/ 374
728

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 47

Kinh văn: “Tâm thường đế trụ, độ thế chi đạo, ư nhất thiết vạn vật, tùy ý tự tại, vi chư giá loại, tác bất thỉnh chi hữu”.

Lần trước giảng đến đoạn nhỏ này, nhưng bởi vì quan hệ của thời gian, còn có một số ý nghĩa chưa thể nói ra được, hôm nay chúng ta cần phải giảng bổ sung. Chúng ta học Phật, nhất định phải lấy Phật làm tấm gương cho chúng ta. Đặc biệt là đồng tu Tịnh Độ, tấm gương của chúng ta chính là A Di Đà Phật, nhất định phải rất nỗ lực chăm chỉ học tập với Phật A Di Đà, học được giống y như Ngài.

A Di Đà Phật ở đâu vậy? Một bộ Kinh chính là A Di Đà Phật. Ngày trước tôi cũng đã từng nói qua với các vị, nếu như chúng ta đối với bộ Kinh này không chỉ có thể tin, có thể hiểu, mà còn có thể làm, nhất định phải làm được. Nếu như làm được một trăm phần trăm thì bạn giống y như Phật A Di Đà, vãng sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc nhất định là thượng thượng phẩm vãng sanh, sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm. Địa vị này thì cao. Nếu như chúng ta không thể học được một trăm phần trăm, có thể học được bảy-tám mươi phần trăm thì cũng có thể nói là quyết định có thể sanh đến cõi Phương Tiện Hữu Dư. Bảy-tám mươi phần trăm cũng học không được, có thể học được ba-bốn mươi phần trăm thì quyết định có phần vãng sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư. Nếu như nói tin mà không hiểu, hiểu mà không thể làm, thì không thể nắm được phần vãng sanh, chỗ này gọi là “người niệm Phật nhiều mà người vãng sanh ít”, chính bởi vì không chịu làm theo, không chịu chăm chỉ học tập.

Ngay chỗ này, câu thứ nhất nói: “Tâm thường đế trụ độ thế chi đạo”. Nếu như hợp bổn Kinh lại để nói, chính là bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, mỗi nguyện đều là giúp chúng sanh vãng sanh bất thoái thành Phật. Chúng ta đọc bốn mươi tám nguyện, nhất định phải nương theo tấm gương tốt của Phật Đà, chính mình từ trong nội tâm cũng phải phát ra đại nguyện như vậy, cùng A Di Đà Phật đồng tâm đồng nguyện. A Di Đà Phật không hề vì chính mình, thành thật mà nói, cũng không có cả chính mình, tận hư không khắp pháp giới chính là chính mình, cho nên Ngài mỗi niệm vì chúng sanh. Nếu chúng ta muốn học Phật cũng phải từ ngay chỗ này mà học.

Trong “Ba Bậc Vãng Sanh”, điều kiện nói với chúng ta là “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Phát tâm Bồ Đề mà chỗ đó nói cũng có thể chỉ bốn mươi tám nguyện. Bốn mươi tám nguyện chính là tâm Bồ Đề chân thật. Nếu như có thể y giáo phụng hành, chúng ta với “tất cả vạn vật” tự nhiên liền “tùy ý tự tại”. “Tùy ý tự tại” ở chỗ này nói chính là tùy loại hóa thân, tùy cơ nói pháp, như trên “Kinh Phạm Võng” Thế Tôn đã nói: “Thiên bá ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật”. “Thiên bá ức” là đồng thời. Đồng thời có thể hóa ngàn trăm ức thân. Ngàn trăm ức thân này có phải là một hình dáng không? Không phải. Nếu như chỉ một hình dáng thì năng lực của Phật vẫn còn có hạn. Ngàn trăm ức thân là ngàn trăm ức loại thân phận. Mỗi một thân phận đều không như nhau, mỗi một thân tướng cũng không như nhau. Cái thân đó của Ngài làm thế nào hiện ra? Là vô tâm biến hiện. Vô tâm là tùy theo tâm niệm của chúng sanh mà biến hiện ra. Tâm niệm của mỗi một chúng sanh không như nhau, cho nên đức tướng của Phật cũng không như nhau, nhất định là mãn tâm nguyện của chúng sanh. Không chỉ hiện sắc tướng mãn tâm nguyện của chúng sanh, mà nói pháp cũng mãn tâm nguyện của chúng sanh, đó gọi là tùy ý tự tại.

Một câu Kinh văn phía sau này thì tốt rồi: “Vị chư giá loại, tác bất thỉnh chi hữu”.

Thông thường chúng ta gọi “giá loại” là chuyên chỉ tất cả đại chúng trong nhân gian. Ý nghĩa ở chỗ này rộng, có thể bao gồm chín pháp giới. Từ trong cảnh giới của Phật mà nói, chúng sanh chín pháp giới đều có thể nói là giá loại. Thông thường chúng ta gọi là mười pháp giới. Trong mười pháp giới đều có thể gọi là giá loại, then chốt chính là “tác bất thỉnh chi hữu”. Những chúng sanh đó không hề mời bạn nói pháp, bạn phải đi đến. Làm như vậy có phải trái với sư đạo hay không? Thế xuất thế gian pháp, chúng ta biết được đều là thuộc về sư đạo, thầy nhất định phải được tôn trọng, tôn sư trọng đạo.

Lão Pháp sư Ấn Quang nói với chúng ta: “Một phần thành kính được một phần lợi ích, hai phần thành kính được hai phần lợi ích”. Tu học của chúng ta, chúng ta có thể có được bao nhiêu không ở thầy giáo dạy, mà ở người làm học trò chúng ta khéo học. Chúng ta phải biết học. Biết học là dùng một loại tâm chân thành, thanh tịnh mà tiếp nhận thì chúng ta mới có thể đạt được.

/ 374