PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 44
Các đồng tu nhất định phải chú ý, người triệt để giác ngộ thì được gọi là Phật, người giác ngộ mà vẫn chưa triệt để thì gọi là Bồ Tát. Cho nên Bồ Tát là một người chân thật giác ngộ, tuy là giác ngộ chưa đạt đến cứu cánh viên mãn, nhưng họ cũng có năng lực tùy loại hóa thân. Chúng ta xem thấy ở trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Bồ Tát Viên Giáo Sơ Trụ có năng lực này, đáng dùng thân gì để độ thì các Ngài liền hiện ra thân đó. Cũng giống như năm mươi ba vị đồng tham phía sau “Kinh Hoa Nghiêm”, năm mươi ba vị đó thị hiện ra đều là người phàm, nam nữ già trẻ, các ngành, các nghề đều có trong đó. Đó chính là đời sống xã hội hiện thực của chúng ta. Những người này là người sáng suốt.
Hiện tại chúng ta một ngày từ sớm đến tối trải qua đời sống của một người hồ đồ, không hề biết chút gì đối với chân tướng sự thật. Cho nên trong tâm có vọng tưởng, có lo lắng, có phiền não. Người minh bạch thì những thứ này thảy đều không có. Người minh bạch đến giúp những người không minh bạch, đó gọi là Bồ Tát độ hóa chúng sanh. Bồ Tát là người minh bạch. Như thế nào gọi là độ hóa? Giúp đỡ chúng ta giác ngộ. Thế nhưng họ giúp chúng ta giác ngộ, có phải chúng ta có thể giác ngộ hay không? Không nhất định. Đó gọi là căn tánh của người không như nhau. Người căn tánh lanh lợi thì rất dễ dàng, các Ngài vừa giúp thì họ liền giác ngộ. Người độn căn thì rất khó, không dễ gì giác ngộ. Những ai là căn tánh lanh lợi? Thành thật mà nói, phàm hễ người không quá tính toán, tâm phân biệt rất nhạt, tâm chấp trước cũng rất nhạt, bất cứ việc gì lớn thì hóa nhỏ, nhỏ hóa không, không hề gì, những người này rất dễ ở trong pháp Đại Thừa khai ngộ. Phàm hễ tính toán từng li, phân biệt chấp trước, thì người này Phật, Bồ Tát xem thấy rất khó dạy. Đó là trên “Kinh Địa Tạng” đã nói: “Cang cường nan hóa”.
Họ cang cường cái gì? Họ phân biệt, chấp trước, tình chấp rất nặng. Phàm hễ tính toán từng li thì tương đối phiền phức. May mà Phật, Bồ Tát độ chúng sanh, các Ngài không vội vàng. Đời này không thể thành tựu thì có thể đợi đến đời sau, đời sau vẫn không thể thành tựu thì đợi đến đời sau nữa. Các Ngài có thời gian, các Ngài không vội vàng gì. Chúng sanh cho dù đọa vào cõi nào, các Ngài đều rõ ràng, đều tường tận. Chúng ta đời này ở cõi người, Ngài biến ra một người đến giúp chúng ta. Tuy là ta không tiếp nhận, nhưng chúng ta cũng nghe qua không ít, trong A Lại Da Thức đã trồng được thiện căn rồi. Đời sau giả như chúng ta làm không được tốt, đọa vào cõi súc sanh, những Phật, Bồ Tát này lại sẽ biến thành súc sanh để làm bạn với chúng ta, cũng ngày ngày giảng Kinh nói pháp cho chúng ta nghe. Trong súc sanh cũng có Bồ Tát đang giảng kinh nói pháp. Không phải các vị thường hay nghe nói, súc sanh cũng niệm Phật, súc sanh cũng vãng sanh, cũng đứng mà ra đi hay sao?
Chư Phật Bồ Tát mãi mãi không rời khỏi chúng sanh. “Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân”. Thế nhưng có một điều kiện, đó là con người này có ý niệm cầu giác ngộ thì Phật mới không bỏ bạn, mới mãi mãi đi theo bạn, giúp đỡ bạn. Nếu như bạn căn bản không có ý niệm cầu giác ngộ, Phật đành phải ở bên cạnh mà nhìn, chờ đợi. Lúc nào bạn có ý niệm này thì lúc đó Ngài mới đến, không có ý niệm này thì Ngài sẽ không đến. Việc này không phải Ngài không từ bi mà vì bạn vẫn không muốn giác ngộ, vẫn không muốn thoát sanh tử ra ba cõi, vẫn không muốn thành Phật, cho nên Ngài sẽ không đến. Khi bạn có ý niệm này thì Ngài liền đến. Chỗ này gọi là “vạn hạnh”, chỗ này gọi là “trang nghiêm quả Phật”. Đó chính là vô tướng có thể hiện ra tất cả tướng, có thể tùy cơ giáo hóa, tùy cơ nói pháp, tùy loại hiện tướng. Đây cũng gọi là Hoa Nghiêm. Trang nghiêm tự tánh, trang nghiêm pháp giới, trang nghiêm chúng sanh, đó là ý nghĩa của Hoa Nghiêm.
Nhất tâm tu học thì gọi là Tam Muội. Lời nói này là nói với người sơ học chúng ta. Chúng ta nhất tâm tu học thì gọi là Hoa Nghiêm Tam Muội. Nói đến chỗ này, chúng ta phải ứng dụng một cách rất cụ thể, phải thực tiễn ngay trong cuộc sống. Hoa Nghiêm Tam Muội tu thế nào? Y theo phương pháp lý luận của “Kinh Hoa Nghiêm” mà tu học thì gọi là Hoa Nghiêm Tam Muội. Nếu như có thể khế nhập cảnh giới mà trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói thì gọi là “ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội”. Bạn phải vào cảnh giới mới được, không vào cảnh giới thì tuy là bạn một lòng đang tu, nhưng bạn không vào được cảnh giới. Nói đến chỗ này, có thể tôi đang khuyên các vị tu Hoa Nghiêm Tam Muội phải không? Không sai! Là khuyên các vị tu Hoa Nghiêm Tam Muội, thế nhưng chân thật phải y theo “Kinh Hoa Nghiêm” mà tu thì thật phiền phức. Bạn xem, chúng ta giảng qua “Kinh Hoa Nghiêm” từ đầu đến cuối một lần, hiện tại chúng ta dự định là giảng năm năm, nhưng giảng phía trước không biết được phía sau, giảng đến phía sau thì quên hết phía trước, bạn từ đâu mà khởi tu? Bạn không cách gì để tu. Thế nhưng có một phương pháp, phương pháp tốt nhất đến niệm Phật đường ở lầu bốn niệm A Di Đà Phật, đó chính là viên mãn tròn đầy Hoa Nghiêm Tam Muội.