/ 374
1.308

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 46

Câu Kinh văn tiếp theo: “Thiện năng phân biệt chúng sanh ngôn ngữ”.

Đây là nói đột phá chướng ngại trên ngôn ngữ. Ngôn ngữ, chúng ta rất tường tận, đặc biệt là ở tại Singapore. Khu vực Singapore tuy là rất nhỏ, nhưng có rất nhiều chủng tộc, ngay chọn quan viên phải chọn lấy bốn loại ngôn ngữ là Anh ngữ, Hoa ngữ, Malay ngữ và Ấn Độ ngữ. Có bốn loại ngôn ngữ, ngữ văn đều không đồng. Thế nhưng bản lĩnh của Phật Bồ Tát rất lớn, Phật dùng một âm thanh mà nói pháp, chúng sanh tùy loại tự hiểu được. Việc này chúng ta không thể làm được. Nếu như là Phật cùng những vị Bồ Tát này giảng Kinh ở nơi đây, các loại chủng tộc khác nhau, người không cùng một quốc gia, người không đồng ngôn ngữ cùng ngồi phía dưới để nghe Kinh không cần phải có phiên dịch, mỗi một người đều có thể nghe hiểu. Chỗ này rất diệu, mỗi một người nghe Phật giảng đều là ngôn ngữ của chính mình. Phật có bản lĩnh này. Việc này không thể nghĩ bàn, chúng ta thử nghĩ xem có thể chăng? Hiện tại nghĩ lại vẫn thật có khả năng, vì sao vậy? Bởi vì hiện tại dùng vi tính có thể làm được. Vi tính đã có thể làm đến được, mà trí tuệ của Phật so với vi tính không biết là phải cao hơn gấp bao nhiêu lần. Cho nên hiện tại chúng ta xem thao tác vận dụng của vi tính, nghĩ đến năng lực này của Phật là thật không phải là giả, Ngài đích thực là có năng lực này.

Năng lực này chúng ta đã xem thấy ở trong Kinh điển, đạo lý này là Như Lai cùng những vị Pháp Thân Đại Sĩ này, các Ngài là trí tuệ chân thật, biện tài vô ngại. Có loại sức mạnh công đức này, cho nên có thể biến hiện ra tùy loại ngôn ngữ. Ngài không cần người khác phiên dịch, Ngài có thể cùng một nơi cùng một chỗ, dùng một âm thanh làm cho tất cả mọi người nghe đều nghe được âm thanh của chính họ. Ngài có được loại năng lực này. Có năng lực như vậy thì thuyết pháp lợi sanh sẽ không hề có chướng ngại.

Mọi người đều biết được Phật pháp rất tốt, Phật pháp rất là thù thắng. Ngày nay Phật pháp hoằng dương trên toàn thế giới, thực tế mà nói, chướng ngại của ngôn ngữ là nhân tố thứ nhất. Chân thật có người tu hành, đương nhiên người tu hành này chưa chứng được Hoa Nghiêm Tam Muội. Nếu chứng được Hoa Nghiêm Tam Muội thì vấn đề này liền được giải quyết. Không có được công phu sâu như vậy, cảnh giới đã vào được rất thấp, có thể vào được mấy phần, công hạnh không đạt đến được tiêu chuẩn này, cho nên liền bị chướng ngại của ngôn ngữ; đối với những người ngôn ngữ bất đồng, văn tự bất đồng, không thể đem Phật pháp thù thắng vi diệu giới thiệu đến cho họ, mà cần phải thông qua phiên dịch.

Như thời xưa, vào 2.500 năm trước, Phật pháp truyền đến Trung Quốc, lúc đó Kinh điển là tiếng Phạn, đến Trung Quốc nhất định phải phiên dịch thành Hoa văn thì người Trung Quốc mới có thể xem hiểu được. Thông qua phiên dịch lần này, ý nghĩa nguyên văn của Thế Tôn có bị phiên dịch sai không? Việc này ở ngay trong thường thức tưởng tượng thông thường của chúng ta mà nói, nhất định là có khả năng, không thể nào đem hết ý nghĩa nguyên văn của Ngài dịch ra không có một chút sai lầm nào, rất khó. Người thông thường chúng ta tự mình viết một thiên văn chương, mời người ta phiên dịch văn tự ngoại quốc so với ý nghĩa ban đầu của chúng ta có phải là hoàn toàn như nhau không? Rất khó nói. Nếu như đem ý nghĩa của Phật dịch sai thì phải làm sao? Đó chẳng phải là làm chúng sanh ngộ nhận sao? Điểm này cũng dẫn khởi người hiện đại học Phật có hoài nghi đối với Kinh điển, cho nên có một số người nhất định phải tìm Kinh điển nguyên bản văn Phạn. Đến nơi đâu để tìm? Kinh điển nguyên văn đều bị thất truyền. Người Trung Quốc có tận hết trách nhiệm hay không? Vào thời xưa, số lượng lớn Kinh điển tiếng Phạn lưu truyền đến Trung Quốc, rất đáng tiếc là người Trung Quốc không bảo tồn, sau khi phiên dịch thành Trung văn thì không cần đến Kinh điển tiếng Phạn nữa, không hề lưu giữ để lưu truyền lại. Bạn nói xem, đáng tiếc cỡ nào!

Vào những năm đầu khi tôi học Phật, tôi đã đem việc này thỉnh giáo với tiên sinh Phương Đông Mỹ. Tôi nêu ra vấn đề này, những điển tích trân quý như vậy vì sao không cố gắng giữ gìn lưu lại? Bạn xem, người xưa lo sợ Kinh Phật tương lai ở trong tai nạn lớn sẽ bị thất truyền, nên đem khắc thành thạch Kinh, thường trụ danh sơn lưu truyền đến đời sau. Mấy năm trước, ở Phòng Sơn Trung Quốc phát hiện được Thạch Kinh. Bạn thấy người xưa dụng tâm nhiều như vậy, lo sợ bị thất truyền, đem Kinh văn này khắc lên trên đá, toàn bộ “Đại Tạng Kinh”, Phân Biệt Tạng ở trong bảy cái động đá. Tôi đến Phòng Sơn tham quan, khen ngợi không hết lời, công trình đó không thua kém gì Vạn Lý Trường Thành. Căn cứ vào ghi chép của họ, bộ Kinh điển này tổng cộng đã khắc cũng gần ba-bốn trăm năm mới hoàn công, bao nhiêu nhân lực tài lực để làm công tác này, tại vì sao không lưu giữ văn Phạn lại?

/ 374