659

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 45

Kinh văn: “Ư nhất niệm khoảnh, biến du nhất thiết Phật độ”.

Trên Kinh văn, Phật nói với chúng ta tình hình sinh hoạt của những đại chúng này sau khi ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội. Văn tự tuy không nhiều, thế nhưng hàm nghĩa rất sâu, rất rộng.

Trước tiên nói với chúng ta đại dụng thứ nhất, họ có thể thấy vô lượng chư Phật: “Trụ thâm thiền định, tất đỗ vô lượng chư Phật”. Việc này đã từng nói qua với các vị. Tác dụng thứ hai là họ có năng lực trong một khoảnh khắc biến du tất cả cõi Phật. Câu này là nói rõ với chúng ta, không gian đời sống của họ rộng lớn đến như vậy. Do đây có thể biết, Hoa Nghiêm Tam Muội đích thực là cảnh giới không thể nghĩ bàn.

Nhất niệm khoảnh” là nói thời gian rất ngắn. Trong Kinh văn có rất nhiều cách nói, đều có Kinh điển làm y cứ. Đại Đức xưa chọn lấy một trong những loại đó, chúng ta tương đối dễ dàng lý giải. “Nhất niệm khoảnh” thì gọi là một sát na. Một khảy móng tay có sáu mươi sát na. Thời gian một khảy móng tay rất ngắn, một phần sáu mươi của một khảy móng tay gọi là một sát na. Sát na cũng gọi là một niệm, đó là thời gian rất ngắn. Trong thời gian ngắn đến như vậy, họ liền có năng lực “biến du nhất thiết Phật độ”.

Chữ “nhất thiết” ngay chỗ này không chỉ bao gồm hết mười phương mà còn bao gồm cả ba đời. Các vị phải nên biết, ba đời là có đời quá khứ, còn có đời vị lai. Quá khứ, vị lai tất cả cõi nước chư Phật, họ đều có thể biến du.

Biến” là không có sót lọt. Mười phương ba đời vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, họ ngay trong một niệm viên mãn đạt đến. Cảnh giới đó chúng ta rất khó tưởng tượng. Khó ở chỗ nào vậy? Khó ở chỗ chúng ta có phân biệt, có chấp trước, cho nên xem thấy những Kinh văn này đều rất không dễ gì lý giải. Phàm phu chúng ta hạn cuộc ở một thân tướng thì không thể phân thân. Hạn cuộc trên cái thân tướng này, cho nên không thể làm được. Đừng nói khoảng một niệm chúng ta không thể làm được, mà thời gian có dài hơn chúng ta cũng không làm đến được.

Ở trong Đại Kinh đã nói qua với các vị nhiều lần, Pháp Thân Đại Sĩ (cũng chính là Bồ Tát từ Viên Giáo Sơ Trụ trở lên) không có thân tướng, cũng chính là không có chấp “ngã”. Vô tướng thì họ mới có thể hiện tất cả tướng. Vô tướng vô bất tướng, họ có thể hiện tất cả tướng. Vô trí thì họ có thể hiện tất cả trí, không gì không biết. Cho nên ở trên Kinh Phật nói với chúng ta, họ có thể đồng thời hiện ra vô lượng vô biên thân tướng. Thân tướng hiện ra có phải là giống nhau hay không? Không phải vậy, họ có thể hiện ra vô số thân tướng khác nhau. Như mọi người đọc được ở trong “Phẩm Phổ Môn”, ba mươi hai ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm, đáng dùng thân gì để độ thì Ngài liền hiện ra thân đó để độ. Ba mươi hai ứng thân là ba mươi hai loại lớn, trong mỗi một loại vô lượng vô biên sắc tướng, mà mỗi một sắc tướng có thể nói là đều không đồng nhau.

Những tướng này có phải là Bồ Tát có ý hiện ra không? Không phải. Các vị phải nên biết, có ý thì không thể hiện. Hiện tại chúng ta không thể hiện là do nguyên nhân gì? Chúng ta có ý. Có ý thì không thể hiện, vô ý thì có thể hiện. Các vị phải nên biết, cái ý đó là phiền não, không phải là thứ tốt. Cái ý là chấp trước, là vọng tưởng, là phân biệt, cho nên chướng ngại đức dụng của tự tánh. Nếu như chúng ta đem cái ý này xả đi thì có ý nghĩa gì không? Không ý nghĩa gì. Bạn không có ý thì bạn liền tự tại, bạn liền có thể như chư Phật Bồ Tát tự tại thị hiện vậy. Chúng ta ở trong “Kinh Hoa Nghiêm” thấy được rất rõ ràng, rất tường tận những sự tướng, cảnh giới, đạo lý này. Đó là thật, không phải hư vọng.

Trong sử Phật giáo Trung Quốc có ghi chép, thời đại Tùy Đường còn có những người này. Trong sử truyện của nhà Phật có một bộ sách gọi là “Thần Tăng Truyện”. Ở trong đó ghi chép cũng có đến gần 300 người, họ đều có công năng đặc dị. Khi tôi mới bắt đầu học Phật, tôi ưa thích xem loại sách này. Sau đó thì biết được những năng lực này đều là bản năng của tất cả chúng sanh. Các Ngài có, chúng ta cũng có. Các Ngài có thể thị hiện, còn chúng ta thì không cách gì thị hiện, nguyên nhân là do đâu? Các Ngài không có chướng ngại, chúng ta có chướng ngại, làm cho bản năng của chính mình bị chướng ngại mất, cho nên năng lực này không thể hiển hiện.