặc biệt là người tu hành, người tu hành có công phu thì sao mà không tường tận? Vừa nhìn thì hiểu rõ. Thậm chí không cần nhìn chính người đó, nhìn tấm hình, bạn đưa mười tấm hình cho họ xem, họ xem trên tấm hình đó bạn khởi ý niệm gì, tấm hình khác thì bạn khởi ý niệm gì, trên khuôn mặt có thay đổi thì làm gì có thể giấu được người? Cho nên Thế Tôn tâm nhất định trụ đặc kỳ pháp, Ngài hiện ra là tướng đặc biệt, vì vậy A Nan nghĩ Phật nhất định là đang niệm Phật. A Nan vì sao có thể hỏi được ý này? Không phải là người thông thường có thể hỏi ra được, nếu như chúng ta xem thấy Thích Ca Mâu Ni Phật hiện ra hiện tướng này, nhiều nhất là trong lòng hoan hỉ, không thể nói ra được một câu nào. Từ ngay chỗ này mà thể hội, A Nan không phải là người thông thường, A Nan cũng là chư Phật Bồ Tát Pháp Thân Đại Sĩ thị hiện, các Ngài đến để hát xướng, để biểu diễn. Đạo lý này phải nên hiểu. Hội “Kinh Vô Lượng Thọ” và “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm” không hề khác nhau, đều là chư Phật Như Lai, Pháp Thân Đại Sĩ đến biểu diễn, cho nên Ngài mới có thể hỏi ra được. Nếu như là chúng sanh trong mười pháp giới thì căn tánh khác biệt với chư Phật Như Lai, rất khó, không thể hiểu rõ được chân tướng sự thật thì làm sao có thể hỏi ra được chứ? Đây là ý thứ hai.

/ 374