PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 43
Kinh văn: “Đắc vô sanh vô diệt, chư Tam Ma Địa, cập đắc nhất thiết Đà La Ni môn, tùy thời ngộ nhập, Hoa Nghiêm Tam Muội, cụ túc tổng trì, bách thiên Tam Muội”.
Lần trước chúng ta đã nói đến “cập đắc nhất thiết Đà La Ni môn”. Hôm nay tiếp theo, chúng ta xem “tùy thời ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội”.
Gần đây, đạo tràng chúng ta đang giảng “Kinh Hoa Nghiêm”, cho nên đọc đến câu này, tôi nghĩ các đồng tu chúng ta cũng không quá xa lạ. Thế nhưng Hoa Nghiêm Tam Muội là gì? Có thể nói là chúng ta đọc qua một cách rất mơ hồ. Sự việc này cho dù chúng ta không thể ngộ nhập nhưng ít nhiều cũng có thể hiểu được một ít, chí ít đó là thuộc về thường thức Phật học. Nếu như đơn giản thiết yếu để nói, Đại Đức xưa nói với chúng ta: “Nhất Chân Pháp Giới, duy thị tự tâm”. Thấu hiểu tám chữ này thì gọi là Hoa Nghiêm Tam Muội.
Lời nói này nói ra rất đơn giản, thực tế mà nói cũng nói được rất rõ ràng, thế nhưng người sơ học vẫn không dễ dàng gì hiểu được. Cũng chính là nói, mấy chữ này rất bình thường, không có chữ khó, đều có thể xem hiểu được, thế nhưng ý nghĩa bên trong rốt ráo của nó là gì thì không biết được. Thực tế mà nói, bạn đương nhiên không biết được, bởi vì bạn biết rồi thì bạn liền vào được Hoa Nghiêm Tam Muội. Do vì bạn không biết, đó là chứng minh bạn chưa ngộ nhập. Biết được tám chữ này rồi thì liền ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội.
Ngộ nhập Hoa Nghiêm Tam Muội giống như trong Thiền Tông đã nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, ý nghĩ hoàn toàn giống như tám chữ này. Thế nhưng trong Tông môn nói “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” thì không dễ hiểu, tám chữ này rất huyền. Trong Giáo Hạ, tám chữ là “Nhất Chân Pháp Giới, duy thị tự tâm”, cách nói này dường như dễ hiểu một chút, kỳ thật vẫn là khó hiểu. Độ khó của nó so với tám chữ của Tông môn cũng không cao, không thấp.
Chúng ta luôn phải nói qua, trong Phật pháp thường hay nói đến tự tánh. Những danh từ này các vị đều đã nghe qua rất nhiều: “Chân như bổn tánh”, Tịnh Độ Tông chúng ta gọi là “nhất tâm”. Danh tướng, thuật ngữ ở trong Đại Kinh chỉ cần lật vài trang bất kỳ cũng có thể tìm được mấy mươi loại danh từ. Mấy mươi loại danh từ này đều là nói một sự việc. Một sự việc nhưng tại sao lại dùng nhiều danh từ đến như vậy? Đó là Thích Ca Mâu Ni Phật nói pháp phương tiện khéo léo. Ý nghĩa trong đây cũng chính là nói với chúng ta, danh từ, thuật ngữ thì không nhất định, chỉ cần chỉ ra một sự việc, còn nói cách nào cũng đều được.
Do đây có thể biết, cách nói này của Thế Tôn phá chấp trước của chúng ta. Phá chấp trước, đó là trí tuệ chân thật. Bệnh của chúng ta chính là ở chấp trước. Nếu như phá trừ được chấp trước thì kiến giải của chúng ta, nhận biết của chúng ta liền không hề khác biệt với chư Phật, thì vào được cảnh giới của Phật. Thế nhưng vọng tưởng, phân biệt, chấp trước rất không dễ gì đoạn được. Chúng ta có thể thể hội được 49 năm giảng Kinh nói pháp của Thích Ca Mâu Ni Phật, khổ tâm của Ngài, thiện xảo của Ngài thì mới có thể thể hội được. Có thể thể hội thì chúng ta mới có thể học tập. Những sự việc này, nếu ngay đến thể hội cũng không thể thì chúng ta từ chỗ nào mà học? Đó là một ý nghĩa.
Ngoài ra còn một ý nữa, lý về chân tướng của vũ trụ rất sâu, sự rất rộng, rất phức tạp. Lý chính là nói bản thể. Lý rất sâu, sự rất rộng, rất phức tạp. Phật nói pháp cho chúng ta, có thể nói là dạy chúng ta quan sát từ mọi mặt. Quan sát mọi mặt thì bạn mới có thể thấy được sự phức tạp của hiện tượng. Do đó, khi đổi mỗi một mặt, đổi mỗi một góc độ khác thì Ngài liền dùng một danh từ khác, dùng một danh xưng để chúng ta tổng hợp các loại danh từ thuật ngữ này, ở trong đó ngộ nhập thật tướng của nó. Đây cũng là khéo léo nói pháp.
Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Đại Sư Thanh Lương nói tám chữ này rất đáng để chúng ta thưởng thức: “Nhất Chân Pháp Giới, duy thị tự tâm”. “Tự” là chính mình, chính là chân tâm của chính mình. “Nhất Chân Pháp Giới chính là chân tâm của chính mình”. Vậy thì mười pháp giới y chánh trang nghiêm là gì? Chúng ta từ tám chữ này liền có thể thể hội được: “Mười pháp giới duy thị vọng tâm”. Vọng tâm của chúng ta biến hiện ra mười pháp giới. Chân tâm của chúng ta là Pháp Giới Nhất Chân. Phật nói “chân”, “vọng” không hai. Bạn hiểu được “chân”, “vọng” không hai thì bạn đương nhiên liền tường tận Nhất Chân Pháp Giới cùng mười pháp giới cũng là không hai. Đó là chân tướng của sự thật. Thế nhưng rất khó tường tận, đích thực là rất khó hiểu.